Tổng lãnh sự Trung Quốc thừa nhận đã giật tóc người biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (19/10), Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Anh Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) chính thức thừa nhận ông đã giật tóc một người biểu tình. Ông nói thêm rằng đó là 'nghĩa vụ' của ông vì người biểu tình đã xúc phạm nhà lãnh đạo của đất nước ông.

Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên nói với đài Sky News rằng một người biểu tình đã đe dọa tính mạng đồng nghiệp của ông.

Phát biểu với The Epoch Times hôm 19/10, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết bà tin rằng ông Trịnh Hy Nguyên đã rất tức giận trước những biểu ngữ công kích do những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong dựng lên trước cổng đại sứ quán Trung Quốc tại Anh. Trong khi đó, hai chuyên gia khác lập luận rằng ông Trịnh muốn chứng minh cho Bắc Kinh thấy ông có cách tiếp cận hung hăng, phù hợp với chính sách ngoại giao "chiến lang" của nước này.

Bị đánh chỉ vì một bức tranh biếm họa

Ông Bob Chan đến từ Hong Kong, đã tham dự một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester vào hôm Chủ nhật (16/10). Ông Chan là người di cư theo chương trình thị thực Công dân Anh ở Hải ngoại (BNO).

Ông cho biết, lúc đó ông đang cố gắng ngăn những người khác giật tấm áp phích lớn mô tả một bức tranh biếm họa về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong vai một vị hoàng đế không mặc quần áo.

Ông Trịnh Hy Nguyên lúc đó đeo khẩu trang, đội mũ và quấn khăn, đã giẫm đạp và xé hai tấm áp phích khác. Sau đó ông giật tóc ông Chan trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội.

Ông Chan sau đó bị một nhóm người kéo vào lãnh sự quán và đánh đập trước khi một sĩ quan cảnh sát tới giải cứu. Các sĩ quan khác xếp hàng ở cổng, còn một sĩ quan cho biết họ không thể tiến vào bên trong lãnh sự quán.

Theo hướng dẫn do cơ quan Crown Prosecution Service (CPS) công bố, một cá nhân không được vào lãnh sự quán nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan lãnh sự hoặc người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao.

Phát biểu với The Epoch Times hôm thứ Hai (17/10), ông Paul, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Bản địa Hong Kong, cho biết ông Bob đã bị giật đứt một mớ tóc và bị đánh đập vào nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả đầu.

Trong lúc xô xát, một người đàn ông có vẻ là nhân viên lãnh sự nằm trên mặt đất và bị đá nhiều lần.

Ông Trịnh Hy Nguyên: Đó là nhiệm vụ của tôi

Trước đó, xuất hiện nhiều đồn đoán trên mạng xã hội rằng ông Trịnh Hy Nguyên đã có mặt tại hiện trường, căn cứ vào hình ảnh người đàn ông đeo khẩu trang xuất hiện trong video.

Khi được hỏi về thực hư việc ông Trịnh Hy Nguyên có đích thân giật tóc ông Chan hay không, ông Trịnh nói với đài Sky News hôm 19/10 rằng: “Đúng vậy, bởi vì ông ấy đã xúc phạm đất nước của tôi, xúc phạm nhà lãnh đạo của tôi. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của mình”.

Phóng viên hỏi, "Bằng cách giật tóc của ông ấy ư?", ông Trịnh trả lời: "Đúng vậy, tôi nghĩ rằng bất kỳ nhà ngoại giao nào cũng sẽ phản ứng tương tự nếu đối mặt với loại hành vi như vậy".

Ông Trịnh cũng nói rằng đó là một “tình huống khẩn cấp” vì “một gã đã đe dọa tính mạng của đồng nghiệp của tôi, và… chúng tôi chỉ cố gắng kiểm soát tình huống đó”.

Theo tuyên bố trước đó của Cảnh sát Manchester, viên cảnh sát đã can thiệp để kéo ông Chan ra khỏi lãnh sự quán "vì lo sợ cho sự an toàn của anh ấy."

Ngoại giao chiến lang?

Vào tháng 9/2021, ông Tập yêu cầu các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng phải “từ bỏ ảo tưởng và dám đấu tranh” chỉ ba tháng sau khi yêu cầu Bộ chính trị xây dựng hình ảnh “đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính”. Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ tăng cường "ngoại giao chiến lang" trên trường thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sau đó đã khuyến khích các nhà ngoại giao nước này cần phải sẵn sàng “tinh thần chiến đấu”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) hồi tháng trước cho biết, các nhà ngoại giao Trung Quốc “sẵn sàng đối mặt với thách thức và đấu tranh kiên quyết về vấn đề Đài Loan, các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, các vấn đề hàng hải và nhân quyền cùng những vấn đề khác".

Phát biểu với The Epoch Times hôm 19/10, bà June Teufel Dreyer, Giáo sư Khoa học Chính trị ở Đại học Miami và là thành viên cấp cao tại chương trình Châu Á của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết, hành vi của ông Trịnh Hy Nguyên không hề "đáng yêu" như phát biểu của ông Tập từ một năm trước.

