Thụy Điển là quốc gia tiếp theo yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi chấm dứt quan hệ kết nghĩa với Thượng Hải, Thụy Điển có kế hoạch yêu cầu Liên minh châu Âu EU điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán cũng như cách thức bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Động thái mới này từ phía chính phủ Thụy Điển có thể làm gia tăng sự căng thẳng trong mối bang giao giữa nước này và Trung Quốc.

Trước đó, mối quan hệ giữa 2 chính quyền Stockholm và Bắc Kinh đã không êm ả kể từ khi Trung Quốc bắt giữ công dân Gui Minhai của Thụy Điển, là người phụ trách điều hành một doanh nghiệp xuất bản ở Hong Kong. Hồi tháng 2 vừa qua, ông Gui đã bị tòa án Trung Quốc kết án 10 năm tù, South China Morning Post đưa tin.

Bộ trưởng Bộ Y Tế Thụy Điển, bà Lena Hallengren cho rằng một cuộc điều tra là tối cần thiết để tìm ra nơi khởi nguồn và lý giải sự lây lan chóng vánh của virus Corona Vũ Hán, dẫn đến thảm họa đại dịch toàn cầu. Ý kiến này cũng đồng thuận với các nhà lãnh đạo các nước Mỹ, Úc và Đức, các quốc gia vốn trước đó đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh công khai minh bạch về số liệu trong dịch bệnh của nước này, cũng như nguồn gốc của chủng virus corona mới.

Trong bức thư trả lời Quốc hội vào ngày 29/4, bà Hallengren đã viết: “Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu, hoàn toàn hợp lý và thiết yếu để thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập cho chúng ta kiến thức đầy đủ về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona. Một điều quan trọng khác là cách thức toàn bộ cộng đồng quốc tế xử lý đại dịch COVID-19, trong đó bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cần được điều tra. Thụy Điển hoàn toàn hài lòng khi nêu ra vấn đề này trong khuôn khổ hợp tác của EU”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đề nghị tiến hành điều tra WHO sau khi đại dịch đã được kiểm soát, bởi bà và chính phủ Thụy Điển cho rằng WHO “đang thực hiện một công việc quan trọng”, vậy nên đây chưa phải là thời điểm để truy cứu trách nhiệm của tổ chức này. Tuy nhiên, bà Linde cũng nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Thụy Điển hài lòng với những gì WHO đã làm trong thời gian khủng hoảng đại dịch diễn ra.

Hiện tại, Thụy Điển có lẽ là quốc gia châu Âu có mối quan hệ căng thẳng nhất với Trung Quốc kể từ khi đại dịch xảy ra đầu năm nay. Khi cả thế giới phát động tiến hành truy cứu trách nhiệm đối với chính quyền Trung Quốc vì đã che giấu dịch bệnh, Thụy Điển cũng bắt đầu chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một cách toàn diện.

Ngày 22/4, thành phố lớn thứ hai Thụy Điển - Gothenburg đã tuyên bố chấm dứt mối quan hệ thành phố kết nghĩa kéo dài 34 năm với Thượng Hải, lý do là hiệp định này không còn cần thiết nữa. Hiệp định thành phố kết nghĩa giữa Thượng Hải và Gothenburg được ký kết vào năm 1986. Đồng thời, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên ở châu Âu xóa bỏ Viện Khổng Tử.

Theo thông tin tổng hợp, tính đến ngày 29/4, đã có người dân và quan chức của 8 quốc gia đưa ra yêu cầu bồi thường đối với ĐCSTQ, với tổng số tiền gần một trăm nghìn tỷ USD, tương đương với 7 năm GDP của Trung Quốc, trong đó bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Ý, Ai Cập, Ấn Độ, Nigeria và Úc. Một số người cho rằng để đòi bồi thường là vô cùng khó khăn, nhưng một số chuyên gia đã đưa ra phương án hiệu quả nhất và Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng ĐCSTQ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Thụy Điển là quốc gia tiếp theo yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán