Tổng thống Putin ra tín hiệu chấp nhận có điều kiện Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan đang tiến hành kế hoạch gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (16/5) đã có phản ứng 'điềm tĩnh bất thường' đối với việc mở rộng của liên minh quân sự này. Nga không coi đây là mối đe dọa trực tiếp bởi Moscow 'không có vấn đề gì với Phần Lan và Thụy Điển'.

Hôm thứ Hai (16/5), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow, ông Putin đã nói: “Về việc mở rộng NATO, gồm việc kết nạp thành viên mới – Phần Lan, Thụy Điển – Nga không có vấn đề gì với 2 nước này. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, việc NATO mở rộng sang 2 quốc gia này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Nga".

Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo rằng việc NATO mở rộng “cơ sở hạ tầng quân sự tới vùng lãnh thổ này, chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi".

Ông Putin nói với các nhà lãnh đạo CSTO gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan rằng: “Phản ứng sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ xem điều gì đang đe dọa chúng ta".

Phản hồi điềm tĩnh bất thường của Tổng thống Putin đối với việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO trái ngược hoàn toàn với những bình luận trước đây của ông về việc mở rộng liên minh. Trên thực tế, ông đã viện dẫn sự mở rộng về phía đông của NATO là một trong những lý do chính khiến Nga xâm lược Ukraine.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin, tháng trước đe doạ rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Theo ông Putin, một số đảm bảo đã được đưa ra khi Liên Xô sụp đổ. Trong đó có việc NATO cam kết sẽ ngừng mở rộng về phía đông của Moscow. Ngoài “chính sách mở rộng bất tận” của NATO, liên minh quân sự này cũng bị ông Putin cho rằng đã vươn xa hơn phạm vi lãnh thổ Châu Âu - Đại Tây Dương của mình.

Cũng trong hôm thứ Hai (16/5) ông Putin cho biết, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đóng một vai trò ổn định rất quan trọng trong thời kỳ hậu Xô Viết, và bày tỏ hy vọng rằng ảnh hưởng của tổ chức này sẽ chỉ tăng lên trong “thời điểm khó khăn này".

“Tôi hy vọng rằng tổ chức này đã phát triển thành một cơ cấu quốc tế trong vài năm qua sẽ tiếp tục phát triển. Ý tôi là, trong thời điểm khó khăn này”, ông Putin nói.

Đến nay, việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự lâu năm và tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ NATO là hậu quả chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Hãng tin AP cho biết, danh sách các quốc gia “trung lập” hoặc không liên kết quân sự ở châu Âu dường như đang thu hẹp lại khi 2 quốc gia Bắc Âu chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập NATO.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm thứ Hai bình luận rằng nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là “một sai lầm nghiêm trọng khác” sẽ gây ra “hậu quả sâu rộng”. Ông nói thêm, cả hai quốc gia không nên nghĩ rằng Nga sẽ đơn giản chỉ đưa ra những lựa chọn.

“Việc chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh của mình dưới hình thức nào sau khi thay đổi cấu trúc NATO chung này là một câu hỏi riêng. Trên thực tế, điều này phụ thuộc vào kết quả của việc Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập liên minh như thế nào”, ông Ryabkov nói.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Tại cuộc họp báo hôm 16/5, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, Thụy Điển và Phần Lan không nên bận tâm về việc cử phái đoàn tới nước này để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đơn xin gia nhập của họ.

"Trên hết, chúng tôi sẽ không nói ‘đồng ý’ để những nước đang áp đặt chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ được gia nhập NATO, một tổ chức an ninh, trong quá trình này", ông Erdogan cho biết hôm thứ Hai (16/5), theo hãng tin nhà nước Anadolu.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên sáng lập NATO, phản đối cả hai nước này gia nhập liên minh vì bị cáo buộc là nơi cư trú của các cá nhân người Kurd được mô tả là thành viên của các nhóm khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp những người có liên hệ với nhóm Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và những người ủng hộ Fethullah Gulen, người mà nước này cáo buộc đã dàn dựng âm mưu đảo chính năm 2016.

“Họ nói rằng họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Hai (16/5). Họ sẽ đến để thuyết phục chúng tôi chăng? Xin lỗi, nhưng tốt hơn hết là họ không nên làm phiền chúng tôi", ông Erdogan nói với các phóng viên.

Theo tờ Anadolu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm Chủ nhật cũng nhận xét: “Các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố không nên là đồng minh trong NATO”.



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Putin ra tín hiệu chấp nhận có điều kiện Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO