Tổng thống Biden nghi ngờ Nga đang tiến tới xâm lược Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (18/1), các quan chức cho biết, Nga sẽ đưa một số lượng quân không xác định từ vùng Viễn đông của đất nước tới Belarus để tham gia các trận chiến lớn. Cuộc triển khai sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine trong bối cảnh quan ngại của phương Tây gia tăng về một cuộc xâm lược có kế hoạch.

Reuters đưa tin ngày 20/1, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự đoán rằng Nga sẽ thực hiện một động thái đối với Ukraine. Ông cho biết, Nga sẽ phải trả giá đắt cho một cuộc xâm lược toàn diện, nhưng cũng nói rằng, có thể đó là một "cuộc xâm lược nhỏ" và cái giá phải trả có thể thấp hơn.

AP cho hay, Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể tấn công nước láng giềng của mình "bất kỳ lúc nào", trong khi Anh chuyển một lô vũ khí chống tăng cho Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết các cuộc tập trận chung với Belarus sẽ liên quan đến việc thực hành phản ứng chung trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Các quan chức Ukraine cảnh báo rằng, Nga có thể phát động một cuộc tấn công vào Ukraine từ nhiều hướng, bao gồm cả từ đồng minh của họ là Belarus.

Hôm thứ Ba (18/1), Hoa Kỳ một lần nữa nhấn mạnh mối quan ngại của mình. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mô tả việc quân Nga tiến vào Belarus là một phần của "tình huống cực kỳ nguy hiểm".

Cô nói: “Hiện chúng ta đang ở giai đoạn mà Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine ở bất cứ thời điểm nào.

Theo Reuters, một loạt cuộc đàm phán vào tuần trước giữa Nga, Mỹ và NATO về Ukraine đã không thể hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Geneva vào thứ Sáu (21/1) trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Ba cho biết họ đã nhận được một lô hàng vũ khí chống tăng từ Anh. Họ cho biết, viện trợ của Anh sẽ giúp “tăng cường khả năng quốc phòng của chúng tôi”.

Nga đã bắt đầu chuyển quân đến tập trận ở Belarus. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Fomin cho biết, ngày 9/2, Nga sẽ hoàn thành việc triển khai đầy đủ vũ khí và nhân sự cho các cuộc tập trận Allied Resolve 2022 tại Belarus, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 10 đến 20/2.

Một binh sĩ Ukraine, sử dụng kính tiềm vọng cầm tay nhỏ để xem vị trí của quân do Nga hậu thuẫn từ một boong ke nhỏ Ảnh: Getty

Ông Fomin không cho biết có bao nhiêu binh sĩ tham gia, nhưng đề cập rằng Nga sẽ triển khai hàng chục máy bay chiến đấu Su-35 và một số đơn vị phòng không tới Belarus. Việc triển khai này sẽ hỗ trợ khoảng 100.000 quân Nga với xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác đang ở gần Ukraine.

Nga đã bác bỏ thông tin rằng, họ có ý định tấn công nước láng giềng. Tuy nhiên, họ yêu cầu phương Tây đảm bảo rằng, NATO sẽ không mở rộng sang Ukraine hoặc các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ, cũng như không đưa quân đội và vũ khí của họ đến đó. Washington và các đồng minh kiên quyết bác bỏ các yêu cầu của Moscow trong cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Geneva và cuộc họp Hội đồng NATO-Nga tại Brussels vào tuần trước.

Theo ông Fomin, các cuộc tập trận ở Belarus, bao gồm một số lượng quân không xác định từ Quân khu phía Đông của Nga phản ánh nhu cầu tập trung toàn bộ tiềm lực quân sự của đất nước ở phía Tây.

Tại cuộc họp với các tùy viên quân sự nước ngoài, ông Fomin nói: “Một tình huống có thể nảy sinh khi lực lượng và phương tiện của nhóm lực lượng trong khu vực sẽ không đủ để đảm bảo an ninh đáng tin cậy của quốc gia liên minh, và chúng tôi phải sẵn sàng củng cố nó. Chúng tôi và Belarus hiểu rằng, cần phải huy động toàn bộ tiềm lực quân sự để phòng thủ chung".

Tổng thống độc tài của Belarus, ông Alexander Lukashenko, cho biết các cuộc tập trận chung sẽ được tiến hành ở biên giới phía Tây của Belarus và ở phía Nam của đất nước, nơi giáp giới với Ukraine. Ông Lukashenko ngày càng xích lại gần Nga và gần đây đã đề nghị được sở hữu vũ khí hạt nhân của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Lukashenko bị phương Tây trừng phạt do đàn áp các cuộc biểu tình trong nước.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết, việc Nga triển khai quân đến Belarus làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể đang lên kế hoạch tấn công Ukraine từ phía Bắc để kéo giãn hệ thống phòng thủ của Kyiv. Động thái này cũng có thể cho thấy, Belarus sẵn sàng "cho phép lực lượng quân sự của Nga, kể cả vũ khí hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ của mình".

