Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Trung Quốc thu thập hàng loạt ADN của trẻ em Tây Tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa tin vào ngày 05/9, có bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang thu thập một cách có hệ thống ADN của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo trên khắp khu tự trị Tây Tạng, đặc biệt là các bé trai từ 5 tuổi trở lên.

Báo cáo đã xác định các ổ thu thập ADN hàng loạt ở 14 địa phương khác nhau ở tất cả 7 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương ở Khu tự trị Tây Tạng (municipalities in Tibet).

Trong một tuyên bố chính thức của chính quyền Trung Quốc, việc thu thập dữ liệu ADN hàng loạt là cần thiết “để các cơ quan an ninh công cộng phát hiện nhiều trường hợp bất hợp pháp khác nhau và để trấn áp hiệu quả các phần tử bất hợp pháp và tội phạm”, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)

Bà Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã buộc người Tây Tạng phải chịu sự đàn áp trên diện rộng".

"Bây giờ thì các nhà chức trách đang lấy máu của họ theo đúng nghĩa đen mà không có sự đồng ý của họ để tăng cường khả năng giám sát họ".

Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu quy mô lớn

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng việc thu thập như vậy là chọn lọc ở các khu vực khác của Trung Quốc nhưng phổ biến ở Tây Tạng và Tân Cương. Điều đó cho thấy chính sách xâm nhập của Bắc Kinh đặc biệt nhắm vào người dân của hai khu vực này.

Một cuộc điều tra trước đó cho thấy vào tháng 9/2016, văn phòng cảnh sát khu vực Tân Cương đã đưa ra hai lệnh kêu gọi tài trợ với số tiền là 8,69 triệu USD và 2,9 triệu USD, cho tổng số 12 bộ giải trình tự ADN, 30 bộ khuếch đại phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và 1.000 lô bộ dụng cụ định dạng gen.

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các thương vụ mua bán như vậy cho thấy các nhà chức trách có ý định xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn để thu thập một số lượng lớn dữ liệu ADN của các cá nhân.

Một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) có tiêu đề “Genomic Surveillance - Inside China’s DNA Dragnet” (Giám sát thông qua bộ gen - Bên trong cuộc săn lùng DNA của Trung Quốc), cho biết bắt đầu từ cuối năm 2017, Bộ Công an đã mở rộng mạng lưới trên khắp Trung Quốc, nhắm mục tiêu thu thập ADN của hàng triệu bé trai và trẻ em lứa tuổi mầm non.

Báo cáo cho biết, chương trình thu thập dữ liệu ADN hàng loạt này, với mục đích xây dựng sự kiểm soát xã hội toàn diện, "vi phạm luật pháp ở Trung Quốc và các quy tắc nhân quyền toàn cầu".

Trẻ em trong trang phục truyền thống của Tây Tạng và cảnh sát theo dõi các nhà sư Phật giáo Tây Tạng đi ngang qua trong một buổi lễ dành cho Monlam, còn được gọi là Đại lễ cầu nguyện Losar, Tết Tây Tạng, tại Tu viện Rongwo, ở huyện Tongren, Tạng Hoàng Nam, tỉnh tự trị Tây Tạng, trên Cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng, hôm 01/3/2018. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều công ty công nghệ sinh học đang hỗ trợ cảnh sát Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu này và đồng lõa với những vi phạm này.

“Trong đó bao gồm các công ty đa quốc gia như Thermo Fisher Scientific có trụ sở tại Hoa Kỳ và các công ty lớn của Trung Quốc như AGCU Scientific và Microread Genetics".

“Tất cả các công ty này có trách nhiệm đạo đức để đảm bảo rằng các sản phẩm và quy trình của họ không vi phạm nhân quyền và quyền tự do dân sự cơ bản của công dân Trung Quốc”, theo báo cáo của ASPI.

Giám sát người dân địa phương

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng, việc thu thập ADN ở các ngôi làng là một phần trong chiến dịch kiểm soát chính sách của Trung Quốc trong khu vực. Chiến dịch này nhấn mạnh ba điều vĩ đại trong nỗ lực “củng cố hệ thống quản trị xã hội cơ bản” của nước này.

Ba điều vĩ đại kể trên bao gồm: thanh tra, điều tra và hoà giải, yêu cầu cảnh sát đến thăm từng hộ gia đình, chất vấn cư dân về quan điểm của họ, tiến hành điều tra và hoà giải tranh chấp.

Sinh viên Tây Tạng bên trong xe cảnh sát sau khi bị giam giữ trong cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần khách sạn ITC Grand Chola ở Chennai, Ấn Độ, hôm 11/10/2019. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Kể từ ít nhất là năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã cấm bất kỳ ai, ngoại trừ các quan chức chính quyền và ĐCSTQ, thực hiện hòa giải tranh chấp không chính thức, một chức năng dân sự quan trọng ở Tây Tạng mà các Lạt ma, già làng hoặc các nhân vật được kính trọng khác ở địa phương thường tiến hành trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền cho biết.

Quyền riêng tư của trẻ em

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, việc thu thập ADN của trẻ em được thực hiện mà không có sự đồng ý của họ hoặc người giám hộ. Việc này diễn ra tại các cơ sở giáo dục, nơi họ không thể từ chối cung cấp dữ liệu sức khỏe cá nhân của mình.

“Việc sử dụng dữ liệu này, điều mà Trung Quốc nói là nhằm phát hiện tội phạm, dường như không cấu thành một mục đích hợp pháp, tương xứng nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất cho trẻ em”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lập luận.

Một số báo cáo chỉ ra rằng trẻ em dưới 5 tuổi đã được đưa vào một số ổ thu thập DNA. Các bức ảnh trong một báo cáo từ thị trấn Qingzheng ở Golok vào tháng 4/2021 cho thấy cảnh sát đã thu thập ADN từ các bé trai học lớp một.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo: “Việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin di truyền có nguy cơ cao đối với quyền riêng tư của trẻ em. DNA lưu trữ thông tin có độ nhạy cảm cao, cũng là nhận dạng duy nhất và vĩnh viễn một đứa trẻ, trong đó có thông tin liên quan đến các thành viên trong gia đình, thông tin tình trạng bệnh lý di truyền có thể dẫn đến khuyết tật và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, việc sử dụng và tiếp xúc dữ liệu này “có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho trẻ em, thậm chí gây ảnh hưởng đến chúng ở các giai đoạn sau của cuộc đời”.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Trung Quốc thu thập hàng loạt ADN của trẻ em Tây Tạng