Tổng thống Đài Loan ghé thăm Mỹ, người tiền nhiệm lại về Trung ‘bái tổ’, Đài Loan rồi sẽ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung đang leo thang, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã lên đường thăm đồng minh và quá cảnh tại Hoa Kỳ. Trong lúc đó, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu lại có chuyến "hồi hương" về Trung Quốc với lý do là 'cúng bái tổ tiên'. Cả hai chuyến thăm này được cho là sẽ tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2024.

Vào trưa ngày 29/3, bà Thái Anh Văn đã lên đường thăm các đồng minh tại Trung Mỹ. Giữa chặng đi và về, bà Thái sẽ lần lượt quá cảnh ở New York và Los Angeles. Khi dừng chân tại New York vào ngày 30/3, bà Thái sẽ nhận Giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu do Viện Hudson của Hoa Kỳ trao tặng.

Lúc trở lại Los Angeles vào ngày 5/4, bà sẽ có bài phát biểu tại Thư viện Reagan. Việc liệu bà Thái có gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trong chuyến đi này hay không đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.

Bắc Kinh đe dọa đáp trả chuyến đi của bà Thái Anh Văn

Ngay trước chuyến công du của bà Thái Anh Văn, Phát ngôn viên Chu Phụng Liên (Zhu Fenglian) của Văn phòng Sự vụ Đài Loan trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã phát biểu tại Bắc Kinh rằng, nếu bà Thái gặp gỡ ông McCarthy thì "chúng tôi kiên quyết phản đối và nhất định sẽ có biện pháp đáp trả kịch liệt".

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết vào tối 28/3 rằng, Washington nhận định kế hoạch quá cảnh tại Mỹ của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn là phù hợp với thông lệ lâu đời và chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ; không có lý do gì để Bắc Kinh phải phản ứng thái quá.

Giới phân tích nhận định rằng, trong 10 ngày tới, hai đảng chính trị của Đài Loan là Dân Tiến Đảng (Đảng Dân chủ Tiến bộ) và Quốc Dân Đảng sẽ đấu tranh kịch liệt về vấn đề thân Mỹ hay thân Trung. Suy cho cùng, không ai muốn thua cuộc ngay từ vạch xuất phát của cuộc bầu cử.

Bà Thái Anh Văn từng là Chủ tịch Đảng Dân Tiến. Còn ông Mã Anh Cửu từng là Chủ tịch Quốc Dân Đảng. Ông cũng là Tổng thống thứ 6 của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) từ năm 2008 - 2016, người kế nhiệm ông là bà Thái Anh Văn.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vẫy tay chào đám đông vào ngày 20/5/2016 tại Đài Bắc, Đài Loan sau khi bà Thái đắc cử. (Ashley Pon/Getty Images)

Ông Mã đề cập đến 'Đồng thuận 1992 - thừa nhận Một Trung Quốc'

Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu khởi hành đến Trung Quốc Đại lục vào ngày 27/3. Hôm sau, ông Mã đã đến thăm lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, dâng hoa cho bức tượng đồng 'Quốc phụ' của Trung Hoa Dân Quốc với dòng chữ "Phấn đấu vì hòa bình, chấn hưng Trung Hoa".

Ông Mã cũng trả lời phỏng vấn rằng ông "mong muốn hòa bình ở cả hai bờ eo biển và tránh xảy ra chiến tranh". Khi gặp Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô Tín Trường Tinh (Xin Changxing), ông Mã đã chủ động đề cập đến việc "tuân thủ Đồng thuận 1992".

"Đồng thuận 1992" là thỏa thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và chính quyền ĐCSTQ ở Bắc Kinh, theo đó hai bên eo biển Đài Loan thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc.

Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tỏ lòng thành kính tại Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc vào ngày 28/3/2023. (-/CNS/AFP via Getty Images)

Hơn 7 năm trước, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc khi ấy là ông Mã Anh Cửu đã cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cử hành "Hội nghị Mã - Tập" tại Singapore. Đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan trong vòng 66 năm.

