Tình báo Na Uy: Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ Nga triển khai tàu trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, Nga bắt đầu triển khai các tàu được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Biển Baltic, theo một báo cáo ngày 13/2 của Cơ quan Tình báo Na Uy.

Theo báo cáo (pdf), các tàu này thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga.

"Với năng lực thông thường suy yếu, sự phụ thuộc của Nga vào vũ khí hạt nhân đã tăng lên đáng kể. Do đó, các lực lượng răn đe khu vực và chiến lược của Nga ngày càng trở nên quan trọng đối với sức mạnh quân sự của Nga”, báo cáo được dịch bởi một số phương tiện truyền thông.

"Các tàu ngầm và tàu mặt nước của Hạm đội Phương Bắc nắm giữ phần lớn tiềm năng hạt nhân của Nga. Vũ khí hạt nhân chiến thuật trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong một số tình huống tác chiến có thể dính líu đến các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", theo báo cáo của Na Uy.

Theo đó, những căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và phương Tây có thể làm leo thang hơn nữa mối đe dọa hạt nhân của Nga đối với NATO. Báo cáo này viện dẫn một thực tế cho rằng "đặc trưng trong các quyết sách của Nga là sự ngờ vực mạnh mẽ về các ý đồ của phương Tây”.

Theo đó, một cuộc xung đột cục bộ có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn nếu có "sự can dự quân sự trực tiếp của Nga, Hoa Kỳ, NATO và Na Uy”.

Nga là ‘mối đe dọa lớn nhất’ của châu Âu

Báo cáo cũng nêu rõ Nga sẽ tiếp tục duy trì, hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình trong những năm tới.

Theo báo cáo (pdf) năm 2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) về vũ khí hạt nhân, học thuyết, quân lực và hiện đại hóa của Nga, lực lượng hạt nhân của nước này được hợp thành từ hai hệ thống phóng: Hệ thống tầm xa, chiến lược và Hệ thống phóng tầm ngắn và tầm trung.

Hệ thống tầm xa, chiến lược gồm: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.

Theo báo cáo, Điện Kremlin đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình và thay thế các hệ thống từ thời Liên Xô bằng tên lửa, tàu ngầm và máy bay mới. Ngoài ra, những vũ khí kể trên phải luôn có sẵn để phục vụ cho lực lượng hải quân, không quân chiến thuật và phòng thủ tên lửa.

"Mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Nga đã bị thu hẹp đáng kể kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng nước này vẫn duy trì kho dự trữ hàng nghìn đầu đạn, trong đó có hơn 1.500 đầu đạn được triển khai trên các tên lửa và máy bay ném bom có khả năng vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ”, theo báo cáo.

Báo cáo mới nhất được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram cảnh báo rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với Na Uy và phần còn lại của châu Âu. Ông cũng nói thêm rằng cuộc xung đột của Moscow với phương Tây sẽ "lâu dài".

Nga không có khả năng ‘phá hoại’ Na Uy

Ông Bjorn đã đưa ra bình luận trên sau khi nhận được báo cáo mới nhất từ ​​Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy (NSM) vào thứ Hai (13/2).

Ông Lars Nordrum, Phó Giám đốc của Cơ quan Tình báo nước ngoài của Na Uy, cho biết Nga có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở khai thác dầu khí của Na Uy.

Người đứng đầu NSM, bà Sofie Nystrom cũng cảnh báo rằng "toàn bộ châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả" nếu các cơ sở khai thác dầu và khí đốt của Na Uy bị Nga phá hoại.

Bất chấp những lo ngại kể trên, cơ quan an ninh nội địa của Na Uy (PST) cho biết, họ không tin rằng Nga có thể tiến hành bất kỳ hoạt động phá hoại nào ở Na Uy trong năm nay.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vẫn không ngừng kêu gọi các quốc gia phương Tây tăng cường viện trợ đạn dược và các viện trợ khác cho nước này, trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga sắp tròn một năm vào ngày 24/2.

Hôm thứ Ba (14/2), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh Nga đã tiến hành cuộc tấn công mới ở Ukraine một ngày trước đó.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tình báo Na Uy: Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ Nga triển khai tàu trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật