Tiết lộ chi tiết mới về Hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu coronavirus rủi ro cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu năm 2021, WHO đã thực hiện một cuộc điều tra chung với Trung Quốc về nguồn gốc của virus và kết quả nghiên cứu là "khả năng virus xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là rất khó xảy ra". Kết quả này làm dấy lên làm sóng nghi ngờ trong giới khoa học về tính hợp pháp của cuộc điều tra. Các nhà khoa học thế giới và WHO đều thống nhất rằng cần tiến hành các cuộc điều tra mới về nguồn gốc của đại dịch. Liên minh Tình báo Mỹ đã điều tra vấn đề trong ba tháng theo đề xuất của Tổng thống Biden nhưng kết quả nhận được không khả quan. Vấn đề truy xét nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán hay COVID-19 vẫn đang là vấn đề nan giải khi Trung Quốc từ chối hợp tác lần hai. The Intercept gần đây thu thập được một hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu rủi ro cao về virus corona mà có thể làm sáng tỏ mấu chốt của vấn đề. Dưới đây là toàn văn báo cáo của The Intercept.

Đề cuơng nghiên cứu xin tài trợ của EcoHealth Alliance đệ trình lên cơ quan nghiên cứu quân sự Hoa Kỳ DARPA, bị từ chối mô tả việc chèn các vị trí phân cắt furin của tế bào người vào các virus corona dơi liên quan đến SARS.

Đề cương nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance tại Hoa Kỳ viết và đệ trình vào năm 2018 cho Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao Quốc phòng DARPA, cung cấp bằng chứng cho thấy nhóm này đang làm việc - hoặc ít nhất là có kế hoạch làm việc - trên một số lĩnh vực nghiên cứu rủi ro cao. Trong số các nhiệm vụ khoa học được mô tả trong đề cương của EcoHealth Alliance bị DARPA từ chối, là việc tạo ra các dòng vô tính có chiều dài lây nhiễm đầy đủ của coronavirus liên quan đến SARS của dơi và chèn một phần nhỏ của virus được gọi là "vị trí phân cắt protein" vào virus corona dơi. Mối quan tâm đặc biệt là một loại vị trí phân cắt có thể tương tác với furin, một loại enzyme được biểu hiện trong tế bào người.

EcoHealth Alliance đã không trả lời các câu hỏi về tài liệu này, mặc dù đã trả lời các câu hỏi trước đó từ The Intercept về nghiên cứu coronavirus của tổ chức này được chính phủ tài trợ. Chủ tịch EcoHealth Alliance, Peter Daszak, gần đây đã thừa nhận cuộc thảo luận công khai về đề cương nghiên cứu của EcoHealth chưa được cấp tài trợ. Ông Daszak không tranh cãi về tính xác thực của nó.

Kể từ khi mã di truyền của coronavirus gây ra đại dịch lần đầu tiên được giải mã trình tự, các nhà khoa học đã phân vân về “vị trí phân cắt furin”. Đặc điểm kỳ lạ này trên protein đột biến của virus chưa từng được tìm thấy trong các betacoronavirus liên quan đến SARS, chủng loại của SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.

Vị trí phân cắt furin cho phép virus liên kết và giải phóng vật liệu di truyền của nó vào tế bào người một cách hiệu quả hơn và là một trong những lý do khiến virus rất dễ lây truyền và gây hại. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn bất đồng về cách thức vị trí cụ thể này lây nhiễm virus, và vị trí phân cắt đã trở thành tâm điểm chính của cuộc tranh luận sôi nổi về nguồn gốc của đại dịch.

Nhiều người tin rằng virus gây ra đại dịch xuất hiện từ một phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng chuỗi axit amin cụ không thể tạo nên vị trí phân cắt furin một cách tự nhiên.

Những người ủng hộ quan điểm cho rằng SARS-CoV-2 xuất hiện từ sự lây lan tự nhiên từ thân chủ động vật đã lập luận rằng, nó có thể đã tiến hóa tự nhiên từ một loại virus chưa được phát hiện. Hơn nữa, theo họ lập luận, các nhà khoa học khó có thể thiết kế ra tính năng này.