Hôm nay, sau 7 năm, ông Mã Anh Cửu lại thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một cựu nguyên thủ Đài Loan đến Đại lục sau 74 năm hai bờ eo biển bị chia cắt về mặt chính trị. Tuy nhiên, so với quá khứ, bối cảnh hiện tại đã phát sinh những chuyển biến 'kinh thiên động địa'.

Phó giáo sư tại Khoa Ngoại giao thuộc Đại học Chính trị Đài Loan Ngô Sùng Hàm (Wu Chonghan) đã chia sẻ với The Epoch Times vào ngày 28/3 rằng, bối cảnh giữa hai thời điểm là khác nhau:

"Hiện tại cạnh tranh Mỹ - Trung rất khốc liệt, trước việc [cựu] Tổng thống Mã thăm Trung Quốc, đối với những biến động trên trường quốc tế mà nói, ông ấy muốn đóng một vai trò chủ động hơn và hài hòa hơn. Đối với Đồng thuận 1992, nội bộ Quốc Dân Đảng cũng có những ý kiến bất đồng. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Mã Anh Cửu chủ yếu muốn lôi kéo những người ủng hộ Quốc Dân Đảng ở cả hai bờ eo biển đi theo hướng thân Trung".

Ông Trần Phương Ngung (Chen Fangyu), một học giả thỉnh giảng tại tổ chức tư vấn chính sách Washington DC, đồng thời là Giáo sư trợ lý (Assistant Professor) Khoa Chính trị thuộc trường Đại học Soochow Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 28/3 rằng:

"Bối cảnh về thời gian và địa điểm đã có sự khác biệt cực lớn. Năm 2015, ông Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra định nghĩa về Đồng thuận 1992, tuy nhiên từ ngày 2/1/2019, trong bài diễn thuyết 40 năm 'Thông điệp gửi đồng bào Đài Loan', ông Tập Cận Bình đã xác định rõ 'Đồng thuận 1992' chính là thúc đẩy thống nhất hai bờ eo biển".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) trước cuộc gặp tại Khách sạn Shangrila ở Singapore vào ngày 7/11/2015. (ROSLAN RAHMAN/AFP via Getty Images)

Ông Trần Văn Giáp (Chen Wenjia), cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, đồng thời là Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc gia và Khu vực của Đại học Kainan, nhận định với The Epoch Times vào ngày 29/3 rằng, quan hệ Mỹ - Trung đang ở đỉnh điểm của sự đối đầu, tình hình giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng khó có thể cải thiện.

"Đặc biệt, dưới sự chấp chính của Dân Tiến Đảng, thuận theo việc Hoa Kỳ bao vây và đối đầu với ĐCSTQ thì Mỹ, Nhật và Đài Loan sẽ hình thành một chiến tuyến. Nói một cách tương đối, Trung Quốc sẽ kháng cự với Hoa Kỳ, hợp tác với Nga và sẽ không biểu hiện thiện chí đối với chính phủ Đài Loan. Hiện nay, điều duy nhất còn tồn tại giữa hai bờ eo biển là các trao đổi và tiếp xúc mang tính phi chính phủ", trích lời ông Trần Văn Giáp.

Bắc Kinh 'hạ cấp' đón tiếp ông Mã Anh Cửu

Khi ông Mã Anh Cửu đến Thượng Hải đã không được ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, nghênh tiếp. Thay vào đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện – ông Trần Nguyên Phong (Chen Yuanfeng) và Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan ở Thượng Hải – bà Chung Hiểu Mẫn (Zhong Xiaomin) tới đón ông tại sân bay.

Các nghi thức và cấp độ tiếp đón lần này còn thấp hơn so với khi Chủ tịch Quốc Dân Đảng trước đó là ông Liên Chiến (Lian Chan) đến thăm Đại lục vào năm 2005; lần này không có thảm đỏ, chỉ có xe đưa đón đơn giản. Thái độ của ĐCSTQ đã làm dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai bờ eo biển.

