Tổng thống Biden ca ngợi đồng minh Ba Lan, tái khẳng định viện trợ cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, Ba Lan, trong đó ông đã ca ngợi những đóng góp và sự giúp đỡ của Ba Lan, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Cùng với đó, ông chủ Nhà Trắng cũng lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine mà Nga phát động từ ngày 24/2/2022.

Đáp lại, người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda đã nồng nhiệt chào đón Tổng thống Mỹ, đồng thời ca ngợi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì nỗ lực bảo vệ "thế giới tự do" và ủng hộ Ukraine.

“Ukraine muôn năm, NATO muôn năm, Hoa Kỳ muôn năm, Ba Lan muôn năm. Không có đoàn kết thì sẽ không có tự do", ông Duda tuyên bố.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden duyệt đội danh dự trong buổi lễ đến Dinh Tổng thống ở Warsaw, Ba Lan, hôm 21/2/2023. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Mỹ khẳng định sự ủng hộ "không lay chuyển" đối với Ukraine

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, thành viên NATO Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kyiv về áp trần giá dầu Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga và thúc giục phương Tây viện trợ vũ khí cho Kyiv. Ngoài ra, Ba Lan đã tiếp nhận khoảng 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine, nhiều hơn 30% so với Đức.

Hơn nữa, Ba Lan hiện đóng vai trò như trung tâm vận chuyển viện trợ khi 90% viện trợ quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đi qua lãnh thổ Ba Lan.

Bước lên bục phát biểu ngay sau đó, ông Biden đã chào đón người dân Ba Lan, những người mà ông mô tả là "đồng minh vĩ đại của Hoa Kỳ".

Ông nói: “Một năm trước, thế giới cho rằng Kyiv sẽ sụp đổ. Nhưng tôi vừa mới trở về từ Kyiv và tôi có thể khẳng định với quý vị rằng, Kyiv vẫn sừng sững hiên ngang".

Trước đó một ngày (20/2), Tổng thống Biden đã có chuyến thăm ngắn tới Ukraine. Tại đây, ông đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và cam kết viện trợ thêm 500 triệu USD cho Kyiv, nâng tổng số viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine lên hơn 25 tỷ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.

Tháng 12 năm ngoái, ông Biden đã tiếp đón người đồng cấp Ukraine tại Nhà Trắng và nhắc lại sự ủng hộ "không lay chuyển" của chính quyền Hoa Kỳ.

Trong bài phát biểu tại Ba Lan, Tổng thống Biden đã lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cho rằng cuộc xung đột này càng khiến cho Liên minh NATO đoàn kết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tổng thống Biden: 'Ông Putin đã sai'

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin "ra lệnh cho xe tăng của ông ấy tiến vào Ukraine, ông ấy cho rằng chúng ta sẽ bị đè bẹp", ông Biden nói tại Warsaw.

“Nhưng ông ấy đã sai. Thay vào đó, ông ấy thấy rằng mình đang gây chiến với một người đàn ông có lòng dũng cảm với ý chí sắt đá: Volodymyr Zelenskyy".

"Ông Putin nghi ngờ sức bền bỉ của chúng tôi. Nhưng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ không nao núng", ông chủ Nhà Trắng khẳng định.

Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến những tuyên bố của ông Putin trong bài phát biểu tại Moscow một ngày trước đó (21/2).

"Chúng tôi không có ý định thống trị Nga. Chúng tôi không lên kế hoạch tấn công Nga, như những gì ông Putin cáo buộc hôm 21/2", ông Biden tuyên bố. "Ông Putin đã chọn cuộc chiến này. Và hôm nay chỉ cần một câu của ông ấy là có thể kết thúc cuộc chiến này”.

"Từ Kherson đến Kharkov, các lực lượng Ukraine đã giành lại lãnh thổ [thuộc về] họ”, ông nói, đề cập đến các cuộc phản công của Ukraine hồi năm ngoái. “Lá cờ vàng xanh lại một lần nữa tung bay phấp phới”.

Cũng giống như một ngày trước đó tại Kyiv, ông Biden nhân cơ hội này nhắc lại sự ủng hộ không ngừng của Washington đối với Ukraine.

Ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ đi đầu trong "liên minh 50 quốc gia" chuyên hỗ trợ Kyiv và đảm bảo rằng Ukraine "được trang bị những vũ khí cần thiết để tự vệ”.

Ông Biden cũng ca ngợi sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ, nói rằng, "Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã cùng nhau hợp tác để hỗ trợ Ukraine”.

Đề cập đến một loạt các biện pháp trừng phạt sâu rộng mà phương Tây áp đặt lên nền kinh tế Nga, ông Biden tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chế độ trừng phạt lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử".

Ông Biden kết luận bài phát biểu bằng cách ca ngợi liên minh NATO gồm 30 thành viên là “liên minh phòng thủ mạnh nhất thế giới” và "đoàn kết hơn bao giờ hết".

“Một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên sẽ được coi là tấn công vào cả khối NATO”, ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng “liên minh có một lời thề thiêng liêng là bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO”.

Tổng thống Joe Biden (phải) đi cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm Kyiv, Ukraine, vào ngày 20/2/2023. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Dù Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng Kyiv vẫn thường xuyên bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh phương Tây này.

Vào ngày 22/2, Tổng thống Biden dự kiến sẽ ​​gặp các nhà lãnh đạo của nhóm Bucharest Nine (B9), một nhóm các đồng minh NATO ở Đông Âu được thành lập vào năm 2015.

Ngoài Ba Lan (đã gia nhập liên minh vào năm 1999), B9 bao gồm các thành viên: Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Romania và Slovakia.

Ông Biden đã đến thăm Ba Lan vào đầu năm 2017, ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine. Trong chuyến thăm đó, ông Biden công khai tuyên bố rằng ông Putin "không thể tiếp tục nắm quyền". Tuyên bố này rất nhanh đã được Nhà Trắng rút lại.

Chuyến công du hiện tại của Tổng thống Mỹ tới Warsaw nhằm mục đích tập hợp những người ủng hộ Kyiv trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng tăng đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài một năm đã đẩy giá năng lượng tăng vọt và rút cạn nguồn cung cấp vũ khí của châu Âu cạn kiệt.

Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy sự ủng hộ đối với cuộc chiến đang giảm dần ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở Washington, những người đã giành quyền kiểm soát Hạ viện vào năm ngoái, cũng bày tỏ sự phản đối ngày càng gay gắt đối với việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Kyiv.

Chiến sự tiếp diễn

Trong khi đó, Nga đã giành được những dải địa hình rộng lớn ở khu vực phía đông Donbass và dọc theo bờ biển phía nam Biển Đen của Ukraine ngay từ đầu cuộc xâm lược.

Tháng 10 năm ngoái, Moscow tuyên bố đơn phương sáp nhập bốn vùng lãnh thổ: Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson sau khi giám sát các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Đáp lại, Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ tính hợp pháp của động thái này, trong khi giới chức quân đội Ukraine tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất bằng vũ lực.

Moscow tuyên bố rằng cuộc xâm lược của họ và các cuộc sáp nhập sau đó được thực hiện để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở vùng Donbass (Donetsk và Luhansk) khỏi bị chính phủ Kyiv "lạm dụng".

Về phần mình, Kyiv bác bỏ cáo buộc này và cho rằng hành động của Nga là chiếm lãnh thổ bất hợp pháp.

Bất chấp các cuộc phản công thắng lợi của Ukraine vào mùa thu năm ngoái, năm nay các lực lượng Nga dường như đã giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Trong những tuần gần đây, Nga đã chiếm các vị trí then chốt ở khu vực Donetsk với sự giúp đỡ của các đồng minh địa phương và Tập đoàn Wagner, một tổ chức bán quân sự được Điện Kremlin hậu thuẫn.

Trong những tuần gần đây, có nhiều suy đoán cho rằng lễ kỷ niệm một năm xung đột Nga - Ukraine sẽ được đánh dấu bằng các cuộc tấn công mới của Nga dọc theo chiến tuyến dài gần 1.000 km.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden ca ngợi đồng minh Ba Lan, tái khẳng định viện trợ cho Ukraine