Tình trạng Khẩn cấp có lợi cho ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai nghiên cứu gần đây về quyền lực trao cho các chính phủ trong tình trạng khẩn cấp cho thấy, quyền lực gia tăng thường không được sử dụng để đối phó hiệu quả với thảm họa, hay hạn chế số thương vong, mà lại hay được sử dụng cho mục đích khác.

Đại dịch COVID-19 đã châm ngòi cho một cuộc trò chuyện rất cần thiết về việc sử dụng quyền lực trong tình trạng khẩn cấp, vì chúng đầy rẫy những cám dỗ về quyền lực và chỉ mang lại lợi ích cộng đồng dưới mức tối ưu. Việc Tổng thống Biden không thành công trong việc bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân tiêm chủng COVID-19, và việc Thủ tướng Trudeau sử dụng quyền lực của Đạo luật Các tình trạng Khẩn cấp, nhằm chống lại cuộc biểu tình bằng xe tải của Canada càng khiến cuộc thảo luận này cấp bách hơn, và đưa ra những câu hỏi quan trọng về việc, động lực nào đã truyền cảm hứng cho những chính sách này.

Một chủ đề nghiên cứu kinh tế được biết đến dưới tên ‘Lựa chọn công cộng’ vẫn đang vật lộn với những vấn đề này, và cho rằng các chính phủ, cũng như các chủ thể tư nhân, hành động vì lợi ích riêng của họ. Có nghĩa là, họ tìm cách tối đa hóa lợi ích của chính mình, trong khi hoạt động trong những ràng buộc về thể chế của họ. Trong vấn đề COVID-19, hành vi của các chính phủ không hề khác với thảm họa. Các kịch bản thảm họa tạo cơ hội cho các chủ thể chính trị đưa ra các quyết định lý trí, có mục đích, tối đa hóa quyền lực trong các ranh giới chính trị đặt ra xung quanh họ. Do đó, trái ngược với ý kiến ​​cho rằng các chính phủ cần phải có quyền quyết định nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng, thật ra các ràng buộc về thể chế cũng quan trọng không kém, hoặc có lẽ còn quan trọng hơn trong những trường hợp khẩn cấp, nhằm kiềm chế sự lạm dụng quyền lực chính trị.

Hiệu quả của các Tuyên bố về Quyền lực trong Tình trạng Khẩn cấp

Có rất nhiều nghiên cứu về các tác động của lựa chọn công cộng đối với quyền lực mở rộng của chính phủ. Gần đây, những tác động này trong thời kỳ COVID-19 đã được minh họa qua hai bài nghiên cứu về kinh tế chính trị trong tình trạng khẩn cấp của Christian Bjørnskov và Stefan Voight.

Các nghiên cứu này đã xuất hiện trên Tạp chí Luật và Kinh tế Châu Âu (2020) và tạp chí Lựa chọn công cộng (2021). Các nghiên cứu như thế này là đặc biệt sâu sắc, vì quyền lực trong tình trạng khẩn cấp đã đem đến cho nhiều chính phủ khuôn khổ chính để tiến hành chính sách y tế công cộng trong COVID-19.

Nghiên cứu năm 2020 so sánh việc sử dụng quyền lực trong tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới để ứng phó với COVID-19. Trong lịch sử, các trường hợp khẩn cấp đều là cái cớ để mở rộng quyền lực của chính phủ, và trải nghiệm của chúng ta với COVID-19 cũng cho thấy xu hướng này. Bjørnskov và Voight đã đánh giá rằng: "lần này [cũng] chẳng khác gì". Các nhà nghiên cứu này nhận thấy rằng, nhiều chính phủ trên toàn thế giới đã thực hiện các chính sách nặng tay mà không có mấy liên quan đến việc giảm nhẹ các ca bệnh và tử vong. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo chính trị có xu hướng đưa ra các quyết định tối đa hóa quyền lực, dựa trên những ràng buộc chính trị vốn có tại quốc gia của họ.

Ví dụ, trong hầu hết các nền dân chủ tự do vốn duy trì sự kìm hãm đáng kể về quyền lực, các chính sách phong tỏa được giới hạn ở việc đóng cửa kinh doanh tạm thời, đóng cửa trường học, và bắt buộc người dân ở nhà. Còn các quốc gia ít bị hạn chế về quyền lực hơn đã chứng kiến ​​nhiều cuộc vây bắt quyết liệt hơn, mở rộng sang nhằm vào các kẻ thù chính trị, và buộc các cá nhân bị nhiễm virus vào các cơ sở cách ly. Ở tất cả các quốc gia, việc triển khai các biện pháp khẩn cấp đến mức độ thế nào là tùy thuộc vào việc các ràng buộc về thể chế và chính trị cho phép sử dụng nó dễ dàng đến đâu.

