Tối cao Pháp viện Mỹ ủng hộ luật liêm chính bầu cử của Arizona

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tối cao Pháp viện Mỹ đã đưa ra phán quyết ủng hộ các luật bầu cử của tiểu bang Arizona, trong đó có các biện pháp hạn chế thu hoạch phiếu bầu và không cho phép bỏ phiếu ở ngoài khu vực bầu cử của nơi cử tri cư trú.

Theo The Epoch Times đưa tin, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, ngày 1/7 vừa qua, đã đưa ra phán quyết ủng hộ các luật bầu cử của tiểu bang Arizona, trong đó có các biện pháp hạn chế thu hoạch phiếu bầu và không cho phép bỏ phiếu ở ngoài khu vực bầu cử của nơi cử tri cư trú. Đảng cộng hòa hoan nghênh phán quyết này, trong khi Đảng Dân chủ phản đối gay gắt.

Cụ thể, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết sau kết quả bỏ phiếu 6-3 trong một vụ án được xem là có nhiều ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử trong tương lai. Theo đó, lệnh cấm thu thập phiếu bầu và cấm bỏ phiếu ngoài khu vực bầu cử của Arizona hoàn toàn không vi phạm Đạo luật về quyền bỏ phiếu của liên bang. Luật bầu cử của tiểu bang Arizona quy định rằng các phiếu bầu sẽ bị loại bỏ hoàn toàn nếu chúng được nộp sai khu vực bầu cử, ngoài ra, hành vi nộp phiếu bầu của người khác sẽ cấu thành trọng tội, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ.

Phán quyết ngày 1/7 vừa qua là một chiến thắng đối với chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Trump, vốn đã lập luận rằng các quy tắc là đúng đắn về mặt pháp lý vào thời điểm 1 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tổng chưởng lý Arizona là ông Mark Brnovich – bị đơn bị Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ khởi kiện trong vụ án này, đã nói với Fox News rằng:

“Đây là một ngày tuyệt vời. Tôi luôn tin và luôn nghĩ rằng chúng ta có sự thật và luật pháp đứng về phía chúng ta”. Tổng chưởng lý cho biết, trước đây ông không quá tự tin sẽ thắng kiện cho đến hôm thứ Năm ngày 1/7, bởi vì ông biết rằng sẽ rất khó đoán đối với các quyết định của các vị thẩm phán TCPV.

Ông tiếp tục: “Hôm nay là chiến thắng cho những người bảo vệ liêm chính bầu cử tại Arizona và trên toàn quốc. Các cuộc bầu cử công bằng là nền tảng của nền cộng hòa của chúng ta, và chúng khởi đầu với các luật hợp lý, trong đó bảo vệ cả quyền bầu cử và tính chính xác của kết quả. Tất cả người Mỹ xứng đáng được cảm thấy tin tưởng rằng những phiếu bầu họ được kiểm đếm và kiểm đếm chính xác”.

Trong một diễn biến khác, cựu luật sư về quyền dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ là ông J. Christian Adams, người hiện là Chủ tịch Tổ chức Pháp lý Lợi ích Công đã ca ngợi phán quyết này. Ông nói:

"Tòa án đã xóa bỏ những ý tưởng cho rằng phải chứng minh được có tồn tại hành vi gian lận cử tri thì sau đó mới ban hành luật để ngăn chặn và chống lại điều đó... Đây là một cú đánh lớn đối với những người đã chối bỏ [việc có thể xảy ra] gian lận phiếu bầu, những người đã tìm đến tòa án để [phản đối rồi] làm cho các cuộc bầu cử [trong tương lai] của chúng ta trở nên kém an toàn hơn".

Trong khi đó, các lãnh đạo Đảng Dân chủ đã đưa ra góc nhìn khác về phán quyết của Tối cao Pháp viện. Tổng thống Joe Biden phát đi tuyên bố nói rằng ông “cực kỳ thất vọng” về phán quyết của tòa án tối cao. Ông lưu ý rằng phán quyết đó được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đảng Cộng hòa tại Thượng viện liên bang đã ngăn chặn “Đạo luật vì Nhân dân” do Đảng Dân chủ đề xuất. Đạo luật này nhằm thực thi những thay đổi sâu rộng các cuộc bầu cử tại Mỹ. Tờ Daily Wire đã dẫn lời ông Biden than phiền như sau:

"Quyết định hôm nay [của Tối cao Pháp viện] đã khiến việc tiếp tục đấu tranh cho “Đạo luật Vì Nhân dân” và “Đạo luật Cải tiến Quyền bỏ phiếu” của John Lewis càng trở nên cấp thiết hơn để khôi phục và mở rộng các biện pháp bảo vệ quyền bỏ phiếu. Quyết định của Tòa án, nó thật là tai hại, [nhưng] sẽ không giới hạn quyền hạn của Quốc hội trong việc phục hồi những thiệt hại [mà nó] đã gây ra trong ngày hôm nay. [Quyết định của Tối cao Pháp viện] đã đặt gánh nặng trở lại [lên vai] Quốc hội trong việc khôi phục Đạo luật Quyền bỏ phiếu trở về với sức mạnh vốn có của nó”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng lên tiếng về sự việc này, bà nói, Tối cao Pháp viện “đã tiếp tục cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào các quyền bầu cử”. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, một thành viên Đảng Dân chủ của tiểu bang New York, thì tuyên bố rằng :

Với những ai tin vào nền dân chủ cởi mở và công bằng và tin vào quy tắc một người một lá phiếu, thì hôm nay là một trong những ngày đen tối nhất trong toàn bộ lịch sử của Tối cao Pháp viện.

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tối cao Pháp viện Mỹ ủng hộ luật liêm chính bầu cử của Arizona