Tổng thống Biden sẽ đối thoại với Ukraine sau khi cảnh báo Nga không được xâm lược nước này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ nói chuyện với tổng thống Ukraine vào cuối tuần này sau khi cảnh báo Nga không nên xâm lấn nước này. Ôn chủ Nhà Trắng sẽ “tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thảo luận về việc Nga xây dựng quân đội ở biên giới Ukraine và xem xét việc chuẩn bị cho các cam kết ngoại giao sắp tới để giúp giảm tình hình căng thẳng đang tiếp tục leo thang,” theo một quan chức Nhà Trắng.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cho biết trong một tuyên bố, rằng ông mong muốn một cuộc nói chuyện với Tổng thống Biden "để phối hợp vì lợi ích hòa bình ở Ukraine và an ninh ở châu Âu."

Tổng thống Biden lần cuối nói chuyện với Zelensky vào tháng trước, hứa hẹn sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định hay cuộc thảo luận nào “về Ukraine mà vắng mặt nước này”.

Biden đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này trong gần một giờ .

Cuộc điện đàm 50 phút giữa hai Tổng thống Biden - Putin

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin chiều 30/12 (rạng sáng 31/12 giờ Hà Nội) bắt đầu cuộc điện đàm lần thứ hai chỉ trong tháng này, khi quan hệ song phương được một quan chức cấp cao chính quyền Biden mô tả là đang trong "thời điểm khủng hoảng" liên quan tới vấn đề Ukraine.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, vốn từng là một phần của Liên Xô. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã vạch ra hai lựa chọn với Nga: một là giảm leo thang căng thẳng và tiến hành biện pháp ngoại giao; hai là xúc tiến hành động quân sự với Ukraine và đối mặt phản ứng cứng rắn từ phương Tây.

“Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng, nếu ông ấy có thêm bất kỳ động thái nào và tiến vào Ukraine, chúng tôi sẽ có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở châu Âu cùng với các đồng minh NATO, và Nga sẽ phải trả giá rất đắt cho điều đó”, ông Biden nói với các phóng viên hôm thứ Sáu tại Wilmington, Delaware.

“Chúng tôi đã đặt ra một số quan tâm của Nga về NATO, về Hoa Kỳ và châu Âu. Chúng tôi sẽ bắt đầu thương lượng về các vấn đề đó nếu Nga xuống thang ở Ukraine ”Biden nói thêm.

Phát thanh bài diễn văn Năm mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ kỷ niệm Năm mới tại Công viên Tatyshev, Krasnoyarsk, Nga ngày 31/12/2021. (Ảnh Getty Images)

Phía Nga cho biết, các quan chức Mỹ sẽ gặp trực tiếp những người đồng cấp Nga tại Geneva vào cuối tháng này để thảo luận về những điểm còn tồn tại trong các cuộc đàm phán đang diễn ra. Các cuộc hội đàm “sẽ do đích thân hai tổng thống giám sát”, Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.

Ông Yuri Ushakov cho biết thêm: “Ông Biden đề cập rằng nếu căng thẳng dọc biên giới Ukraine tiếp tục leo thang, các nước phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn về kinh tế, tài chính và quân sự. “Nhưng tổng thống của chúng tôi ngay lập tức trả lời rằng, nếu phương Tây quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có như đã đề cập thì có thể dẫn đến sự rạn nứt nghiêm trọng và đổ vỡ hoàn toàn trong mối quan hệ hai nước và thiệt hại nặng nề nhất chính là quan hệ giữa Nga và phương Tây.”

Việc Nga sát nhập Crimea là một trong những thời điểm đen tối nhất dưới thời Tổng thống Barack Obama. Chính quyền Obama đã không có biện pháp quân sự nhưng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo Nga về động thái này.

Động thái quân sự của Nga

Kể từ mùa thu, Nga đã tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine, động thái mà quan chức Mỹ và châu Âu nói có thể là "khúc dạo đầu" cho một chiến dịch quân sự lớn. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái của Nga đã gây sức ép rất lớn, buộc phương Tây phải lưu tâm tới quan ngại của Moskva đối với mối quan hệ của NATO với Ukraine, Gruzia và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Sự kiện Nga phóng thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon sau nỗ lực ấp ủ dự suốt 20 năm. Tên lửa Zircon là một trong những hệ thống vũ khí thế hệ mới mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là "vô địch" bổ sung vào kho vũ khí của nước này.

Cuộc điện đàm diễn ra theo đề xuất của Tổng thống Putin, người muốn trao đổi trực tiếp với Biden trước khi các nhà đàm phán của hai nước gặp nhau vào ngày 10/1/2022 để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden sẽ đối thoại với Ukraine sau khi cảnh báo Nga không được xâm lược nước này