Tòa Thẩm kế Châu Âu cảnh báo rủi ro khối nợ khổng lồ và nợ xấu tiềm ẩn bởi chiến tranh Nga - Ukraina

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan giám sát tài chính của Liên minh Châu Âu vừa đưa ra cảnh báo về mức nợ và các cam kết nợ đang cao kỷ lục tại khối này cùng với nợ xấu tiềm tàng có thể tăng vọt do chiến tranh Nga-Ukraina, đồng thời lưu ý những yếu kém của Ủy ban Châu Âu trong hoạt động mua vaccine COVID-19.

Theo Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) có vai trò cải thiện công tác quản lý tài chính, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và đóng vai trò là cơ quan độc lập bảo vệ lợi ích tài chính của các công dân EU.

Cam kết nợ đạt kỷ lục 341,6 tỷ EUR

Báo cáo thường niên 2021 vừa được Tòa Thẩm kế Châu Âu (ECA) công bố cho thấy, các cam kết nợ của Liên minh Châu Âu (EU) đạt tổng cộng 341,6 tỷ EUR vào cuối năm 2021 — trong đó có 251,7 tỷ EUR liên quan đến ngân sách EU và 89,9 tỷ EUR cho NextGenerationEU (NGEU).

NGEU là gói tài chính trị giá 800 tỷ EUR — có được từ vay nợ — mà theo EU là nhằm khắc phục những thiệt hại tức thời về kinh tế và xã hội do COVID-19.

Các kiểm toán viên cho rằng, các cam kết nợ tổng cộng từ ngân sách EU và NGEU sẽ lên đến 460 tỷ EUR vào năm 2023.

Chiến tranh Nga-Ukraina đã tạo ra những bất ổn không được tính đến trong các ước tính này, các kiểm toán viên lưu ý.

Báo cáo kiểm toán cũng cho biết, tổng nợ tiềm tàng tăng 111% vào năm 2021, từ 131,9 tỷ EUR lên 277,9 tỷ EUR. Đây chủ yếu là do 91 tỷ EUR được phát hành trong trái phiếu để tài trợ cho NGEU, và 50,2 tỷ EUR trong các khoản vay khẩn cấp cho các quốc gia thành viên nhằm giảm thiểu rủi ro thất nghiệp.

Tháng 4/2022, Nghị viện Châu Âu chỉ ra rằng số tiền cam kết nợ cao kỷ lục có nguy cơ ảnh hưởng đến bền vững ngân sách EU trong tương lai, gây áp lực nghiêm trọng, và có thể đe dọa tính thanh khoản của ngân sách.

Rủi ro ngân sách gia tăng do chiến tranh Ukraina

Trong báo cáo của mình, Tòa Thẩm kế Châu Âu cũng cảnh báo những rủi ro mà cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina có thể gây ra cho ngân sách EU.

Cuộc chiến có nguy cơ xói mòn tăng trưởng kinh tế EU và leo thang lạm phát, gia tăng áp lực lên ngân sách EU.

Cuộc chiến cũng có thể khiến các khoản vay cho Ukraina trở thành nợ xấu.

Báo cáo lưu ý rằng tại thời điểm cuối năm 2021, Ukraina có dư nợ trên danh nghĩa với EU đạt 4,7 tỷ EUR.

Ngoài ra, tính từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2/2022, tổng số tiền EU cho Ukraina vay có thể lên tới hơn 10 tỷ EUR nếu toàn bộ gói hỗ trợ tài chính được thông qua.

3% sai sót trong chi tiêu ngân sách EU

Báo cáo của Tòa Thẩm kế Châu Âu cho biết, tổng chi tiêu ngân sách trong năm 2021 của EU đạt 181,5 tỷ EUR — 2,4% tổng chi tiêu chính phủ và 1,3% tổng thu nhập quốc dân của các quốc gia thành viên EU.

Sai sót ước tính trong chi tiêu ngân sách đạt 3% vào năm 2021, tăng so với mức sai sót 2,7% vào năm 2020.

Ngoài ra, tỷ lệ sai sót đạt 4,7% trong các "chi tiêu có rủi ro cao" — vốn chiếm 63,2% các khoản chi được kiểm toán. Tỷ lệ này tăng so với mức 4% vào năm 2020.

Các kiểm toán viên cho rằng đây là tỷ lệ sai sót lớn, và đưa ra ý kiến ​​bất lợi về chi tiêu ngân sách của EU.

Vẫn không có báo cáo toàn diện về chi tiêu cho COVID-19

Tòa Thẩm kế Châu Âu lưu ý rằng, Ủy ban Châu Âu — cơ quan điều hành EU — vẫn chưa đưa ra được một báo cáo toàn diện về chi tiêu liên quan đến COVID-19 trong phạm vi ngân sách EU, bất chấp các khuyến nghị trước đó từ các kiểm toán viên.

Trong nhóm tài khoản bao gồm các công cụ thúc đẩy phục hồi kinh tế ở EU sau đại dịch COVID-19, các kiểm toán viên đã kiểm tra một mẫu gồm 14 giao dịch.

4 giao dịch trong số này đã bộc lộ những yếu kém trong việc Ủy ban Châu Âu thực hiện và xác minh các điều khoản hợp đồng.

Yếu kém trong việc thực hiện và xác minh các điều khoản hợp đồng vaccine COVID-19

Ủy ban Châu Âu đã ký kết các thỏa thuận mua trước (APA) vaccine COVID-19 với 8 nhà sản xuất.

Theo báo cáo kiểm toán, một nhà sản xuất vaccine đã tuyên bố không cần bất kỳ khoản trả trước nào để giảm rủi ro cho các khoản đầu tư vào việc nghiên cứu sản xuất vaccine, nhưng Ủy ban Châu Âu đã đồng ý thanh toán trả trước.

Báo cáo cho biết, không có biện pháp kiểm soát cụ thể nào được thực hiện nhằm xác định liệu các khoản thanh toán trước có được sử dụng đúng như dự định hay không.

Ngoài ra, các kiểm toán viên nhận thấy, các thủ tục ký kết hợp đồng đã không đảm bảo có được một ước tính minh bạch cho chi phí sản xuất vaccine.

Theo báo cáo, có 2 hợp đồng vaccine bao gồm nghĩa vụ cung cấp vaccine không lợi nhuận. Nhưng kiểm toán viên không thể thu thập được bất kỳ bằng chứng nào từ Ủy ban Châu Âu cho thấy, số tiền trả cho hai nhà sản xuất liên quan không bao gồm lợi nhuận.

Ủy ban Châu Âu nói rằng, do bí mật thương mại của cuộc đàm phán, họ không có văn bản nào ghi nhận chi tiết chi phí sản xuất vaccine.

Cao Dương

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Tòa Thẩm kế Châu Âu cảnh báo rủi ro khối nợ khổng lồ và nợ xấu tiềm ẩn bởi chiến tranh Nga - Ukraina