Tin nhanh thế giới: Trung Quốc cảnh báo liên minh 'Ngũ Nhãn', Biden đối mặt vấn nạn biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số tin đáng chú ý diễn vừa diễn ra trên thế giới: Trung Quốc chỉ trích liên minh 5 nước, ông Biden cử bà Harris đi giải quyết vấn đề biên giới, Đông Âu đối mặt với đợt bùng phát virus Vũ Hán.

Dưới đây là điểm tin nhanh của NTD Việt Nam về tình hình thế giới trong đêm 24/3:

Trung Quốc cảnh báo liên minh "Ngũ Nhãn"

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu các nước thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh cho biết liên minh Ngũ Nhãn cần quay về thế kỷ 21 và nhận ra rằng, Trung Quốc ngày nay khác với Trung Quốc thời Nhà Thanh, theo hãng tin AFP.

"Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc của 120 năm trước. Người Trung Quốc không dễ nổi nóng, nhưng nếu đã nổi nóng, họ rất khó kiểm soát", bà Hoa cảnh báo.

Đề cập tới việc các quốc gia cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết "Liên Hợp Quốc có hơn 190 quốc gia, và một số nước đồng minh như "Liên minh Ngũ Nhãn" không thể đại diện cho cả cộng đồng quốc tế".

"Hãy nhìn vào bản đồ thế giới và bạn sẽ thấy Trung Quốc có những người bạn trên toàn thế giới. Vậy chúng tôi còn phải lo lắng về điều gì nữa", bà Hoa nói thêm.

Mỹ, EU, Anh và Canada ngày 22/3 đã áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, áp lệnh trừng phạt đối với hàng loạt cá nhân và tổ chức của EU.

Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng ở Trung Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ ngày 24/3, trong nỗ lực mở rộng liên minh và bàn về thoả thuận hạt nhân Iran, theo hãng tin SCMP.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP / Getty Images)
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP / Getty Images)

Điểm dừng chân đầu tiên của Vương Nghị là Ả Rập Saudi, và ông cũng sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Oman trước khi trở về Bắc Kinh vào ngày 30/3.

Theo Hua Liming, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, Bắc Kinh sẽ hướng tới mục tiêu “mở rộng vòng bạn bè của Trung Quốc và nâng cấp quan hệ với các nước này”.

"Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng họ vẫn là một bên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề hạt nhân Iran và sẽ không thể tìm ra giải pháp ... nếu không có sự tham gia của Trung Quốc", ông Hua nói.

Ông Biden cử bà Harris giải quyết vấn nạn biên giới

Tổng thống Mỹ Biden hôm 24/3 cho biết ông đã bổ nhiệm Phó Tổng thống Kamala Harris giải quyết tình trạng gia tăng kỷ lục về người di cư ở biên giới phía nam trong những tuần gần đây, theo Fox News.

Ông Biden cho biết, bà Harris sẽ đóng vai trò là liên lạc viên của chính quyền trong các cuộc đàm phán với Mexico và các quốc gia "Tam giác phương Bắc" gồm Honduras, Guatemala và El Salvador để giải quyết các nguyên nhân của làn sóng di cư.

Tổng thống Joe Biden (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris (khi đang tranh cử), trước cuộc họp báo tại Wilmington thuộc tiểu bang Delaware, vào ngày 12/8/2020 (Olivier Douliery / AFP via Getty Images)
Tổng thống Joe Biden (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris (khi đang tranh cử), trước cuộc họp báo tại Wilmington thuộc tiểu bang Delaware, vào ngày 12/8/2020 (Olivier Douliery / AFP via Getty Images)

Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Cộng hoà chỉ trích chính quyền Biden đã đảo ngược các chính sách nhập cư thời ông Trump, qua đó thúc đẩy sự gia tăng người di cư đến biên giới nước Mỹ.

Hơn 15.000 trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm đang bị giam giữ tại các cơ sở liên bang, theo các báo cáo gần đây. Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ báo cáo đã có hơn 100.000 người di cư đến biên giới chỉ trong tháng 2/2021.

Hạ viện Nga thông qua dự luật cho phép ông Putin tái tranh cử

Tại phiên họp hôm 24/3, Duma Quốc gia Nga (hay Hạ viện Nga) đã thông qua dự luật sửa đổi hiến pháp, mở đường cho ông Putin tái tranh cử, theo hãng tin TASS.

Theo một trong những điều khoản sửa đổi, quy định về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống áp dụng với tổng thống đương nhiệm mà không tính các nhiệm kỳ trước đó. Điều này có nghĩa là Tổng thống Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử. Hiến pháp hiện tại của Nga giới hạn mỗi tổng thống không giữ quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Ông Putin, 68 tuổi, đã điều hành nước Nga gần hai thập niên qua. Nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông sẽ kết thúc vào năm 2024. Ông Putin nhiều lần khẳng định vẫn còn quá sớm để quyết định có tái tranh cử hay không.

Đông Âu đối phó đợt bùng phát virus Vũ Hán mới

Các bệnh viện tại Hungary đang đối mặt với gánh nặng do số ca nhiễm virus Vũ Hán tăng lên trong đợt bùng phát thứ ba.

Giống hầu hết các nước trong khu vực, Hungary kiểm soát được tình hình lây nhiễm trong giai đoạn đầu của Covid-19 hồi tháng 3-4/2020. Tuy nhiên, đợt bùng phát mới ập đến khu vực vào đầu năm khiến tình hình ở Hungary xấu đi do biến thể dễ lây lan.

Hungary, quốc gia có gần 10 triệu dân, ghi nhận gần 594.000 ca nhiễm và gần 19.000 ca tử vong.

Đông Âu là khu vực có nhiều nhà máy lớn và không thể áp dụng phương pháp làm việc từ xa. Ca nhiễm mới ở Czech và Slovakia những ngày qua bắt đầu giảm. Tuy nhiên, Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức kỷ lục gần 30.000 trong 24 giờ qua.

Ba Lan hồi tuần trước yêu cầu các nhà hát, trung tâm thương mại, khác sạn và rạp chiếu phim đóng cửa khi số ca nhiễm gia tăng.

Bản Tin nhanh thế giới của NTD Việt Nam được đăng vào sáng hàng ngày, nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất trên thế giới diễn ra trong đêm qua.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Tin nhanh thế giới: Trung Quốc cảnh báo liên minh 'Ngũ Nhãn', Biden đối mặt vấn nạn biên giới