Tuy nhiên, bà Dreyer không coi vụ việc là một ví dụ của cái gọi là ngoại giao chiến lang. Bà cho biết, đoạn video mà bà đã xem cho thấy ông Trịnh chỉ đơn giản là tức giận, vì “ông ấy không ủng hộ việc có người tụ tập bên ngoài lãnh sự quán và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ".

“Ngoại giao chiến lang thì giống như cố tình xúc phạm, còn vụ việc này ít nhiều mang tính tự phát”, bà Drey nói.

Tuy nhiên, hai cựu quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc tin rằng động thái của ông Trịnh đã được tính toán kỹ lưỡng.

Ông Charles Parton, cộng sự cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute for Defence and Security Studies-RUSI), cho biết, vụ đánh đập không nhất thiết phải được tính toán trước, nhưng việc nhân viên lãnh sự quán dùng vũ lực để đoạt lấy tấm áp phích, "đã được tính toán trước".

Ông Parton nói: “Các quan chức ĐCSTQ luôn phải thể hiện rằng họ rất hăng hái".

Việc cho phép người biểu tình treo những hình ảnh xúc phạm ông Tập Cận Bình bên ngoài lãnh sự quán sẽ không có lợi cho sự nghiệp của ông Trịnh. Do đó, ông ấy cần phải dỡ bỏ chúng, bằng không ông sẽ phải đối mặt với vô số chỉ trích trong Bộ chính trị, ông Parton nói.

Ông Roger Garside, cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Hiệp hội Henry Jackson, cho biết ông tin rằng ông Trịnh “hy vọng có thể khẳng định bản thân trong mắt cấp trên”.

Có thể có “một yếu tố của khát vọng nghề nghiệp cá nhân”, nhưng ông Trịnh “chắc chắn đảm bảo rằng ông ấy đã hành động phù hợp với chỉ thị từ Bắc Kinh", ông Garside nói thêm.

Trong một email sau đó gửi tới The Epoch Times, ông Garside cho biết ông tin rằng các nhân viên lãnh sự quán “đã quyết tâm thu giữ các biểu ngữ và trừng phạt những người biểu tình” bởi vì “họ không tôn trọng luật pháp của Anh, chứ chưa nói đến quyền biểu tình một cách hòa bình”.

Ông Garside cho biết, chính phủ Vương quốc Anh cần phải cân nhắc các lựa chọn sau khi cảnh sát xác minh sự thật. Nếu như các cá nhân được chứng minh là đã có hành vi bạo lực đối với ông Chan, thì họ phải bị truy tố. Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc truy tố có thể sẽ gặp khó khăn bởi vì nhân viên lãnh sự được hưởng một số quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

Ông tin rằng ông Trịnh Hy Nguyên nên nhận được một lời cảnh báo, nhắc nhở ông về luật pháp của Anh, đó là "Người dân có thể phản đối và dán áp phích tùy thích, ngay cả khi chúng khiến ông khó chịu".

Năm 1984, các nhà ngoại giao Libya đã bắn chết sĩ quan Cảnh sát Metropolitan Yvonne Fletcher, dẫn đến mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Libya bị rạn nứt trong một thập kỷ.

ĐCSTQ 'không hề thay đổi' kể từ Cách mạng Văn hóa

Cả ông Parton và Garside đều hồi tưởng lại cảnh tượng tương tự cách đây 55 năm, khi một cuộc ẩu đả nổ ra giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và cảnh sát ở London.

Họ cũng khẳng định rằng, chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ vẫn chưa hề thay đổi.

Ông Parton nói, bài phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình “chứa đầy ngôn ngữ đấu tranh”.

Từng đóng quân ở Bắc Kinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông Garside nghĩ rằng vụ việc ở Manchester đặc biệt "đáng buồn" vì nó "cho thấy ĐCSTQ thay đổi rất ít trong 50 năm qua, chính xác là 55 năm kể từ Cách mạng Văn hóa".

Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy "Cuốn sách đỏ nhỏ" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc (1966-1976), dưới sự chỉ huy của Mao, Hồng vệ binh hoành hành khắp đất nước, làm nhục, tra tấn và giết chết những ai bị coi là kẻ thù giai cấp, và phá hoại các biểu tượng văn hóa mà không đại diện cho cách mạng cộng sản. (Jean Vincent / AFP / Getty Images)
Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy "Cuốn sách đỏ nhỏ" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. (Ảnh: Jean Vincent/AFP/Getty Images)

“Tôi nghĩ điều đó cho thấy sự hoang tưởng của chế độ này, ẩn sau vẻ bề ngoài về sức mạnh và sự dũng cảm của họ”, ông Garside nói và nói thêm,

“Kiểu ngoại giao chiến lang này phá hủy mọi triển vọng về tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau”.

Ông Garside cho biết ông là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm “xây dựng một mối quan hệ mới với Trung Quốc, cũng như xây dựng lòng tin và tình hữu nghị” sau khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khởi động “kỷ nguyên cải cách". Tuy nhiên, ĐCSTQ kể từ đó đã “phá hủy những nỗ lực này và biến chính sách đối tác lành mạnh thành sự nghi ngờ và thù địch".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tổng lãnh sự Trung Quốc thừa nhận đã giật tóc người biểu tình