Đầu tháng Chín, 23 nhà khoa học đã viết trên tạp chí Cell (Tế bào): “Không có lý do hợp lý nào có thể giải thích tại sao một virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm lại sử dụng một vị trí phân cắt furin dưới mức tối ưu như vậy, điều này sẽ đòi hỏi một kỳ công bất thường và phức tạp không cần thiết của kỹ thuật di truyền. Không có bằng chứng về nghiên cứu trước đây tại Viện virus học Vũ Hán liên quan đến việc chèn nhân tạo các vị trí phân cắt furin hoàn chỉnh vào virus corona”.

Nhưng đề cương mô tả quá trình tìm kiếm các vị trí phân cắt furin mới trong các virus corona dơi mà các nhà khoa học đã lấy mẫu và đưa chúng vào các gai của virus liên quan đến SARS trong phòng thí nghiệm.

“Chúng tôi sẽ giới thiệu các vị trí phân cắt phù hợp dành riêng cho con người và đánh giá tiềm năng phát triển trong một loại tế bào động vật có vú thường được sử dụng trong vi sinh vật học và nuôi cấy HAE”, đề cập đến các tế bào được tìm thấy trong niêm mạc đường hô hấp của người, đề cương nêu rõ.

Đề cương nghiên cứu, cũng mô tả kế hoạch tiêm phòng hàng loạt cho dơi trong hang động, không cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng virus gây ra đại dịch xuất hiện từ phòng thí nghiệm. Và các chuyên gia về virus vẫn còn bất đồng về nguồn gốc của nó. Nhưng một số nhà khoa học làm việc với coronavirus nói với The Intercept rằng họ cảm thấy rằng đề cương này đã làm thay đổi địa hình của cuộc tranh luận.

Mấu chốt vấn đề

Alina Chan, một nhà khoa học sống tại Boston và là đồng tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “Lây lan: Tìm kiếm nguồn gốc của Covid-19” đã lên tiếng về sự cần thiết phải điều tra kỹ lưỡng khả năng SARS-CoV-2 xuất hiện từ một phòng thí nghiệm, trong khi vẫn để ngỏ cả hai giả thuyết về sự phát triển của nó. Đối với Chan, tiết lộ từ đề cương là mô tả việc chèn một vị trí phân cắt furin mới vào các coronavirus dơi - điều mà trước đây mọi người suy đoán, nhưng không có bằng chứng, có thể đã xảy ra.

“Hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh: Một loại coronavirus SARS mới xuất hiện ở Vũ Hán với một vị trí phân cắt mới trong nó. Giờ đây, chúng tôi có bằng chứng cho thấy, vào đầu năm 2018, họ đã chèn các vị trí phân cắt mới vào các virus mới liên quan đến SARS trong phòng thí nghiệm của họ”, Chan nói. “Tôi thấy đây chắc chắn là mấu chốt của vấn đề. Và tôi nghĩ rằng nhiều nhà khoa học khác cũng nhìn nhận như thế”.

Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers, người đã tán thành khả năng SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm, đồng ý. Ông Ebright cho biết, mấu chốt của vấn đề ở đây là SARS Cov-2, virus gây đại dịch, là virus duy nhất trong toàn bộ chi coronavirus liên quan đến SARS, có chứa vị trí phân cắt đầy đủ chức năng tại điểm nối S1, S2, là vị trí nơi hai protein đột biến gặp nhau. “Và đây là một đề cương từ ​​đầu năm 2018, đề cương rõ ràng về việc thiết kế trình tự đó tại vị trí đó trong các coronavirus do phòng thí nghiệm tạo ra”, ông Ebright nói thêm.

Martin Wikelski, giám đốc Viện Hành vi Động vật Max Planck ở Đức, người chuyên theo dõi dơi và các loài động vật khác được EcoHealth Alliance tự động đưa vào danh sách tham chiếu trong đề cương xin tài trợ nói: “Một chuỗi lây truyền khả thi hiện đã nhất quán về mặt logic - điều mà tôi không thấy có trước khi đọc đề cương này”. Ông Wikelski cho biết, điều này cho phép ông cởi mở hơn với ý tưởng rằng đại dịch có thể có nguồn gốc từ trong phòng thí nghiệm.