Theo phân tích của ông Trần Phương Ngung, ĐCSTQ muốn thể hiện thái độ thị uy của mình: "Người tiếp đón ông ấy (ông Mã Anh Cửu) là một quan chức cấp phó của Bộ, tương đương với việc (ông Mã) bị giáng xuống ba cấp. ĐCSTQ đã bày ra sách lược hai mặt, một mặt nói rằng hoan nghênh mọi người tới thương thuyết, chỉ cần tiền đề là tán đồng với họ (ĐCSTQ) thì đều có thể tới nói chuyện; mặt khác nó muốn thống trị mọi thứ, cố tình tạo ra một số khác biệt nhỏ, kỳ thực là mang ngụ ý sỉ nhục".

Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu bước ra khỏi một chiếc xe van khi ông đến dinh thự của John Rabe ở Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc vào ngày 28/3/2023. (REG BAKER/AFP via Getty Images)

Ông Trần Phương Ngung cho rằng hành vi "giáng cấp" đón tiếp của ĐCSTQ còn có một mục đích chính trị ẩn giấu khác: "Họ muốn ông ấy (ông Mã Anh Cửu) lên tiếng nhiều hơn, trước đây chỉ cần nói 'phản đối Đài Loan độc lập' là được rồi, tuy nhiên hiện tại ĐCSTQ vẫn không hài lòng với điều đó, tốt hơn hết nên nói là 'mong muốn một sự thống nhất'. Điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực thống nhất Đài Loan' ".

Ông Trần Văn Giáp nhận định rằng: "Một mặt, ĐCSTQ tạo ra bầu không khí mặt trận thống nhất, phân hóa sự đồng thuận xuyên eo biển trong nội bộ Đài Loan. Mặt khác, ĐCSTQ cố gắng phá hoại chuyến đi đến Mỹ lần này của bà Thái Anh Văn với tư cách là một đối tác dân chủ, từ đó làm suy yếu mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Lực đối kháng này đã được thể hiện thông qua thực tế là trong hai ngày vừa rồi, ông Mã Anh Cửu được [truyền thông Trung Quốc] đưa tin nhiều hơn bà Thái Anh Văn".

"Tuy nhiên, ĐCSTQ có 2 chiến lược. Điều dễ thấy là họ đối đãi với ông Mã Anh Cửu như một vị khách danh dự, đồng thời lại cố tình giáng ông ấy xuống ngang với cấp Trưởng đặc khu hoặc cựu Trưởng đặc khu. Điều này đã khiến người dân Đài Loan bất mãn, đa số nhân dân Đài Loan lạc quan với chuyến đi của ông Mã Anh Cửu, tuy nhiên nếu như không thể biểu hiện sự uy nghiêm và chủ quyền của Đài Loan một cách thích đáng thì chuyến đi của ông ấy có thể gây mất điểm trong (cuộc bầu cử) lần này", trích lời ông Trần Văn Giáp.

Hai chuyến đi tác động gì đến cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan 2024?

Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 13/1/2024, còn hơn 9 tháng nữa để các chiến dịch tranh cử bắt đầu đếm ngược.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫy tay khi bà đến cổng lên máy bay của sân bay quốc tế Đào Viên ở Đài Loan vào ngày 29/3/2023, bắt đầu chuyến công du sang phương Tây. (SAM YEH/AFP via Getty Images)

Phó Tổng thống và Chủ tịch đương nhiệm của Dân Tiến Đảng, ông Lại Thanh Đức (Lai Qingde), đã hoàn tất thủ tục đăng ký trong nội bộ đảng và sẽ thay mặt Dân Tiến Đảng tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Quốc Dân Đảng vẫn chưa chọn được người đại diện, các ứng viên tiềm năng là nhà sáng lập tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) Quách Thái Minh (Guo Taiming), Thị trưởng thành phố Tân Bắc Hầu Hữu Nghi (Hou Youyi) và một số người khác.

Ông Quách Thái Minh từng tranh cử tổng thống vào năm 2020, nhưng đã rút lui vì thua trong cuộc bầu cử sơ bộ của Quốc Dân Đảng. Ngày 27/3, ông Quách Thái Minh đã đến Hoa Kỳ, dự định ghé thăm Washington D.C., Boston, San Francisco, Los Angeles và một vài địa phương khác trong vòng 12 ngày. Động thái này mang ngụ ý cạnh tranh với bà Thái Anh Văn. Ông Mã Anh Cửu cũng "hồi hương" về Trung Quốc Đại lục trong cùng thời điểm. Điều này sẽ tác động gì đến cuộc bầu cử giữa hai đảng phái?

