Tổ chức Phóng viên không biên giới kêu gọi Bắc Kinh ngừng kiểm duyệt Internet về sự bùng phát COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phóng viên không biên giới (RSF), một tổ chức phi lợi nhuận vì tự do báo chí, đã thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho các phóng viên và nhà bình luận chính trị cũng như ngừng kiểm duyệt thông tin về vụ dịch coronavirus mới ở Trung Quốc.

Trong một tuyên bố vào ngày 24/2, RSF chỉ ra rằng hai phóng viên tự do, Trần Thu Thực (Chen Qiushi) và Phương Bân (Fang Bin), cùng hai nhà bình luận chính trị, Quách Tuyền (Gou Quan) và Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), đã bị bắt vào đầu tháng 2 với lý do liên quan đến các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về vụ dịch.

Cũng trong tuyên bố này, Cédric Alviani - người đứng đầu văn phòng RSF tại Đông Á đã nói: “Việc kiểm duyệt rõ ràng đang phản tác dụng trong cuộc chiến chống lại một dịch bệnh và chỉ có thể làm cho nó trở nên trầm trọng hơn hoặc thậm chí giúp biến nó thành một đại dịch”.

“Chỉ có sự minh bạch tuyệt đối mới có thể giúp Trung Quốc giảm thiểu sự lan truyền của những tin đồn sai lệch, và thuyết phục người dân tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn được khuyến nghị để kiềm chế dịch bệnh”.

Trước khi mất tích, cả Trần Thu Thực và Phương Bân đều đã ghi lại tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, nơi tâm chấn của vụ dịch ở Trung Quốc, trước khi mất tích.

Một trong những video của Phương Bân đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc. Nó cho thấy một chiếc xe tang có chứa 8 xác chết. Bạn bè của anh cho biết cảnh sát đã đột nhập vào nhà riêng và đưa anh đi vào ngày 10/2.

Trần Thu Thực, một blogger-luật sư chuyển sang làm video blog 34 tuổi, đã đăng tải hơn 100 tin bài trên mạng xã hội từ Vũ Hán trong khoảng thời gian khoảng 2 tuần, trước khi mẹ của anh kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm anh sau khi Trần biến mất vào ngày 7/2.

Cùng ngày hôm đó, bạn của Trần là võ sĩ Từ Hiểu Đông đã nói trong một video trên YouTube rằng Trần đã bị đưa đi cách ly trong 14 ngày, mặc dù anh không hề có triệu chứng bệnh Covid-19.

Quách Tuyền, một nhà hoạt động nhân quyền và là cựu giáo sư trợ giảng tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, đã bị bắt vào ngày 31/1 sau khi đăng bài về coronavirus. Sau đó, ông bị giữ tại một nhà tù ở Nam Kinh, thủ phủ của miền đông Trung Quốc, tỉnh Giang Tô, theo tin từ Đài Á Châu Tự Do.

Hứa Chí Vĩnh, cựugiảng viên Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, đã bị cảnh sát bắt đi ở phía Nam thành phố Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 15/2, sau khi ông viết một bài luận chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xử lý sai khi ứng phó với trận dịch, theo The Guardian.

RSF chỉ trích mạnh mẽ các cơ quan có thẩm quyền “vì đã có sự siết chặt đáng kể đối với các nhóm thảo luận và phương tiện truyền thông xã hội, nơi có những nhà báo và blogger đã dám đăng các báo cáo độc lập”.

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cũng đã tăng cường các nỗ lực tuyên truyền, bao gồm cả việc thuê các tài khoản troll internet để viết các bài đăng trên mạng xã hội nhằm ca ngợi các nỗ lực của chính phủ để ngăn chặn virus.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 3/2, ông Trương Tiểu Quốc (Zhang Xiaoguo), giám đốc Cục Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tuyên bố rằng, việc phát sóng các tuyên truyền về các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa của chính phủ Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của bộ phận này.

Và vào ngày 4/2, cổng thông tin Trung Quốc Sina đã báo cáo rằng Ban tuyên giáo Trung ương có kế hoạch gửi hơn 300 nhà báo đến Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc để báo cáo về căn bệnh này.

RSF chỉ trích những nỗ lực của chính quyền này: “Những tuần gần đây, Bắc Kinh cũng đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông đưa tin (ca ngợi) về chủ nghĩa anh hùng của những người tuyến đầu thay vì sự đau khổ của dân chúng hoặc những thiếu sót trong các biện pháp chính phủ đưa ra”.

Bắc Kinh cũng đã kiểm duyệt những cảnh báo y tế sớm về vụ dịch.

Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa, là một trong 8 người đầu tiên công khai cảnh báo về một đợt bùng phát bệnh viêm phổi không rõ tên, trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 30/12/2019. Anh đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương 4 ngày sau đó, và bị khiển trách vì đã phát tán “tin đồn thất thiệt”.

Bác sĩ Lý đã qua đời vì Covid-19 tại Vũ Hán vào sáng ngày 7/2. Anh đã bị nhiễm virus trong khi điều trị cho một bệnh nhân.

Du Miên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổ chức Phóng viên không biên giới kêu gọi Bắc Kinh ngừng kiểm duyệt Internet về sự bùng phát COVID-19