Tối cao Pháp viện Mỹ bác bỏ đơn kiện gian lận bầu cử của Texas

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/12, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối tiếp nhận đơn kiện của Texas để khiếu nại kết quả bầu cử năm 2020 ở 4 bang chiến trường.

Trong một lệnh, các thẩm phán từ chối yêu cầu khởi kiện Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin của tiểu bang Texas. Các thẩm phán nhận định, bang Texas thiếu tư cách pháp lý — hoặc khả năng — để kiện theo Hiến pháp, vì họ không thể hiện lợi ích hợp lệ để can thiệp vào cách các bang khác xử lý các cuộc bầu cử của họ.

Nội dung lệnh (pdf) nêu rõ: “Texas đã không thể hiện lợi ích thiết thực của họ về mặt pháp lý đối với cách thức mà tiểu bang khác tiến hành bầu cử. Tất cả các đơn đang chờ xử lý khác đều bị bác bỏ”.

Thẩm phán Samuel Alito đã đưa ra một tuyên bố riêng để khẳng định sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Texas, nhưng không phải dưới dạng lệnh sơ bộ. Lý do là vì, ông tin rằng Tối cao Pháp viện có nghĩa vụ thụ lý bất kỳ đơn kiện nào nằm trong “quyền xét xử sơ thẩm”. Nghĩa là, Pháp viện có quyền xét xử vụ án ngay từ đầu, thay vì xem xét quyết định của tòa án cấp dưới. Thẩm phán Clarence Thomas cũng tham gia trong tuyên bố của ông Alito.

Trong tuyên bố riêng, thẩm phán Alito viết: “Theo quan điểm của tôi, chúng tôi không có quyền từ chối việc nộp đơn khiếu nại trong một trường hợp thuộc quyền xét xử sơ thẩm của chúng tôi... Do đó, tôi sẽ tiếp nhận đơn khiếu kiện chính nhưng sẽ không chấp nhận các khiếu nại khác, và tôi không bày tỏ quan điểm về bất kỳ vấn đề nào khác". Ông không giải quyết các vấn đề được đặt ra trong vụ kiện.

Tối cao Pháp viện Mỹ tại Washington vào ngày 21/9/2020. (Samira Bouaou / The Epoch Times)
Tối cao Pháp viện Mỹ tại Washington vào ngày 21/9/2020. (Samira Bouaou / The Epoch Times)

Tổng chưởng lý Ken Paxton bang Texas và chiến dịch của Tổng thống Donald Trump đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Trao đổi với Newsmax, cựu Thị trưởng Thành phố New York Rudy Giuliani, người đang lãnh đạo các nỗ lực pháp lý của chiến dịch Tổng thống Trump, nhận định quyết định bác bỏ vụ kiện của Pháp viện là một “sai lầm khủng khiếp”.

Ông Giuliani cho biết: “Phần tồi tệ nhất của việc này, về cơ bản, Tối cao Pháp viện đang nói rằng, chúng tôi muốn tránh việc này và… họ không muốn đưa ra xử, họ không muốn người dân Mỹ nghe sự thật".

Vị luật sư nói thêm rằng, vì Tối cao Pháp viện bác bỏ vụ kiện dựa trên địa vị pháp lý, Tổng thống và một số Đại cử tri có thể đưa ra một đơn kiện khác tại tòa án cấp thấp hơn với cáo buộc về những tình tiết tương tự.

Ông bổ sung: “Những sự thật này sẽ vẫn còn trong lịch sử trừ khi chúng được giải quyết. Chúng cần được xử, chúng cần được phát sóng và ai đó cần đưa ra quyết định xem chúng là đúng hay sai. Và một số tòa án sẽ phải có can đảm để đưa ra quyết định đó".

Ông Rudy Giuliani giơ một lá phiếu qua thư lên khi nói chuyện với báo chí về các vụ kiện khác nhau liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020, tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ở Washington, vào ngày 19/11/2020. (Drew Angerer / Getty Images)
Ông Rudy Giuliani giơ một lá phiếu qua thư lên khi nói chuyện với báo chí về các vụ kiện khác nhau liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020, tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ở Washington, vào ngày 19/11/2020. (Drew Angerer / Getty Images)

Tổng chưởng lý Paxton đã đưa ra một tuyên bố ngay sau lệnh của Tối cao Pháp viện. Ông coi quyết định này là "điều đáng tiếc".

“Thật không may là Tối cao Pháp viện đã quyết định không thụ lý vụ việc này và xác định tính hợp hiến cho việc 4 bang này không tuân theo luật bầu cử liên bang và tiểu bang. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ không ngừng nghỉ tính toàn vẹn và an ninh trong các cuộc bầu cử của chúng ta, và quy trách nhiệm cho những ai luồn lách trước luật bầu cử được thiết lập, chỉ vì sự thuận tiện của chính họ”, ông viết.

Ngày 7/12, bang Texas đã yêu cầu Tối cao Pháp viện cho phép khởi kiện 4 bang chiến địa nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử năm 2020.

