TNS Mỹ bị truyền thông Trung Quốc tấn công vì đề xuất cấm bán dầu cho chế độ diệt chủng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi người dân Mỹ phải trả mức giá cao ngất ngưởng cho xăng dầu thì chính quyền Biden vẫn cho phép nửa triệu thùng dầu Mỹ chuyển đến Trung Quốc mỗi ngày. Trước tình hình đó, Thượng nghị sĩ Rubio đã đề xuất “Đạo luật Cấm Xuất khẩu Dầu sang Trung Quốc”. Hiển nhiên, ông nhanh chóng trở thành đối tượng bị truyền thông Trung Quốc tấn công dồn dập.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa - Florida) là một trong bốn nhà lập pháp Mỹ bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt trả đũa của chế độ Trung Quốc từ 2 năm trước. Và áp lực từ Bắc Kinh vẫn chưa giảm bớt kể từ đó.

Dữ liệu trong vài tháng qua cho thấy các phương tiện truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc đang gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào ông Rubio - người luôn đi đầu trong việc cảnh báo các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian nửa năm trở lại đây, Trung Quốc đã có gần 200 lần chỉ trích ông Rubio, đặc biệt là từ cuối tháng 3. Trong bài phát biểu cuối tháng 3, ông Rubio đã gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “mối đe dọa lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt hiện nay”; và vào cuối tháng 5 sau vụ xả súng ở Uvalde, ông Rubio đã chỉ trích Hiệp hội bóng rổ quốc gia Mỹ (NBA) về việc “chính trị hóa một thảm kịch kinh hoàng ở Mỹ” nhưng lại không nói gì về “hàng tỷ [USD] họ kiếm được từ một Trung Quốc bắt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ và mổ cướp nội tạng của họ”.

Bán dầu cho chế độ diệt chủng

Các cuộc tấn công trên truyền thông của Trung Quốc nhắm vào ông Rubio đạt đến một tầm cao mới vào ngày 16/06, một ngày sau khi ông Rubio và Thượng nghị sĩ Rick Scott (Đảng Cộng hòa - Florida) giới thiệu “Đạo luật Cấm Xuất khẩu Dầu sang Trung Quốc”. Dự luật này đề xuất cấm Mỹ xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang Trung Quốc bởi hành động ấy sẽ "vô tình viện trợ và hỗ trợ đối thủ chính” của nước Mỹ.

“Trong khi giá khí đốt tăng cao trên toàn quốc, chính quyền Biden vẫn cho phép nửa triệu thùng dầu của Mỹ được chuyển đến Trung Quốc mỗi ngày”, ông Rubio cho biết trong một tuyên bố đi kèm theo dự luật. “Đây là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta cần tăng sản lượng dầu của Mỹ và ưu tiên người tiêu dùng trong nước, chứ không phải gửi dầu tới một chế độ diệt chủng cách xa nửa vòng trái đất”.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - là một trong năm điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu xăng dầu của Mỹ vào năm ngoái. Mỹ đã xuất khẩu khoảng 8,63 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 7% trong tổng số này.

Dự luật đang được 2 Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất đã tạo ra cuộc phản đối mạnh mẽ nhất cho đến nay từ các mạng truyền thông nhà nước Trung Quốc. Họ đang gắn nhãn các Thượng nghị sĩ Mỹ là "xấu xa khét tiếng" và "chống Trung Quốc", bản đồ phân tích xu hướng về môi trường thông tin Trung Quốc cho thấy.

“[Ông] Rubio và [ông] Scott đang gán vấn đề giá cả tăng vọt ở Mỹ với Trung Quốc”, trích bài đăng ngày 16/06 do nhà tổng hợp tin tức Guancha chia sẻ với 18,7 triệu người theo dõi trên Weibo.

Những kẻ chế giễu cũng lan truyền phản ứng của ông Rubio trước việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên - được trang bị máy phóng điện từ, cho phép phóng đi nhiều loại máy bay hơn với trọng tải nặng hơn và chứa nhiều nhiên liệu hơn.

"Nhà lập pháp chống Trung Quốc Rubio của Mỹ đã phát hỏa: [bởi vì] sắp tới thế giới sẽ có 2 tàu sân bay sử dụng máy phóng điện từ, một trong số đó đến từ Trung Quốc”, tài khoản Weibo có tên Air Force World đã chia sẻ như vậy vào ngày 16/6 với gần 8,5 triệu người theo dõi.

'Tôi không ngạc nhiên' khi bị Trung Quốc tấn công

Thượng nghị sĩ Rubio nói rằng việc xuất hiện những ngôn ngữ như vậy từ bộ máy nhà nước cộng sản Trung Quốc không có gì ngạc nhiên đối với ông. “Tôi đã luôn bị Bắc Kinh cấm và trừng phạt, và bây giờ là điều này”, ông nói với The Epoch Times.

“Tôi không ngạc nhiên - ĐCSTQ ghét bất kỳ ai hành động vì lợi ích của Mỹ thay vì [lợi ích của] Trung Quốc”, ông Rubio nói thêm. “[Tôi coi] đó là một huy hiệu vinh dự khi mà ĐCSTQ coi tôi là mối đe dọa đối với mưu đồ chống Mỹ của họ”.

Năm 2020, lệnh trừng phạt của Trung Quốc nhắm vào ông Rubio được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đưa 4 quan chức ĐCSTQ vào danh sách đen có liên quan đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc). Tại đây, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bị giam giữ trong các trại bất hợp pháp; bị tra tấn thể xác, tinh thần và tình dục.

Cả chính quyền Biden và chính quyền Trump đều xác định rằng các chính sách đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương là một hình thức diệt chủng.

Vào ngày 19/06, hai ngày trước khi Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ mà ông Rubio ủng hộ có hiệu lực - trong đó Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về lao động cưỡng bức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ đích danh nhà lập pháp này trong một bài báo dài có tiêu đề “Cái nhìn thực tế: Sự giả dối trong nhận thức của Mỹ về Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc ông Rubio đã cố gắng "kích động [việc đưa ra] cáo buộc diệt chủng" liên quan đến Tân Cương.

Trước đó 2 ngày, vào ngày 17/06, ông Rubio nói trong một tuyên bố chung với ba tác giả khác của dự luật: “Mỹ đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không còn đồng lõa với việc ĐCSTQ sử dụng lao động nô lệ và với những tội ác nghiêm trọng chống lại loài người của họ”.

Xuân Hoa

Theo Eva Fu - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

TNS Mỹ bị truyền thông Trung Quốc tấn công vì đề xuất cấm bán dầu cho chế độ diệt chủng