Trong bối cảnh căng thẳng, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Ba (18/1) rằng, họ đang đẩy nhanh nỗ lực thành lập các tiểu đoàn dự bị cho phép triển khai nhanh chóng 130.000 tân binh để mở rộng lực lượng quân đội lên đến 246.000 quân.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã thúc giục Nga làm dịu tình hình bằng cách rút quân đang đóng gần Ukraine về các căn cứ ban đầu của họ.

“Trong những tuần gần đây, hơn 100.000 quân Nga với xe tăng và súng ống đã tập trung gần Ukraine mà không rõ lý do. Điều này thật khó hiểu và là một mối đe dọa”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên hôm thứ Ba (18/1) sau cuộc hội đàm tại Moscow với người đồng cấp Nga, ông Lavrov.

Ngoại trưởng Nga Lavrov đáp lại bằng cách nhắc lại lập luận của Moscow rằng, họ có thể tự do triển khai lực lượng của mình ở bất cứ đâu mà họ cho là cần thiết trên lãnh thổ của mình.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận các yêu cầu về lực lượng vũ trang trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai, mà chúng tôi đang nghe thấy những lời đe dọa đối với chúng tôi".

Bà Baerbock nhấn mạnh rằng, phương Tây đã sẵn sàng "cho một cuộc đối thoại nghiêm túc về các thỏa thuận chung và các bước để đảm bảo hơn nữa nền an ninh của châu Âu”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin hôm thứ Ba (18/10. Ông nói "nhiệm vụ chính bây giờ là đạt được tiến bộ trên con đường chính trị phía trước" để ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự chống lại Ukraine.

"Các đồng minh NATO đã sẵn sàng gặp lại Nga. Hôm nay tôi đã chính thức mời Nga và đồng minh NATO tham dự các cuộc họp trong Hội đồng NATO-Nga trong thời gian tới để giải quyết các quan ngại của NATO, cũng để lắng nghe các mối quan tâm của Nga", ông Stoltenberg nói.

Ông nói thêm rằng NATO "trong tương lai gần" sẽ gửi các đề xuất bằng văn bản của mình về các yêu cầu của Nga và "hy vọng chúng ta có thể bắt đầu cuộc họp sau đó".

Người đứng đầu NATO nói: “Chúng ta cần lắng nghe những gì Nga nói, và đó sẽ là một thời điểm quan trọng”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định rằng Nga muốn có câu trả lời nhanh chóng của phương Tây đối với yêu cầu ngăn chặn sự mở rộng của NATO sang Ukraine và hạn chế sự hiện diện của khối này ở Đông Âu. Ông nhắc lại điều đó trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Thứ Tư (19/1), ông Blinken thăm Ukraine và sẽ gặp ông Lavrov vào thứ Sáu (21.1), Reuters đưa tin.

Theo Sydney Morning Herald, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly đã đến thăm Ukraine hôm thứ Ba (18/1). Ngoại trưởng Joly đã lên án việc tăng cường quân đội của Nga là không thể chấp nhận được. Bà ghi nhận những nỗ lực của Canada trong việc giúp huấn luyện quân đội Ukraine. Bà cũng cho biết, Canada đang xem xét nhu cầu của Ukraine để ‘kịp thời’ cung cấp thiết bị quân sự cho nước này.

Canada, với một dân số lớn và có ảnh hưởng chính trị là người gốc Ukraine, đã có quan điểm chặt chẽ với Nga kể từ khi sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Gần đây, Lầu Năm Góc cáo buộc, rằng Nga đã chuẩn bị một chiến dịch được gọi là cờ giả, với các đặc nhiệm sẵn sàng thực hiện các hành động phá hoại chống lại các phiến quân thân Nga ở Ukraine, để tạo cớ cho Nga tiến hành cuộc xâm lược quốc gia này. Nga đã phủ nhận điều đó, BBC đưa tin.

Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 sau khi nhà lãnh đạo thân thiện với Moscow của Ukraine bị lật đổ và cũng tạo ra sức nặng cho lực lượng nổi dậy ly khai chiếm nhiều phần lớn ở miền đông Ukraine. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong gần 8 năm chiến đấu ở đó.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden nghi ngờ Nga đang tiến tới xâm lược Ukraine