Tổng thống Mexico kêu gọi chiến dịch toàn cầu chống lại sự kiểm duyệt của Big Tech

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống López Obrador tuyên bố: “Đúng vậy, mạng xã hội không nên được sử dụng để kích động bạo lực và tất cả những điều tương tự, nhưng việc này không thể được sử dụng như một cái cớ để kìm hãm quyền tự do ngôn luận”.

Tổng thống Mexico đã công khai cam kết sẽ dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại sự kiểm duyệt của Big Tech, sau khi một loạt công ty công nghệ lớn tuyên bố "thanh trừng" Tổng thống Donald Trump khỏi nền tảng của mình.

Tổng thống Mexico là ông Andrés Manuel López Obrador cho biết đang liên hệ với các chính phủ khác. Ông mạnh mẽ chỉ trích quyền lực mà các công ty Big Tech đang sử dụng và khẳng định, những gã trùm công nghệ này không thể kìm hãm quyền tự do ngôn luận.

Hôm 14/1, Tổng thống López Obrador tuyên bố: “Tôi có thể nói với các bạn rằng tại cuộc họp G20 đầu tiên mà chúng ta có, tôi sẽ đưa ra một đề xuất về vấn đề này. Đúng vậy, mạng xã hội không nên được sử dụng để kích động bạo lực và tất cả những điều tương tự, nhưng việc này không thể được sử dụng như một cái cớ để kìm hãm quyền tự do ngôn luận”.

Ông đặt câu hỏi: "Làm thế nào một công ty có thể hoạt động như thể nó hoàn toàn quyền lực, toàn năng, như một loại Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha [để phán xét] về những [ngôn luận] được đưa ra?".

Các chuyên gia đã nói với The Epoch Times rằng, cách thức kiểm duyệt nội dung của Big Tech có thể khiến các quốc gia cân nhắc phát triển nền tảng của riêng họ, thay vì phụ thuộc vào một số ít các công ty tư nhân của Hoa Kỳ với "quyền năng" lập tức ngăn chặn liên lạc của hàng triệu người.

Các mối quan ngại khác cũng đã được nêu ra, chẳng hạn như phải làm gì về Mục 230, một đạo luật lỗi thời với những điều khoản bảo vệ các nền tảng công nghệ khỏi những vụ kiện tụng về nội dung mà người dùng của họ đăng tải. Các nhà phê bình và các nhà lập pháp nhìn nhận, Mục 230 như là tấm lá chắn bao che quá mức cho các công ty Big Tech. Họ nhận thấy cần nhanh chóng bãi bỏ hoặc cải cách điều luật này.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Mexico là ông Marcelo Ebrard cho biết, chính phủ nước này đã bắt đầu liên lạc với một số quốc gia cho chiến dịch của họ.

Bộ trưởng Ebrard nói: “Vì Mexico đã lên tiếng thông qua tổng thống của chúng tôi, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với những chính phủ khác cùng chung suy nghĩ". Ông nhấn mạnh đã nhận được phản hồi từ các quan chức ở Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á .

Ông tiếp tục: “Lệnh của tổng thống là liên lạc với tất cả những quốc gia này, chia sẻ mối quan tâm này và làm việc để đưa ra một đề xuất chung. Chúng tôi sẽ xem xét những gì được đề xuất".

Twitter đã cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump, trong khi Facebook và Instagram đã chặn không cho ông đăng bài trên nền tảng của mình ít nhất cho đến khi hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang Tổng thống đắc cử Joe Biden. Snapchat và Twitch cũng đã vô hiệu hóa tài khoản của Tổng thống Trump. Các công ty công nghệ đã có hành động chống lại ông, sau khi phía đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa cáo buộc ông kích động bạo lực tại thủ đô Hoa Kỳ vào ngày 6/1.

Không chỉ các công ty mạng xã hội đã xúc tiến việc hạn chế Tổng thống Trump, mà cả Stripe - công ty chuyên xử lý các khoản thanh toán và giao dịch trên nhiều trang web - cũng tuyên bố sẽ ngừng xử lý các khoản thanh toán cho chiến dịch tranh cử của ông.

Nhiều nhà lãnh đạo và các quan chức thế giới gần đây đã lên tiếng chỉ trích việc Big Tech đồng loạt kiểm duyệt Tổng thống Trump. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi hành động của các công ty này là “có vấn đề”.

Người phát ngôn của bà Merkel là ông Steffen Seibert cho biết, Thủ tướng nước này tin rằng, tự do bày tỏ quan điểm là một quyền thiết yếu có “ý nghĩa cơ bản”.

Ông Seibert nói: “Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng theo luật và trong khuôn khổ do các nhà lập pháp xác định - chứ không phải theo quyết định của ban quản lý các nền tảng mạng xã hội. Nhìn từ góc độ này, Thủ tướng cho rằng có vấn đề khi các tài khoản của Tổng thống Hoa Kỳ hiện đã bị khóa vĩnh viễn”.

Trong những ngày gần đây, các quan chức từ Ba Lan, Úc và các quốc gia khác cũng đã công khai chỉ trích việc kiểm duyệt Tổng thống Trump của các công ty Big Tech.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số Steven Mosher và là thành viên sáng lập của Ủy ban về Mối nguy Trung Quốc cho biết, bất kỳ quyết định nào về mặt tư tưởng nhằm kiểm duyệt ngôn luận về chính trị sẽ phản tác dụng. Ông Mosher nhận định, các công ty Big Tech đang "đánh giá quá thấp" số lượng người trong và ngoài các chính phủ ở nước ngoài ủng hộ Tổng thống Trump.

Trao đổi với The Epoch Times, Chủ tịch Mosher nói: “Nó sẽ gây ra một lượng chuyển dịch lớn từ các nền tảng của họ sang các nền tảng hiện có và mới khác sắp được tạo ra. Trên thực tế, một vài năm sau đó, chúng ta có thể đang nói về việc [các công ty này] đã phá hủy mô hình kinh doanh của chính họ như thế nào. Động thái này sẽ khiến họ và các cổ đông của họ tiêu tốn hàng chục tỷ USD”.

Hôm 12/1, ông López Obrador đã đăng lời mời trên Facebook để những người theo dõi ông chuyển sang dùng Telegram, một dịch vụ ứng dụng và phần mềm nhắn tin tức thời dựa trên điện toán đám mây. Ông tuyên bố, các công ty tư nhân không nên có quyền quyết định ai có thể phát biểu ý kiến hay không.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mexico kêu gọi chiến dịch toàn cầu chống lại sự kiểm duyệt của Big Tech