Tổng thống Kazakhstan đẩy mạnh thanh trừng cơ quan an ninh sau bạo loạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ nhật (9/1), Tổng thống Kazakhstan đã sa thải thêm hai quan chức an ninh hàng đầu sau tình hình bất ổn tồi tệ nhất trong ba thập kỷ độc lập hậu Xô Viết. Các nhà chức trách cho biết, tình hình đang ổn định trở lại, với quân đội do Nga dẫn đầu canh gác các cơ sở quan trọng.

Reuters đưa tin, các quan chức bị sa thải là cấp phó của cựu giám đốc tình báo Karim Massimov, người bị bắt vì tình nghi phản quốc sau khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng nổ tại nước cộng hòa Trung Á sản xuất dầu và uranium giáp ranh Nga và Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ trong tuần qua khiến 6.044 người bị bắt giữ, nhiều người thiệt mạng, nhiều thương vong và các tòa nhà chính phủ bị thiêu rụi. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã ban hành lệnh nổ súng vào “kẻ cướp và khủng bố” để chấm dứt tình trạng bất ổn.

Internet đã bị hạn chế và hệ thống viễn thông hư hỏng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra số liệu và xác nhận các báo cáo.

Các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu bắt đầu cách đây một tuần trước, sau đó bùng nổ toàn quốc để chống lại chính phủ của ông Tokayev và người tiền nhiệm 30 năm tại vị, ông Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi. Cho đến nay, không ai đứng lên bênh vực những người biểu tình.

Theo lời mời của ông Tokayev, một liên minh do Nga đứng đầu gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ - Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - đã cử quân đội để vãn hồi trật tự, một sự can thiệp diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hôm Chủ nhật (9/1), Phát ngôn viên của ông Tokayev cho biết, các lực lượng sẽ không ở Kazakhstan lâu và có thể không quá một tuần hoặc thậm chí ít hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo CSTO sẽ tổ chức một cuộc họp video vào thứ Hai (10/1) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Kazakhstan, theo Điện Kremlin.

Bạo lực đã thúc đẩy suy đoán về sự rạn nứt trong giới tinh hoa cầm quyền, khi ông Tokayev đấu tranh để củng cố quyền lực của mình sau khi sa thải các quan chức chủ chốt và loại bỏ ông Nazarbayev khỏi vai trò người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia.

Trang web của tổng thống đã thông báo về việc sa thải ông Marat Osipov và ông Daulet Ergozhin, hai phó của ông Nazarbayev. Tuyên bố sa thải ngắn gọn vào cuối ngày Chủ nhật (9/1) đã không đưa ra lời giải thích.

Ông Massimov, thủ tướng hai nhiệm kỳ được coi là người thân cận của Nazarbayev đã bị bắt. Các nhà chức trách không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các cáo buộc chống lại ông ta. Báo giới không thể liên lạc được với ông và luật sư của ông để yêu cầu bình luận.

Trong một tuyên bố nhằm dập tắt những lời bàn tán về sự rạn nứt, người phát ngôn của ông Nazarbayev cho biết, ông Nazarbayev đã ở thủ đô Nur-Sultan trong suốt cuộc khủng hoảng và tự từ chức để giúp Tổng thống Tokayev xoa dịu tình hình.

Người phát ngôn cũng kêu gọi người dân đoàn kết xung quanh Tổng thống Tokayev.

Thứ 3 (11/10), ông Tokayev sẽ phát biểu trước quốc hội và có thể sẽ công bố nội các mới.

Ông đã trao giải thưởng vì sự dũng cảm cho 16 sĩ quan cảnh sát và quân đội thiệt mạng trong vụ bạo lực.

"Tình hình đã được ổn định ở tất cả các vùng của đất nước", văn phòng tổng thống cho biết, đồng thời cho biết thêm các cơ quan thực thi pháp luật đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà hành chính.

"Chiến dịch chống khủng bố ... sẽ được tiếp tục cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố", Thứ trưởng Quốc phòng Sultan Gamaletdinov cho biết.

Theo trang Investing.com, bạo lực đã giáng một đòn mạnh vào hình ảnh của Kazakhstan như một quốc gia được kiểm soát chặt chẽ và ổn định, quốc gia đã từng thu hút hàng trăm tỷ đô la đầu tư của phương Tây vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và khoáng sản của mình.

Chỉ huy lực lượng nhảy dù Nga Andrey Serdyukov cho biết, lực lượng CSTO đã hoàn thành việc triển khai tới Kazakhstan và sẽ ở lại đó cho đến khi tình hình ổn định hoàn toàn.

"Một số cơ sở chiến lược đã được chuyển giao dưới sự bảo vệ của đội gìn giữ hòa bình thống nhất của các quốc gia thành viên CSTO", văn phòng tổng thống cho biết.

Ông Serdyukov cho biết, quân đội đang canh gác các địa điểm quan trọng về quân sự, nhà nước và xã hội ở thành phố Almaty và các khu vực lân cận. Ông không xác định các cơ sở.

Các cuộc triển khai báo hiệu sự ủng hộ kiên quyết của Điện Kremlin đối với các nhà chức trách Kazakhstan trong một khu vực mà Moscow coi là quan trọng đối với an ninh của nước này dọc theo sườn phía nam.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đang tìm kiếm câu trả lời từ Kazakhstan về lý do tại sao nước này cần kêu gọi các lực lượng do Nga dẫn đầu để giải quyết tình trạng bất ổn trong nước. Ông cũng tố cáo lệnh bắn giết của chính phủ.

Hôm thứ Hai (10/1) đang diễn ra các cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng Ucraine. Nguy cơ Nga xâm lược Ukraine sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, việc Nga triển khai quân tới Kazakhstan gần đây có thể sẽ phủ bóng đen lên toàn bộ cuộc đàm phán, theo AP.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Kazakhstan đẩy mạnh thanh trừng cơ quan an ninh sau bạo loạn