Nhưng những người khác khẳng định rằng, nghiên cứu hầu như không có mối đe dọa nào. Họ chỉ ra rằng, đề cương nghiên cứu đề xuất thực hiện hầu hết các công việc kỹ thuật di truyền ở Bắc Carolina thay vì ở Trung Quốc. Stephen Goldstein, một nhà khoa học nghiên cứu sự tiến hóa của gen virus tại Đại học Utah, và là tác giả của bài viết gần đây trên tạp chí Cell, đã viết trong một email cho The Intercept: “Do nghiên cứu không nhận được tài trợ và dù sao cũng không được đề xuất thực hiện ở Vũ Hán, thật khó để đánh giá bất kỳ mối liên quan nào về nguồn gốc của SARS-CoV-2".

Tuy nhiên, các nhà khoa học khác được The Intercept liên hệ nhấn mạnh rằng có bằng chứng được công bố cho thấy Viện Virus học Vũ Hán đã tham gia vào một số công việc kỹ thuật di truyền được mô tả trong đề cương nghiên cứu và rằng các virus được thiết kế ở Bắc Carolina có thể dễ dàng được sử dụng ở Trung Quốc. Jack Nunberg, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Montana tại Đại học Montana cho biết: “Thư chứa đầy những phong bì nhỏ với plasmid được sấy khô trên giấy lọc mà các nhà khoa học thường gửi cho nhau”.

Vincent Racaniello, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Columbia, kiên quyết rằng, tóm tắt nghiên cứu của EcoHealth Alliance không làm thay đổi quan điểm của ông rằng đại dịch là do sự lây lan tự nhiên từ động vật sang người. Racaniello viết trong một email: “Không có dữ liệu nào để minh chứng cho ‘khái niệm về nguồn gốc trong phòng thí nghiệm’. Ông nói, ông tin rằng nghiên cứu đề cập trong đề cương có khả năng nằm trong danh mục nghiên cứu về tăng cường chức năng được quan tâm, cũng như một thí nghiệm được nêu chi tiết trong một đề xuất tài trợ khác do The Intercept thu thập được gần đây. Chính phủ tài trợ cho nghiên cứu như vậy, trong đó các nhà khoa học cố ý làm cho virus gây bệnh hơn hoặc dễ lây truyền hơn để nghiên cứu chúng, chỉ trong một số trường hợp hẹp. Và DARPA đã từ chối đề xuất tài trợ của EcoHealth Alliance ít nhất một phần vì lo ngại rằng nó liên quan đến nghiên cứu như vậy.

Mặc dù ông Racaniello thừa nhận rằng nghiên cứu trong đề xuất lên DARPA dẫn đến một số nguy hiểm, nhưng ông nói “lợi ích vượt xa rủi ro”. Ông cũng cho biết, thực tế là các virus được mô tả trong đề cương không phải là tác nhân gây ra bệnh đã biết, sẽ làm giảm bớt lo ngại. Ông nói: “Đây không phải là SARS, đề cập đến SARS-CoV-1, loại virus đã gây ra đợt bùng phát năm 2003. "Nó liên quan đến SARS".

Nhưng SARS-CoV-2 không phải là hậu duệ trực tiếp của virus đó - nó là họ hàng của nhau.

Trên thực tế, các virus được mô tả trong đề cương xin tài trợ không phải là tác nhân gây bệnh đã biết. Và các tác giả của đề cương lập luận rằng, bởi vì các nhà khoa học sẽ sử dụng virus dơi liên quan đến SARS, trái ngược với virus SARS đã được biết là lây nhiễm sang người, nghiên cứu được miễn trừ "mối quan ngại về tăng cường chức năng". Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học được phỏng vấn bởi The Intercept, các loại virus này lại là một mối đe dọa.

Jesse Bloom, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Giám đốc Phòng thí nghiệm Bloom, nơi nghiên cứu về sự tiến hóa của virus cho biết: “Đề cương mô tả việc tạo ra các coronavirus SARS liên quan đến dơi có chiều dài đầy đủ được cho là có nguy cơ lây lan sang người. Và đó là loại công việc mà mọi người có thể mặc nhiên công nhận là hợp lý có thể dẫn đến nguồn gốc của SARS-CoV-2 liên quan đến phòng thí nghiệm”. Ông Bloom chỉ ra rằng các nhà khoa học thừa nhận rủi ro đối với con người trong đề cương của họ. "Mục tiêu rõ ràng của khoản tài trợ là để nghiên cứu xác định các coronavirus liên quan đến SARS của dơi mà họ cho rằng có nguy cơ cao nhất".

