Tổng thống Pháp tới thăm điện Kremlin với hy vọng xoa dịu căng thẳng biên giới Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc hội đàm tại Moscow với Tổng thống Nga Putin vào hôm nay (7/2/2022) nhằm giúp giảm leo thang tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine.

Để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, Nga đã điều khoảng 100.000 quân áp sát biên giới nước này. Căng thẳng leo thang đến mức xác suất xảy ra một cuộc chiến lên tới 70% (theo tuyên bố của Mỹ). Cố vấn an ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan hôm qua (6/2/2022) đã cảnh báo rằng Nga có thể xâm lược Ukraine "bất cứ lúc nào", "chi phí về người và của sẽ rất lớn".

Cho tới nay, Nga liên tiếp phủ nhận mọi kế hoạch tấn công bằng vũ lực với nước láng giềng nhưng kiên định yêu cầu Mỹ và các đồng minh cấm Ukraine gia nhập NATO, yêu cầu NATO ngừng triển khai vũ khí và lực lượng quân đội ở Đông Âu. Mỹ và NATO không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào của Nga. Nga cũng khăng khăng không để mất 'vùng đệm' Ukraine vào tay NATO và phương Tây.

Trong khi căng thẳng biên giới Ukraine gia tăng, Tổng thống Pháp dự định sẽ có cuộc Hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào hôm nay (7/2) trước khi thăm Ukraine vào ngày mai (8/2/2022), theo nguồn tin của AP. Ông Macron cho biết ưu tiên của ông là “đối thoại với Nga và giảm leo thang”.

Trước khi đến Moscow, ông Macron đã có cuộc điện đàm vào Chủ nhật với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Họ đã thảo luận về “các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang diễn ra nhằm đáp lại việc Nga tiếp tục tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp Journal du Dimanche đăng hôm Chủ nhật, Tổng thống Pháp Macron cho biết Pháp sẽ không đơn phương hành động nhưng việc ngăn chặn căng thẳng gia tăng là cần thiết; muốn làm điều đó trước hết phải xây dựng cơ chế tin tưởng lẫn nhau.

Macron nói: “Mục tiêu địa chính trị của Nga ngày nay rõ ràng không phải là Ukraine, mà là làm rõ các quy tắc chung sống với NATO và EU". “An ninh và chủ quyền của Ukraine hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác không thể là đối tượng để thỏa hiệp, trong khi Nga đặt ra câu hỏi về an ninh của chính mình cũng là điều hợp pháp”, theo AP.

Tiếp tục chính sách ngoại giao cấp cao, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp ông Biden vào hôm nay (7/2/2022) để đàm phán về vấn đề Ukraine. Ông Scholz sẽ đi đến Kyiv và Moscow vào ngày 14 - 15/2.

Scholz đã nói rằng Moscow sẽ phải trả một "giá đắt" trong trường hợp quốc gia này khai hoả. Nhưng chính phủ Đức cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích về việc từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, tăng cường sự hiện diện của quân đội Đức ở Đông Âu hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể chống lại Nga nếu quốc gia này thực hiện hành vi xâm lược Ukraine.

Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã nêu ra khả năng Đức có thể gửi thêm quân đến Litva để củng cố sự hiện diện của mình ở sườn phía đông của NATO.

Ông Biden đã điều thêm quân đội Hoa Kỳ triển khai đến Ba Lan, Romania và Đức, và vài chục binh lính và thiết bị tinh nhuệ của Hoa Kỳ đã được nhìn thấy đổ bộ vào ngày Chủ nhật ở đông nam Ba Lan gần biên giới với Ukraine cùng với hàng trăm lính bộ binh của Sư đoàn Dù số 82 chuẩn bị đến.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Pháp tới thăm điện Kremlin với hy vọng xoa dịu căng thẳng biên giới Ukraine