Nhà khoa học chính trị Nhật Bản Yoshiyuki Ogasawara là người từng dự đoán chính xác kết quả cuộc tổng tuyển cử Đài Loan năm 2020 và cuộc bầu cử địa phương năm 2022. Vào đầu tháng Ba vừa qua, ông tiếp tục dự đoán rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ xuất hiện tình thế 50:50, do đó, cả hai đảng phái đều không dám khinh suất.

Ông Ngô Sùng Hàm phân tích: "Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của bà Thái Anh Văn và chuyến đi đến Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu xác thực là có mang ý đối đầu, vì đảng của chính họ mà lên kế hoạch cho mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan hoặc mối quan hệ với Hoa Kỳ. Chỉ là cả 2 đều chọn khởi hành trước khi cuộc bầu cử chính thức bắt đầu, dự kiến việc này sẽ không gây nhiều tác động đến cuộc bầu cử".

Theo nhận định của ông Trần Văn Giáp, trong bối cảnh căng thẳng giữa eo biển Đài Loan hiện tại, ông Mã Anh Cửu dùng cái gọi là "chuyến đi hòa bình" để giúp Quốc Dân Đảng tích lũy phiếu bầu, điều này gián tiếp tác động đến cục diện của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến khách sạn ở thành phố New York, Mỹ vào ngày 29/3/2023, khi bà bắt đầu chuyến công du quốc tế 10 ngày. (TIMOTHY A. CLARY/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên ông Trần Phương Ngung phân tích rằng: "Việc thân Trung Quốc (ĐCSTQ) quá mức của ông Mã Anh Cửu có thể gây tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử của Quốc Dân Đảng, có thể gây ra kết quả tiêu cực. Bởi vì sau năm 2020, ý kiến của người dân Đài Loan kỳ thực không thay đổi quá nhiều, tuy rằng Dân Tiến Đảng đã thua đậm trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022, tuy nhiên quan điểm của quần chúng về các vấn đề Trung Quốc vẫn không thay đổi".

Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng các Vấn đề Đại lục (MAC) của Đài Loan công bố vào ngày 23/3, có 83,7% số người được hỏi đồng ý với việc nối lại tương tác có trật tự giữa hai bờ eo biển sau dịch bệnh; về mối quan hệ giữa hai bờ, 88,9% người tham gia khảo sát có xu hướng “duy trì hiện trạng”; đối với đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ, 83,6% người dân không tán thành; 84,3% người được hỏi không đồng tình đối với việc Trung Quốc thường xuyên lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan cắt đứt liên kết với quốc đảo, từ đó ngăn trở Đài Loan tham gia vào cộng đồng quốc tế.

Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng cuộc đụng độ trước thềm tổng tuyển cử năm 2024 của Đài Loan đã bắt đầu. Các hành động của Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng thực chất là để dò xét ý tứ của người dân Đài Loan, lót đường cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

Theo ông Lý, trước mắt, ĐCSTQ đang chủ yếu sử dụng các thủ đoạn gián tiếp, liên thủ với các lực lượng thân Trung trong nội bộ quốc đảo nhằm cố gắng tác động đến dư luận Đài Loan. Hoa Kỳ đang quan sát và đánh giá phản ứng của ĐCSTQ nhằm cân bằng với Bắc Kinh về các vấn đề của Đài Loan.

Nhà bình luận này còn chỉ ra, trong năm tới, ảnh hưởng giữa 4 bên gồm Quốc Dân Đảng, Dân Tiến Đảng, ĐCSTQ và Hoa Kỳ rất có thể gây tác động mang tính quyết định đến kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Tường Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Đài Loan ghé thăm Mỹ, người tiền nhiệm lại về Trung ‘bái tổ’, Đài Loan rồi sẽ ra sao?