Stuart Newman, giáo sư sinh học tế bào, người chỉ đạo phòng thí nghiệm sinh học phát triển tại Trường Cao đẳng Y tế New York, cũng cho biết thực tế là, các virus không được coi là nguy hiểm không có nghĩa chúng không thể trở nên nguy hiểm. Ông nói, lập luận kiểu như vậy là không đúng. “Những người ủng hộ nguồn gốc tự nhiên của virus nói rằng, nó bắt đầu từ một loại virus corona dơi, tiến hóa để tương thích với con người. Nếu bạn sử dụng logic đó, thì virus này có thể là một mối đe dọa vì nó cũng có thể tạo ra quá trình chuyển đổi đó”. Ông Newman, một nhà phê bình lâu năm về nghiên cứu tăng cường chức năng và là người sáng lập Hội đồng Di truyền Có trách nhiệm, nói rằng đề cương nghiên cứu này của EcoHealth Alliance đã xác nhận một số nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của ông. Ông Newman nói: “Điều này không giống như việc bạn bước nhẹ chân qua vạch vôi. “Điều này nếu được thực hiện có nghĩa là đang làm mọi thứ gây ra đại dịch”.

Mặc dù đề xuất tài trợ không cung cấp bằng chứng sống rằng SARS-CoV-2 đã trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm, nhưng đối với một số nhà khoa học, nó bổ sung thêm bằng chứng cho thấy giả thuyết đó có thể xảy ra. Ông Nunberg, thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học Montana, cho biết: “Cho dù nghiên cứu cụ thể đó có gây ra đại dịch hay không, nó chắc chắn có thể dẫn đến kết cục đó. Một khi bạn tạo ra một loại virus không tự nhiên, về cơ bản bạn đang thiết lập nó ở một nơi tiến hóa không ổn định. Virus sẽ trải qua một loạt các biến thể để cố gắng và đối phó với sự không hoàn hảo của nó. Vì vậy, ai biết được kết cục của nó”. Ông nói, rủi ro của những nghiên cứu như vậy là rất sâu đạm và không thể thay đổi được. “Khi đã phát hành virus vào môi trường thì làm sao có thể gọi nó quay về được”.

Nhóm trực tuyến phần lớn ẩn danh DRASTIC đã công bố toàn bộ văn bản của đề xuất vào thứ Ba ngày 21/9. Hãng truyền thông Sky News Australia đã trình bày chi tiết nội dung của nó trong bộ phim tài liệu dài một giờ giật gân có cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống Donald Trump, cũng được phát sóng hôm thứ Ba tại Mỹ trên kênh Fox Nation.

DARPA, một bộ phận của Bộ Quốc phòng, cho biết các quy định đã ngăn không cho họ xác nhận về việc họ đã xem xét đề cương xin tài trợ. “Vì EcoHealth Alliance có thể là nguồn trực tiếp của tài liệu được đề cập và chúng tôi bị ràng buộc bởi Quy định Sáp nhập của Liên bang không tiết lộ các nhà thầu hoặc bất kỳ chi tiết đề xuất liên quan nào, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với họ để xác nhận tính xác thực của tài liệu”, một phát ngôn viên của DARPA đã viết trong email cho The Intercept. Tờ Daily Telegraph của Anh đưa tin rằng họ đã xác nhận tính hợp pháp của tài liệu với một cựu thành viên của chính quyền Trump.

Xung đột lợi ích

Vẫn còn nhiều câu hỏi về đề cương này, như liệu có bất kỳ nghiên cứu nào được mô tả trong đề cương đã được hoàn thành hay chưa. Ngay cả khi không nhận được tài trợ của DARPA, vẫn có nhiều khả năng tài trợ khác để chi trả cho các thí nghiệm. Và các nhà khoa học được phỏng vấn cho bài báo này đồng ý rằng, các nhà nghiên cứu thường thực hiện một số nghiên cứu khoa học mà họ mô tả trong các đề cương trước hoặc sau khi họ gửi chúng.