Nghiên cứu năm 2021 của Bjørnskov và Voight đã xem xét việc sử dụng quyền lực trong tình trạng khẩn cấp từ năm 1990 đến năm 2011 ở 122 quốc gia, và kết luận rằng, không có lợi ích rõ ràng nào từ việc sử dụng những quyền hạn ấy. Bjørnskov và Voight phát hiện ra rằng, khi mà đánh giá đến nhiều yếu tố khác nữa chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của thảm họa đang được ứng phó — thì quyền lực trong tình trạng khẩn cấp không cứu được nhiều mạng sống hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu này phát hiện rằng, quyền lực trong tình trạng khẩn cấp có tương quan đến vi phạm nhân quyền, sự suy thoái của các thể chế dân chủ, và thậm chí gia tăng tử vong. Hơn nữa, Bjørnskov và Voight gợi ý rằng, những quyền lực trong tình trạng khẩn cấp này có khả năng liên quan đến việc các ứng phó cá nhân đối với thiên tai bị dẹp ra (để thay bằng phản ứng của chính phủ). Họ cho rằng, tạo điều kiện cho các cá nhân ứng phó với thảm họa có thể dẫn đến các giải pháp hiệu quả hơn, so với các giải pháp do các quan chức nhà nước thực hiện.

Trong khi hai nghiên cứu này chỉ ra các giới hạn và nguy cơ của quyền lực trong tình trạng khẩn cấp, chúng cũng chứng minh rằng, các ràng buộc thể chế đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc định hướng chính sách đại dịch. Sau khi đánh giá đến sự khác biệt trong cấu trúc chính phủ, Bjørnskov và Voight quan sát thấy rằng,

Các quốc gia có nhiều pháp quyền cũng như mức độ tự do báo chí cao thì ít có khả năng tuyên bố một Tình trạng khẩn cấp hơn, trong khi cả mức độ dân chủ và mức độ phát triển kinh tế đều không phải là các yếu tố dự báo quan trọng cho việc tuyên bố một Tình trạng khẩn cấp.

Hai nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng, các bang có quy định hiến pháp hạn chế hơn về quyền lực trong tình trạng khẩn cấp, thì ít có khả năng sử dụng chúng hơn. Đồng thời, các quốc gia có ít ràng buộc hơn đã theo đuổi các chính sách cực đoan hơn, chẳng hạn như đình chỉ quốc hội, đóng cửa tòa án, kêu gọi hiện diện quân sự, và bịt miệng các nhà báo.

Những phản ứng nặng nề như vậy là biểu hiện của xu hướng tối đa hóa quyền lực điển hình, mà lý thuyết Lựa chọn công cộng đã vạch ra. Các phản ứng hống hách xảy ra khi các chủ thể chính trị cho rằng, các lệnh bắt buộc này dễ thực hiện và họ có thể thu được lợi ích cá nhân từ chúng, nhưng các phản ứng này cuối cùng cũng cho thấy không liên quan nhiều đến kết quả sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các thể chế mạnh mẽ, chẳng hạn như nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận, và hạn chế quyền lực, tạo ra động lực cho các quan chức hành động theo cách làm hài lòng công chúng hoặc ít nhất là nhận được sự ủng hộ của dân chúng.

Sự cần thiết của việc Thừa nhận những Hậu quả không mong muốn

Lý do mà các chính phủ đưa ra để có được các quyền lực trong tình trạng khẩn cấp là, chính phủ phải hành động nhanh chóng và có ít ràng buộc, để giải quyết thiên tai, nhằm ngăn chặn thảm họa tiếp tục xảy ra. Thách thức thực sự trong tất cả các chương trình có chủ đích tốt đẹp của chính phủ là, nhìn thấy được những hậu quả không lường trước được. Khả năng thực thi nhanh chóng và dứt khoát các chính sách thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn, nhưng điều đó đi kèm với những hạn chế đáng kể. Ví dụ, nghiên cứu năm 2021 của Bjørnskov và Voight cho thấy rằng, quyền lực trong tình trạng khẩn cấp tương quan với nhiều ca tử vong hơn, chứ không phải ít hơn. Hai nhà nghiên cứu viết rằng,

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể bị kìm hãm nghiêm trọng hơn nhiều trong các thảm họa nghiêm trọng hơn, tại những quốc gia có Tình trạng khẩn cấp mang lại nhiều lợi ích hơn cho chính quyền. Chúng tôi coi kết quả đó là xác nhận phát hiện phản trực giác của chúng tôi rằng, các chủ thể chính trị ở một số quốc gia đã lạm dụng các điều khoản tình trạng khẩn cấp khi xảy ra thiên tai.

