Tokyo: 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận tàu Nhật Bản trong vùng biển tranh chấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản khẳng định 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật, gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp, vào hôm thứ 2 (30/01); tàu Trung Quốc cũng tiếp cận các tàu Nhật Bản đang đi trong khu vực, theo truyền thông địa phương.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu Trung Quốc đã tiếp cận một tàu Shinsei Maru 997 tấn và một số tàu đánh cá của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku trong khoảng thời gian từ 2h47 đến 6h07 sáng (giờ địa phương) hôm thứ 2 (30/01).

Shinsei Maru là con tàu thương mại mà chính quyền địa phương đã thuê để tiến hành khảo sát khu vực biển quanh quần đảo. Theo các hãng thông tấn Nhật Bản, một trong các tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển ngoài khơi đảo Minami-Kojima thuộc quần đảo Senkaku và tiếp cận con tàu này vào khoảng 4h sáng (giờ địa phương).

Các tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản sau đó đã can thiệp và cảnh báo tàu Trung Quốc hãy rời khỏi khu vực. Cả 4 tàu Trung Quốc đã rời đi trong khoảng thời gian từ 12h35 trưa đến 1h50 chiều (giờ địa phương), Japan Times đưa tin.

Đáp lại, Cảnh sát biển Trung Quốc cáo buộc tàu Shinsei Maru và 4 tàu khác của Nhật Bản “xâm phạm bất hợp pháp” lãnh hải của Trung Quốc vùng ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư (tên tiếng Trung của quần đảo Senkaku), đồng thời nói rằng họ đã hành động để đuổi các tàu của Nhật.

“Tàu [Cảnh sát biển Trung Quốc] đã thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền hàng hải hợp pháp và thực thi pháp luật tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, mà phía Nhật Bản không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm”, người phát ngôn lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Tokyo đã gửi công hàm phản đối hành động xâm nhập này của Trung Quốc. Đây là thứ hai trong năm nay Bắc Kinh tiến vào khu vực quanh quần đảo Senkaku. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 10/01, theo truyền thông địa phương.

Quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông phần lớn là do Nhật Bản quản lý từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh bắt đầu đưa ra tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này vào những năm 1970.

Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ các hành vi xâm phạm không ngừng nghỉ của Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh “tự kiềm chế”, nhưng Bắc Kinh nói sẽ “bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải” ở quần đảo Senkaku.

Tranh chấp Biển Đông

Ngoài Biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, nơi mà họ tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn theo cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp nhiều khẳng định chủ quyền từ các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines và Đài Loan.

Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc đã họp 3 lần về các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Biển Đông trong khoảng thời gian 20 năm. Đại diện các nước liên quan đều đồng ý với thỏa thuận cuối cùng vào năm 1982 và ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Trung Quốc là một trong hơn 150 quốc gia đặt bút ký Công ước.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hague đã đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines về các yêu sách của nước này trên Biển Đông, đồng thời phán quyết rằng các yêu sách của Bắc Kinh thiếu cơ sở pháp lý.

Nhưng phán quyết này có rất ít tác động đến hành vi của Bắc Kinh; Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách của họ đối với những vùng biển rộng lớn.

Tháng 04/2021, Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc họp an ninh “2+2” đầu tiên tại Tokyo và đồng ý xem xét tạo điều kiện cho “các chuyến thăm lẫn nhau” nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố chung, hai nước cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua “xây dựng năng lực, thăm cảng/thăm tàu của nhau, chuyển giao thêm thiết bị và công nghệ quốc phòng, cũng như hợp tác sử dụng các thiết bị quốc phòng đã được chuyển giao trước đó”.

Cả hai nước đều “phản đối mạnh mẽ” các hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp tại các khu vực biển.

Họ kêu gọi thực hiện một bộ quy tắc ứng xử phù hợp với Luật Biển mà không đe dọa các quyền hợp pháp của tất cả các bên liên quan trong vùng biển tranh chấp, theo tuyên bố.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tokyo: 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận tàu Nhật Bản trong vùng biển tranh chấp