Bang Texas cáo buộc, việc 4 bang này thay đổi quy tắc bầu cử đã vi phạm Điều khoản bầu cử của Hiến pháp Hoa Kỳ, đối xử bất bình đẳng với cử tri và gây ra những bất thường trong cuộc bầu cử khi nới lỏng các biện pháp bảo vệ tính toàn vẹn của phiếu bầu theo luật của tiểu bang. Những động thái này đều thúc đẩy khả năng xảy ra gian lận trong bầu cử.

Texas đã hy vọng rằng, Tối cao Pháp viện sẽ tuyên bố 4 bang này đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ khi tiến hành cuộc bầu cử năm 2020. Đơn kiện cũng đã yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh cấm kiểm phiếu của các Cử tri đoàn do 4 tiểu bang này bầu chọn. Đối với các tiểu bang bị đơn đã chỉ định Đại cử tri, đơn kiện yêu cầu các thẩm phán ra lệnh cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang bổ nhiệm các Đại cử tri mới theo Hiến pháp Hoa Kỳ.

Một số Tổng chưởng lý từ các bang bị đơn đã có phản hồi với lệnh từ Tối cao Pháp viện. Tổng chưởng lý bang Pennsylvania là ông Josh Shapiro cho biết: “Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã nhìn thấy rõ sự lạm dụng quy trình tư pháp một cách đầy tham vọng này và việc nhanh chóng từ chối sẽ khiến bất kỳ ai có ý định tiếp tục công kích cuộc bầu cử của chúng tôi phải suy nghĩ lại”.

Ông Shapiro tiếp tục: “Mặc dù những chiêu trò này không đáng lưu tâm về mặt pháp lý, nhưng cái giá phải trả của chúng đối với đất nước chúng ta là rất cao - trong việc gây hiểu lầm cho công chúng về một cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như xé bỏ Hiến pháp của chúng ta - và chúng tôi sẽ không khoan nhượng với [những động thái tương tự] dù là từ các tiểu bang chị em của chúng ta hoặc bất kỳ ai khác".

Tổng chưởng lý Dana Nessel của bang Michigan cũng đã đưa ra một tuyên bố, khẳng định phán quyết này “là một lời nhắc nhở quan trọng rằng chúng ta là một quốc gia của luật pháp, và mặc dù một số có thể làm theo mong muốn của một cá nhân, nhưng các tòa án sẽ không làm như vậy”.

Tổng thống Donald J. Trump nói chuyện với các quân nhân vào Thứ Năm, ngày 26/11/2020, trong một cuộc gọi điện video nhân Lễ Tạ ơn từ Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Nhà Trắng. (Ảnh chính thức từ Nhà Trắng / Shealah Craighead)
Tổng thống Donald J. Trump nói chuyện với các quân nhân vào Thứ Năm, ngày 26/11/2020, trong một cuộc gọi điện video nhân Lễ Tạ ơn từ Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Nhà Trắng. (Ảnh chính thức từ Nhà Trắng / Shealah Craighead)

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ kiện của Texas. Tổng thống đã gọi đây là "vụ kiện lớn". Ông đã yêu cầu Tối cao Pháp viện cho phép tham gia vụ kiện với tư cách là một bị đơn. Hiện, Tổng thống vẫn chưa đưa ra một tuyên bố công khai về lệnh của Tối cao Pháp viện.

Vài giờ trước khi lệnh này được ban hành, Tổng thống Trump đã viết trong một bài đăng trên Twitter rằng: "Nếu Tối cao Pháp viện thể hiện sự thông thái và quả cảm tuyệt vời, người dân Mỹ có lẽ sẽ thắng trong vụ kiện quan trọng nhất trong lịch sử, và Tiến trình Bầu cử của chúng ta sẽ lại được tôn trọng!".

Sau khi đơn kiện được đệ trình, Tổng chưởng lý các bang trên khắp nước Mỹ bắt đầu bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề này.

19 Tổng chưởng lý bang của đảng Cộng hòa đã ủng hộ Texas trong vụ kiện. Các tiểu bang mà họ đại diện là Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah, West Virginia, Arizona và Alaska. 6 trong số các tiểu bang đã đệ đơn đề nghị tham gia vụ kiện với tư cách là bị đơn: Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, Nam Carolina và Utah.

Trong khi đó, 20 Tổng chưởng lý các bang thuộc đảng Dân chủ ủng hộ các bị đơn bao gồm: California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, Oregon, Rhode Island, Vermont, Virginia và Washington. Không ai có động thái can thiệp.

Tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa của 2 bang Idaho và Wyoming đã từ chối tham gia vào vụ kiện. Tổng chưởng lý bang Ohio thuộc đảng Cộng hòa là ông Dave Yost đã đệ trình một bản tường trịnh không đại diện cho bên nào, lập luận ủng hộ việc Tối cao Pháp viện cần giải quyết vấn đề trọng tâm mà Texas đưa ra nhưng phản đối các yêu cầu của phía nguyên đơn.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tối cao Pháp viện Mỹ bác bỏ đơn kiện gian lận bầu cử của Texas