Tổng thống Biden bắt tay với quan chức Israel, 'bác bỏ' tuyên bố của Nhà Trắng về việc 'giảm thiểu tiếp xúc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Joe Biden đã bắt tay nhiều quan chức ở Israel hôm 13/7, chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống sẽ tìm cách "giảm thiểu tiếp xúc" với những người khác vì lo ngại về lây nhiễm COVID-19.

Ông Biden đã bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz khi đi thị sát hệ thống phòng thủ Vòm Sắt gần Tel Aviv. Ông cũng bắt tay cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Cuối ngày 13/7, Tổng thống Biden đã trò chuyện và ôm động viên bà Giselle Cycowicz và bà Rena Quint, những người sống sót sau thảm họa Holocaust trong khi đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Yad Vashem ở Jerusalem.

Tổng thống Biden và các quan chức Israel cũng không đeo khẩu trang hôm 13/7.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên trên đường tới Israel rằng, Nhà Trắng đang “tìm cách tăng cường đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, để giảm thiểu sự lây nhiễm COVID-19” trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Biden.

Ảnh của Epoch Times
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ôm hôn người sống sót sau thảm họa Holocaust Giselle Cycowicz trong một buổi lễ tại Sảnh tưởng niệm Bảo tàng Tưởng niệm Yad Vashem Holocaust ở Jerusalem, hôm 13/7/2022. (Ảnh: Debbie/Pool/AFP/Getty Images)

Truyền thông Israel đưa tin trong tuần này rằng, Nhà Trắng đã nói với văn phòng của Ngoại trưởng Israel Yair Lapid về việc ông Biden sẽ từ chối bắt tay trong chuyến thăm do sự gia tăng của đại dịch COVID-19 ở Hoa Kỳ và Israel.

Trước mỗi chuyến công du nuóc ngoài của Tổng thống Biden, các quan chức Nhà Trắng phải làm việc với các quốc gia sở tại để điều phối các giao thức ngừa COVID-19, bao gồm cả xét nghiệm cho bất kỳ ai dự kiến ​​tiếp xúc gần với Tổng thống. Đó không phải là một giải pháp hoàn hảo, vì ông Biden thường xuyên chào đón những đám đông lớn mà có thể chưa được xét nghiệm. Riêng đoàn tháp tùng của tổng thống phải được xét nghiệm ít nhất một lần mỗi ngày, chưa kể các quy định hiện có của quốc gia sở tại.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, ông Biden sẽ làm theo lời khuyên từ bác sĩ của mình và "giảm thiểu tiếp xúc" do sự gia tăng của các biến thể BA.4 và BA.5 của virus gây ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên đã có sự thay đổi so với một ngày trước đó, khi ông Biden bắt tay với các thành viên Quốc hội trong một buổi dã ngoại ở Nhà Trắng.

Ông bắt tay với các quan chức Israel, những người đã chào đón Tổng thống tại sân bay quốc tế Ben Gurion.

Trong bài phát biểu tại sân bay, ông Biden cho biết ông muốn tái khẳng định "cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với an ninh của Israel". Tổng thống cũng cho biết, ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước, hoặc các quốc gia riêng biệt "đối với người dân Israel và Palestine".

Sau khi thăm Israel, ông Biden dự kiến ​​bay tới Arab Saudi để gặp gỡ các quan chức.

Điện Kremlin hy vọng ông Biden sẽ không tìm cách biến Arab Saudi chống lại Nga

Hôm thứ Tư (13/7), Điện Kremlin cho biết họ hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Arab Saudi sẽ không được sử dụng làm bàn đạp để thúc đẩy quan hệ chống Nga, giống như Hoa Kỳ đang tìm cách thuyết phục Riyadh tăng sản lượng dầu trong bối cảnh giá cả leo thang.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moscow, Nga, vào ngày 23/12/2021. (Ảnh Getty Images)

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm thứ Hai (11/7) cho biết, ông Biden sẽ đưa ra giải pháp để tăng cường sản xuất dầu từ các quốc gia OPEC để giảm giá xăng khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Arab Saudi trong tuần này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Arab Saudi và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, rất coi trọng hợp tác với Arab Saudi trong khuôn khổ OPEC + nhóm các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi nằm trong khuôn khổ các thỏa thuận OPEC + và chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với các đối tác của mình, bao gồm cả với các đối tác hàng đầu như Arab Saudi".

“Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ và sự tương tác với Riyadh. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, việc xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa Riyadh và các thủ đô khác trên thế giới sẽ không chống lại Moscow”.

Khi thế giới phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng tồi tệ nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào những năm 1970, Tổng thống Biden đã nhiều lần thúc giục OPEC + và Arab Saudi tăng sản lượng dầu nhanh hơn mức mà nhóm này đang làm.

Nhưng các nhà sản xuất lớn ở vùng Vịnh có rất ít năng lực sản xuất dự phòng.

Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, chiếm một phần đáng kể trong thu nhập ngân sách nhà nước của Nga, là trọng tâm trong phản ứng của Moscow đối với các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu (8/7) cảnh báo phương Tây rằng việc tiếp tục các lệnh trừng phạt đối với Nga do xung đột ở Ukraine có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng thảm khốc đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Ông Putin nói rằng phương Tây đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với lạm phát tăng vọt bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với điều mà ông gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden bắt tay với quan chức Israel, 'bác bỏ' tuyên bố của Nhà Trắng về việc 'giảm thiểu tiếp xúc'