Tòa án tối cao Nga coi tiểu đoàn Azov của Ukraine là tổ chức 'khủng bố'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (02/8), Tòa án tối cao Nga đã chỉ định tiểu đoàn Azov của Ukraine là tổ chức khủng bố và coi các hoạt động của tiểu đoàn này là vi phạm pháp luật ở Nga. Theo đó, những người sáng lập và lãnh đạo bị phạt tối đa 20 năm tù với số tiền phạt lên đến 1 triệu rúp.

Theo hãng thông tấn TASS ngày 02/8, thẩm phán Tòa án tối cao Nga đã đọc quyết định nói rõ phán quyết là “để đáp ứng kiến nghị hành chính của tổng công tố viên và coi đơn vị bán quân sự Azov của Ukraine là một tổ chức khủng bố, cấm các hoạt động của tiểu đoàn này trên lãnh thổ Liên bang Nga”.

Thành viên của tiểu đoàn Azov bị Tòa án tối cao Nga coi là tổ chức khủng bố phải chịu trách nhiệm hình sự. Những người sáng lập và lãnh đạo bị phạt từ 15 đến 20 năm tù với số tiền phạt lên đến 1 triệu rúp, trong khi những người tham gia bị phạt từ 5 đến 10 năm tù với số tiền phạt lên đến 500.000 rúp. Những người đã tự nguyện ngừng tham gia các hoạt động của tiểu đoàn này trước khi bắt đầu điều tra thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Tiểu đoàn Azov, có nguồn gốc cực hữu, là một trong những đội quân nổi bật nhất của Ukraine chiến đấu chống lại Nga ở miền đông Ukraine. Khởi đầu là một đơn vị bán quân sự chiến đấu chống lại phiến quân thân Nga vào năm 2014, đơn vị này sau đó chính thức được hợp nhất vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào năm 2014.

Kyiv nói rằng, tổ chức này không liên quan gì đến chính trị. Bản thân tiểu đoàn Azov cũng đã xa rời quan điểm của người sáng lập theo chủ nghĩa dân tộc.

Trong một tuyên bố đăng trên Telegram, tiểu đoàn Azov nói rằng Nga đang tìm kiếm những lời biện minh mới cho tội ác chiến tranh, đồng thời thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định Nga là một quốc gia khủng bố.

“Sau vụ hành quyết công khai các tù nhân chiến tranh từ tiểu đoàn Azov ở Olenivka, Nga đang tìm kiếm lời bào chữa và lời giải thích mới cho tội ác chiến tranh của mình", đơn vị này cho biết trong bài đăng, đề cập đến vụ nổ tuần trước tại một địa điểm giam giữ tù binh Ukraine Moscow cho biết đã sát hại hơn 50 người.

Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho đối phương về vụ nổ.

Nga thường xuyên trích dẫn tiểu đoàn Azov để ủng hộ khẳng định của họ rằng Ukraine do "phát xít" kiểm soát. Truyền thông nhà nước Nga đã so sánh chiến binh của tiểu đoàn Azov với Đức quốc xã trong Thế chiến thứ II, lực lượng sau đó đã bị Liên Xô đánh bại và là một phần cốt lõi của bản sắc dân tộc Nga.

Trước đây có trụ sở tại thành phố cảng Mariupol, miền đông Ukraine, nhiều thành viên của tiểu đoàn này đã bị quân Nga bắt giữ khi thành phố này thất thủ vào tháng 5 sau một cuộc bao vây kéo dài gần 3 tháng.

Hồi tháng 5, các quan chức của Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết các tay súng tiểu đoàn Azov bị bắt có thể phải đối mặt với án tử hình theo luật của nước cộng hòa tự xưng này.

Tuần trước, đại sứ quán Nga tại London cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng thành viên tiểu đoàn Azov bị giam giữ nên bị treo cổ và họ “đáng phải chịu một cái chết nhục nhã”.

Ukraine: Nga phải rút quân mới có đối thoại

Ukraine hôm 03/8 bác bỏ bình luận của cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rằng Nga muốn có một “giải pháp thương lượng” cho cuộc chiến và nói, mọi cuộc đối thoại sẽ phụ thuộc vào việc Nga ngừng bắn và rút quân, theo Reuters.

Ông Schroeder, một người bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và bị chế nhạo ở Đức vì lập trường thân Nga cho biết, thỏa thuận tháng trước về các chuyến hàng ngũ cốc từ Ukraine, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, có thể mang lại một hướng đi mới.

Hôm 03/8, con tàu chở ngũ cốc đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu đã đi qua eo biển Bosphorus trên đường đến Lebanon.

“Tin tốt là Điện Kremlin muốn có một giải pháp thương lượng”, ông Schroeder nói với tuần báo Stern và đài truyền hình RTL, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã gặp ông Putin ở Moscow vào tuần trước. “Một thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, có lẽ có thể từ từ mở rộng thành thoả thuận ngừng bắn".

Đáp lại, cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak mô tả ông Schroeder là “tiếng nói của hoàng gia Nga” và nói rõ rằng thỏa thuận ngũ cốc sẽ không dẫn đến đàm phán.

“Nếu Moscow muốn đối thoại, bóng đang ở phần sân của họ. Đầu tiên - ngừng bắn và rút quân, sau đó – đối thoại xây dựng”, ông Podolyak viết trên Twitter.

“Chúng tôi nghe và nhìn thấy ‘sự sẵn sàng’ này hàng ngày: các cuộc tấn công bằng pháo, khủng bố phi đạn nhắm vào thường dân, tội ác tàn bạo hàng loạt. Nga vẫn tập trung vào chiến tranh, mọi thứ khác chỉ là làn khói nguỵ trang”, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.

Thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã được ca ngợi là một thành công ngoại giao hiếm hoi trong hơn 5 tháng chiến tranh kể từ khi ông Putin tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Những nỗ lực dự kiến tại các cuộc đàm phán hòa bình trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột đã không có kết quả.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy ngày 03/8 cho hay, lô hàng chỉ là một phần nhỏ của vụ mùa mà Kyiv phải bán để giúp cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ. Ông cho biết Ukraine, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới trước chiến tranh, phải xuất khẩu tối thiểu 10 triệu tấn ngũ cốc để khẩn cấp giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức 5 tỷ USD/tháng.

Con tàu Razoni rời cảng Odesa trên Biển Đen vào sáng sớm ngày 01/8, chở 26.527 tấn ngô đến cảng Tripoli của Lebanon.

Ukraine ngày 03/8 cho hay Nga đã bắt đầu thành lập một lực lượng tấn công quân sự nhắm vào quê hương Kryvyi Rih của Tổng thống Zelenskyy và cảnh báo rằng Moscow có thể đang chuẩn bị các hoạt động tấn công mới ở miền nam Ukraine.

Nga chiếm giữ các vùng đất phía nam của Ukraine từ giai đoạn đầu của cuộc xâm lược. Phía Kyiv tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc phản công. Ngày 02/8, Ukraine thông báo đã chiếm lại 53 ngôi làng trong vùng Kherson bị chiếm đóng.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Tòa án tối cao Nga coi tiểu đoàn Azov của Ukraine là tổ chức 'khủng bố'