Chan, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt: “Lan truyền” cho biết: “Đây là một nhóm các nhà nghiên cứu được tài trợ cao. Họ sẽ không để một lời từ chối nào cản trở công việc của họ”.

Có lẽ câu hỏi đáng lo ngại nhất về đề cương này là tại sao, trong một nhóm nhỏ các nhà khoa học đang tìm kiếm thông tin có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của đại dịch, cho đến nay lại có rất ít nhận thức về công việc đã được lên kế hoạch. Peter Daszak và Linfa Wang, hai trong số các nhà nghiên cứu đã đệ trình đề cương này, trước đó đã không thừa nhận nó.

Ông Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, đã tích cực tìm cách dập tắt sự quan tâm đến ý tưởng rằng virus corona mới có khả năng bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm. Vào tháng 2/2020, khi đại dịch bùng phát ở các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, ông Daszak tổ chức cho các nhà khoa học viết một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí Lancet đề cập đến nguồn gốc của virus. Bức thư do ông Daszak và 26 đồng tác giả ký có đoạn viết: “Việc chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, công khai và minh bạch về đợt bùng phát này hiện đang bị đe dọa bởi những tin đồn và thông tin sai lệch xung quanh nguồn gốc của nó. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên”.

Ông Daszak chỉ đạo và thu thập chữ ký cho bức thư, đồng thời đề nghị rằng ông ta và các cộng sự của ông ta được đề xuất trong dự án DARPA là Baric và Wang, sẽ tránh không ký tên vào bức thư.

“Tôi đã nói chuyện với Linfa Wang đêm qua về tuyên bố mà chúng ta đã gửi. Anh ấy nghĩ và tôi đồng ý với anh ấy rằng bạn, tôi và anh ấy không nên ký vào bản tuyên bố này, để nó có khoảng cách nào đó với chúng ta và do đó không hoạt động theo cách phản tác dụng”, ông Daszak viết cho Baric vào tháng 2/2020, chỉ vài tuần trước khi bức thư xuất hiện trên tạp chí Lancet, theo một email xuất hiện một năm sau đó của nhóm nghiên cứu điều tra sức khỏe cộng đồng US Right to Know. “Sau đó, chúng ta sẽ đưa nó ra theo cách không liên kết nó với sự cộng tác của chúng ta để chúng ta tối đa hóa tiếng nói độc lập”. Cuối cùng, ông Daszak đã ký vào bức thư.

“Tôi cũng nghĩ đây là một quyết định đúng đắn”, Baric trả lời. "Nếu không, nó trông có vẻ vì lợi ích cá nhân và chúng ta sẽ không tác động được nữa".

Baric và Wang - giáo sư trong chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS, Singapore - đã không trả lời các câu hỏi từ The Intercept về quyết định không ký vào lá thư trên tạp chí Lancet của họ.

Ông Daszak cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu chung mà Tổ chức Y tế Thế giới cử đến Trung Quốc vào tháng 2/2020 để điều tra nguồn gốc của đại dịch, kết luận rằng "cực kỳ khó xảy ra" khả năng rằng virus đã được phát tán từ phòng thí nghiệm. Vào tháng 3, WHO đã kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc của virus và tuyên bố rằng “tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ".

Giáo sư Bloom của Fred Hutch nói: “Tôi thực sự thất vọng khi một trong những thành viên của nhóm điều tra chung WHO-Trung Quốc, về cơ bản là nhóm các nhà khoa học được giao nhiệm vụ đại diện cho cả cộng đồng khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới để điều tra vấn đề này, lại thực sự là chủ nhân của đề cương nghiên cứu và xin tài trợ này. Người đó biết rằng dòng nghiên cứu này ít nhất được xem xét, mà không hề lên tiếng. Bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc giúp mọi người suy nghĩ về nguồn gốc của đại dịch cần được cung cấp và giải thích một cách minh bạch”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 230 triệu người và cướp đi gần 5 triệu sinh mệnh trên toàn thế giới.

Nguyên Hương

Theo The Intercept



BÀI CHỌN LỌC

Tiết lộ chi tiết mới về Hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu coronavirus rủi ro cao