Tiết lộ chi tiết cuộc hỗn chiến tại biên giới Trung - Ấn: Dùng gậy gắn đinh và đá để đánh nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã đối đầu với nhau ở vùng biên giới Kashmir. Vào ngày 15/6, có hơn 60 sĩ quan và binh lính của hai nước bị thương và thiệt mạng. Nhiều phương tiện truyền thông nói rằng lính Trung Quốc và Ấn Độ đã ném đá và gậy vào nhau, có xảy ra thương vong. Truyền thông Ấn Độ cho biết, lính Trung Quốc đã sử dụng gậy có gắn đinh.

Hãng Thông tấn Quốc tế Ấn Độ ANI cho biết, trong khi hai nước đang cố gắng xoa dịu căng thẳng xảy ra ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh, thì lại xảy ra một cuộc xung đột bạo lực giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, dẫn đến thương vong.

Bài báo trích dẫn các nguồn tin chính phủ nói rằng Ấn Độ có một đại tá và hai binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh lính Trung Quốc, 17 sĩ quan và binh sĩ khác bị thương nặng.

ANI cũng đưa tin, hơn 43 sĩ quan và binh sĩ bên phía Trung Quốc đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng.

Đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. Những người lính này không phải bị bắn chết, mà là tử vong trong một cuộc hỗn chiến có sử dụng đá và gậy gỗ.

Theo trang Associated Press và Reuters, trích dẫn các nguồn tin quân sự Ấn Độ, trong cuộc xung đột, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã ném đá và gậy vào nhau, cả hai bên không sử dụng súng hay vũ khí khác.

Truyền thông Ấn Độ cho biết lính Trung Quốc đã sử dụng gậy có gắn đinh. Theo các nguồn tin khác, trận chiến khốc liệt giữa hai bên đã diễn ra trong vài giờ. Phía Trung Quốc cũng có thương vong, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối tiết lộ số liệu cụ thể.

Sau cuộc xung đột, đại tá Trương Thuỷ Lợi (Zhang Shuili), phát ngôn viên của chiến khu Tây Bộ ĐCSTQ, đã đưa ra tuyên bố về cuộc xung đột Trung-Ấn vào tối ngày 16/6, thừa nhận cuộc xung đột gay gắt giữa hai bên đã gây ra thương vong. Tuy nhiên, con số thương vong của Trung Quốc không được công bố.

Quân đội Ấn Độ đã đưa ra một thông cáo vào ngày 16/6 rằng quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã rút khỏi khu vực xung đột. Quân đội Ấn Độ sẽ dốc hết sức để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Ladakh, nơi xảy ra xung đột, là một khu vực tranh chấp chủ quyền ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 2017, do Trung Quốc đã cố xây dựng đường cao tốc xuyên biên giới gần biên giới Trung-Ấn, nên căng thẳng ở đây bắt đầu leo thang.

Hầu hết đường biên giới dài gần 3.500 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ thường hay xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Ngoài ra, vào ngày 17/6, một cư dân mạng đã đăng một video lên Twitter nói rằng: “Vào đêm ngày 15/6, tại khu vực Galwan phía đông Ladakh ơ biên giới Trung-Ấn, những người lính từ cả hai phía đã chiến đấu với nhau bằng gậy sắt, dây thép gai và đá. 20 binh sĩ Ấn Độ đã chết, phía Trung Quốc thì không rõ. Đây là trận chiến khốc liệt nhất kể từ năm 1975”.

Video cho thấy một người lính Trung Quốc đã cầm cờ Trung Quốc lao về phía quân đội Ấn Độ nhưng đã bị lính Ấn Độ đánh đập. Cư dân mạng để lại bình luận nói rằng người này có khả năng sẽ bị đánh thê thảm hoặc bị đánh chết.

Có bình luận như sau:

"Tự xông vào gây hấn thì đừng đổ lỗi cho Ấn Độ. Nhìn thấy lá cờ máu đấy, ai mà không muốn đánh chết chứ?!"

“Cầm cờ đỏ năm sao đi đánh nhau sao? Ngu ngốc! Cuộc xung đột này là cuộc đọ sức bằng nắm đấm. Giương cờ máu đi có phải đợi để bị đánh không? Mang cờ máu đi dọa người đấy à?"

"Người cầm cờ máu xông lên, chẳng qua là muốn mượn cờ máu để thăng chức, anh ta biết rằng các lãnh đạo đang cầm kính viễn vọng và quan sát từ phía sau!"

Không ít cư dân mạng cho rằng:

"Tôi còn tưởng rằng đây là một cuộc ẩu đả giữa các công nhân ấy".

"Quả là cuộc hỗn chiến. Người chết cũng quá thảm".

"Tôi đã từng thấy hai ngôi làng ẩu đả vì tranh nhau cánh đồng cỏ, nào là gậy, thuổng, v.v, cũng tương tự như thế này".

Tuy nhiên, thời gian của video vẫn còn gây tranh cãi. Người đăng video nói rằng video này đến từ Ấn Độ và quay vào ngày 15/6. Tuy nhiên, một số cư dân mạng nghi ngờ rằng đó có thể là video về cuộc xung đột giữa hai bên vài năm trước.

Đợt đối đầu gần đây nhất giữa biên giới Trung-Ấn kéo dài 5 tuần, trong đó có nhiều xung đột xảy ra. Sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên thất bại, hai nước đã lần lượt bổ sung quân đội vào khu vực tranh chấp này. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, có nhiều video về việc binh lính được điều động tăng cường tiến về Ladakh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh mới đây đã xác nhận rằng phía Trung Quốc đã đưa một lực lượng quân đội với quy mô đáng kể tiến vào khu vực tranh chấp. Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cũng tiết lộ rằng quân đội Ấn Độ cũng đã đưa binh lính, xe cộ và pháo binh đến biên giới hai nước để củng cố lực lượng.

Truyền thông Anh BBC đưa tin, người phát ngôn của chính phủ Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết trong một cuộc họp báo rằng, thông qua một cuộc họp "mang tính xây dựng và hiệu quả" ngày 6/6, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung để xoa dịu tình hình và hạ nhiệt cuộc đối đầu ở biên giới. Nhưng thật không ngờ là Trung Quốc lại "đi lệch" khỏi đồng thuận này.

Ông Srivastava cho biết, vào tối ngày 15/6, chính những người lính Trung Quốc đã tự cố ý thay đổi Đường kiểm soát thực tế (LAC - đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát), dẫn đến xung đột bạo lực.

Đường biên giới tranh chấp giữa Trung-Ấn dài 3.488 km. Vào tháng 10 năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc nổ súng giao chiến ở biên giới. Trận chiến đã diễn ra trong một tháng và hai bên đã chịu tổn thất nặng nề. Kể từ đó, tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Trung-Ấn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Đông Phương

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Tiết lộ chi tiết cuộc hỗn chiến tại biên giới Trung - Ấn: Dùng gậy gắn đinh và đá để đánh nhau