Tóm lại, nhiều quyền lực hơn được trao cho chính phủ dẫn đến khả năng cao hơn là họ sẽ lạm dụng quyền lực đó. Trong nhiều trường hợp, sự lạm quyền này có thể chỉ đơn giản là do sự cản trở từ các quy định và sự kém năng lực, dẫn đến việc phá vỡ các giải pháp của cá nhân. Ví dụ, ở Mỹ, chúng tôi đã thấy sự can thiệp mạnh tay của chính phủ đã gây ra nhiều rắc rối hơn, chứ không phải ít rắc rối hơn, trong việc ngăn chặn COVID-19, như đã thấy khi dịch bùng phát ở viện dưỡng lão, đóng cửa trường học, và đóng cửa nhà hàng. Trong tất cả các trường hợp này, tiền pháp định của chính phủ đã thay thế hệ sinh thái toàn diện của các hoạt động tư nhân.

Bjørnskov và Voight cũng lưu ý là có sự lạm dụng quyền lực rõ ràng vì nhiều mục đích độc tài khác nhau, phổ biến hơn ở các quốc gia có ít giới hạn trong hiến pháp hơn về thẩm quyền. Những lạm dụng quyền lực này bao gồm việc nhắm vào các kẻ thù chính trị, vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bịt miệng báo chí tự do, và cố ý làm suy thoái các thể chế dân chủ. Việc sử dụng quyền lực một cách không kiềm chế này làm gia tăng quan điểm rằng, những ràng buộc và khuyến khích thể chế đều gây ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự chính trị, trong những trường hợp khẩn cấp và thời kỳ yên bình. Hơn nữa, nó củng cố hơn nữa ý tưởng rằng, việc thiếu các ràng buộc về thể chế dẫn đến sự lạm dụng quyền lực chính trị.

Một thực tế không thể tránh khỏi trong đời sống chính trị là, các quan chức chính phủ không thông suốt mọi sự hoặc không hoàn toàn vị tha. Do đó, một hệ thống hạn chế quyền lực của họ mà được thực hiện tốt, thì sẽ giúp hạn chế sự thái quá trong các kế hoạch chính sách quá táo bạo và quá tham vọng. Các tình huống khẩn cấp không mang đến cho các chính phủ sự miễn dịch đối với những thiếu sót này.

Bjørnskov và Voight viết,

Bằng chứng của chúng tôi về tác dụng phụ của các biện pháp khẩn cấp chỉ ra rằng, thay vì chúng cho phép các chính phủ đối phó hiệu quả với thảm họa, và đặc biệt là hạn chế số người chết, thì hầu hết các chính phủ lại sử dụng chúng vào các mục đích khác.

Do đó, các tác giả Bjørnskov và Voight khuyến nghị chúng ta nên bỏ giả định rằng, các chính phủ sẽ chỉ đơn giản là làm những gì tốt nhất trong thời kỳ khủng hoảng. Thay vào đó, họ sẽ hành động vì lợi ích cá nhân của họ, và các thể chế xung quanh họ là yếu tố quan trọng trong việc kiềm chế những lợi ích cá nhân đó. Một số cải cách được các tác giả đề xuất bao gồm: giới hạn thời gian nhất định cho tình trạng khẩn cấp, các ràng buộc đối với việc sử dụng quyền lực tổng thể, và hạn chế tích cực quyền hành pháp thông qua các thể chế, chẳng hạn như quyền phủ quyết và hệ thống tòa án quyết đoán.

Xét đến tất cả những điều này, nghiên cứu của Bjørnskov và Voight về việc sử dụng quyền lực trong tình trạng khẩn cấp không chỉ tiết lộ những nguy hiểm vốn có của chúng, mà còn cho thấy các nguyên tắc vượt thời gian vẫn được áp dụng trong một chủ đề đang nóng bỏng. Họ nhắc nhở chúng ta rằng, các chính phủ đưa ra các quyết định lý trí, có lợi cho bản thân họ, dựa trên các khuôn khổ chính trị tương ứng của họ.

COVID-19 không khác gì bất cứ thảm họa nào khác. Các chính trị gia đã tận dụng tối đa tình hình này, dựa trên các quyền hạn có sẵn. Những hệ thống chính quyền mà khuyến khích các quan chức công quyền làm điều đúng đắn, thông qua việc hạn chế và cân bằng hợp lý quyền lực, thì ít lạm dụng quyền lực nhất. Ngược lại, những quốc gia dành nhiều quyền quyết định hơn cho các nhà lãnh đạo, thì lại chứng kiến nhiều hành vi vô trách nhiệm và gây rối hơn.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Ethan Yang đang theo học bằng luật tại Trường Luật Antonin Scalia thuộc Đại học George Mason.

Cao Dương

Theo Brownstone Institute



BÀI CHỌN LỌC

Tình trạng Khẩn cấp có lợi cho ai?