Tổng chưởng lý Arizona khởi kiện chính quyền Biden vì các sắc lệnh nhập cư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng chưởng lý Arizona nêu rõ: “Đó là đỉnh cao của sự đạo đức giả từ Chính quyền ông Biden khi tuyên bố họ muốn bảo vệ môi trường của chúng ta, trong khi không thực thi các đạo luật liên bang được thiết kế đặc biệt cho mục đích đó".

Văn phòng Tổng chưởng lý Mark Brnovich của tiểu bang Arizona đang đệ đơn kiện các quan chức Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa (DHS) Mỹ về các sắc lệnh nhập cư mà ông nhận định là có hại. Tổng chưởng lý Brnovich hiện đang yêu cầu tòa án hủy bỏ các sắc lệnh điều hành của Tổng thống Joe Biden nhằm tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới và đảo ngược chính sách "Ở lại Mexico" của chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Trong các luận điểm trình lên trước tòa (pdf), ông Brnovich cho rằng những sắc lệnh này đã vi phạm Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) - đạo luật yêu cầu các cơ quan liên bang như DHS phải cân nhắc các vấn đề về môi trường trước khi thực hiện bất kỳ hành động liên bang quan trọng nào.

Văn phòng của tổng chưởng lý Arizona nêu rõ, DHS và các quan chức liên bang đã không cung cấp báo cáo tác động môi trường hoặc đánh giá môi trường sau khi cơ quan này ngừng xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, và bắt đầu cho phép những người nhập cư bất hợp pháp nhập cảnh vào Mỹ sau khi kết thúc các Nghị định thư Bảo vệ Người di cư. Một tên gọi khác được biết đến nhiều hơn của nghị định này là chính sách "Ở lại Mexico", bắt đầu từ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Trong tuyên bố ra ngày 12/4, vị tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa nêu rõ: “Đó là đỉnh cao của sự đạo đức giả từ Chính quyền ông Biden khi tuyên bố họ muốn bảo vệ môi trường của chúng ta, trong khi không thực thi các đạo luật liên bang được thiết kế đặc biệt cho mục đích đó. Chúng tôi sẽ không ngồi yên để Chính quyền ông Biden phớt lờ những tác hại thực sự đối với nhà nước của chúng ta do các sắc lệnh hành pháp nặng tay của họ”.

Ông Biden đã cho tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới vào ngày đầu tiên nắm quyền. Vài ngày sau, ông ra lệnh cho DHS ngừng chính sách này.

Tổng chưởng lý Brnovich nói: “Mặc dù không thể phủ nhận những chính sách nhập cư đó có những tác động đáng kể đến môi trường, các Bị đơn thậm chí đã không cố gắng tuân thủ NEPA".

Một máy tải xếp đất gần một phần của bức tường biên giới do tư nhân xây dựng gần Mission, Texas, vào ngày 11/12/2019. (John Moore / Getty Images)
Một máy tải xếp đất gần một phần của bức tường biên giới do tư nhân xây dựng gần Mission, Texas, vào ngày 11/12/2019. (John Moore / Getty Images)

Văn phòng của ông cho biết, hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp đã định cư ở Arizona sau khi vượt qua biên giới Mỹ - Mexico. Phía nguyên đơn nhận định, họ sẽ không làm như vậy nếu bức tường vẫn đang được xây dựng và chính sách "Ở lại Mexico" vẫn có hiệu lực.

Đơn kiện lập luận: “Người di cư, cũng giống như những người khác, cần nhà ở, cơ sở hạ tầng, bệnh viện và trường học. Họ lái xe ô tô, mua hàng và sử dụng các công viên công cộng và các cơ sở khác. Tất cả các hoạt động này đều có tác động môi trường đáng kể, bao gồm việc di dời các vùng đất chưa phát triển và phát thải thêm khí thải. Tuy vậy, mặc dù các tòa án đã nhiều lần công nhận rằng những tác động này phải được phân tích theo NEPA, nhưng DHS thậm chí chưa bao giờ cố gắng làm như vậy".

Đơn kiện này còn nhấn mạnh, sau khi việc xây dựng dừng lại, "loạt máy móc vẫn đứng yên" tại các khu vực của Arizona, chứ không được dọn dẹp hay di dời đi.

The Epoch Times đã liên hệ với DHS để đưa ra bình luận về vụ kiện.

Khi tạm dừng việc xây dựng bức tường mà Tổng thống Trump đã phê duyệt, ông Biden gọi công trình này là khoản chi tiêu lãng phí.

Trong văn bản sắc lệnh, ông tuyên bố: “Thật là lãng phí tiền bạc khi chuyển hướng sự chú ý khỏi các mối đe dọa thực sự đối với an ninh quê hương của chúng ta".

Tuy nhiên, vào cuối tháng Ba, Văn phòng giải trình của Chính phủ (GAO) xác nhận các tin tức cho biết, họ đang điều tra động thái của ông Biden khi ông ra lệnh đóng băng việc xây dựng bức tường biên giới, và xem xét liệu việc đó có vi phạm quy định của Hiến pháp Mỹ về việc chỉ Quốc hội mới có thể phân bổ ngân sách hay không. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản ngân sách khoảng 1,4 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường, như một phần của gói kích cầu 900 tỷ USD được thông qua vào cuối năm ngoái.

Dưới thời nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, việc xây dựng bức tường đã hoàn thiện khoảng 450 dặm (724,2km) dọc theo biên giới. Đây được coi là một lời hứa đặc trưng trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của ông Trump vào năm 2016.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tổng chưởng lý Arizona khởi kiện chính quyền Biden vì các sắc lệnh nhập cư