Tổng thống Sri Lanka chính thức đệ đơn từ chức sau khi tháo chạy sang Singapore

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đệ đơn từ chức vào ngày 14/7, chỉ vài giờ sau khi tháo chạy đến Singapore sau các cuộc biểu tình hàng loạt về suy thoái kinh tế.

Thông báo này đã mang đến sự hân hoan ở thủ đô thương mại Colombo, nơi những người biểu tình tập trung bên ngoài tư dinh của tổng thống, bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố.

Đám đông đốt pháo, hô khẩu hiệu và nhảy múa tại địa điểm biểu tình Gota Go Gama, được đặt theo tên của ông Rajapaksa theo hàm nghĩa chế giễu.

Bà Damitha Abeyrathne, một nhà hoạt động, cho biết: “Cả đất nước sẽ ăn mừng ngày hôm nay. "Đó là một chiến thắng lớn".

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ giải phóng đất nước này khỏi tay họ", bà nói thêm, đề cập đến gia tộc Rajapaksa, những người đã thống trị nền chính trị của đất nước Nam Á trong hai thập kỷ.

Ông Rajapaksa đã đệ đơn từ chức qua email và sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 15/7, sau khi tài liệu được xác minh về mặt pháp lý, người phát ngôn của diễn giả cho biết.

Ông Rajapaksa đã tháo chạy đến Maldives vào ngày 13/7, sau đó đến Singapore vào ngày hôm sau trên một chuyến bay của hãng hàng không Arab Saudi.

Một hành khách trên chuyến bay, giấu tên, nói với tờ Reuters rằng, ông Rajapaksa đã gặp một nhóm nhân viên an ninh và được nhìn thấy rời khỏi khu vực VIP của sân bay trong một đoàn xe màu đen. Nhân viên hàng không trên chuyến bay nói với tờ Reuters rằng tổng thống, mặc đồ đen, bay hạng thương gia cùng vợ và hai vệ sĩ, mô tả ông là người “trầm lặng” và “thân thiện”.

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, ông Rajapaksa đã nhập cảnh vào nước này với tư cách là một chuyến thăm riêng, và đã không xin hoặc không được cấp phép tị nạn.

Quyết định của ông Rajapaksa vào ngày 13/7 và đưa đồng minh của mình là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe lên làm tổng thống đã gây ra nhiều cuộc biểu tình hơn, những người biểu tình xông vào quốc hội và văn phòng thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe cũng phải từ chức.

“Chúng tôi muốn ông Ranil về nhà", bà Malik Perera, một người lái xe kéo 29 tuổi tham gia các cuộc biểu tình cho biết hôm 14/7. “Họ đã bán nước. Chúng tôi muốn một lãnh đạo giỏi giang tiếp quản, bằng không chúng tôi sẽ không dừng lại”.

Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tràn vào văn phòng của thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ở Colombo, hôm 13/7/2022. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước, khi hàng trăm nghìn người chiếm các tòa nhà chính phủ ở Colombo, đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa và các đồng minh vì lạm phát, thiếu hụt hàng hóa cơ bản và nạn tham nhũng.

Vào trong dinh thự của tổng thống từ sớm, những người dân Sri Lanka bình thường đã đi quanh các hội trường, ngắm nhìn bộ sưu tập nghệ thuật phong phú, xe hơi sang trọng và bể bơi của tòa nhà.

“Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc”, anh Terance Rodrigo, một sinh viên 26 tuổi cho biết anh đã vào bên trong tư dinh kể từ khi nó bị những người biểu tình chiếm vào ngày 9/7.

“Chúng tôi phải làm cho xã hội tốt hơn. Chính phủ đang không giải quyết các vấn đề của người dân”, anh nói

Những người tổ chức biểu tình đã trao trả lại dinh thự của tổng thống và thủ tướng cho chính phủ vào cuối ngày 14/7.

Ông Chameera Dedduwage, một trong những người biểu tình, nói với tờ Reuters: “Với việc tổng thống tháo chạy khỏi đất nước, việc chiếm giữ những địa điểm này không còn giá trị biểu tượng nào nữa”.

Một nhà hoạt động khác, Kalum Amaratunga, cho biết một cuộc đàn áp có thể sắp xảy ra sau khi ông Wickremesinghe gọi một số người biểu tình là "phát xít" trong một bài diễn văn vào tối hôm trước.

Chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở Colombo cho đến sáng sớm ngày 15/7 nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trầm trọng thêm. Truyền thông địa phương cho thấy những người lính trên những xe bọc thép đang tuần tra dọc đường phố.

Quân đội nước này cho biết, họ được trao quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân và tài sản công cộng.

Một người biểu tình đeo mặt nạ Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tham gia một cuộc biểu tình về cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt đất nước này, gần tòa nhà quốc hội ở Colombo hôm 06/05/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Một người chết, 84 người bị thương trong các cuộc đụng độ

Cảnh sát cho biết một người thiệt mạng và 84 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình hôm 13/7 gần quốc hội và văn phòng thủ tướng, khi người dân yêu cầu phế truất cả Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe.

Quân đội cho biết hai binh sĩ bị thương nặng vì bị những người biểu tình tấn công. Cảnh sát cho biết người đàn ông thiệt mạng là một người biểu tình 26 tuổi, người đã bị thương gần văn phòng thủ tướng.

Cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa, cả hai anh em của tổng thống, đã thông báo cho Tòa án Tối cao thông qua luật sư của họ rằng họ sẽ ở lại đất nước cho đến ít nhất là ngày 15/7.

Họ đã phản hồi một bản kiến ​​nghị của cơ quan chống tham nhũng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhằm tìm kiếm hành động “chống lại những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay”.

Các quan chức nhập cư đã ngăn ông Basil Rajapaksa rời khỏi lãnh thổ vào đầu tuần này.

Quốc hội dự kiến ​​sẽ bổ nhiệm một Tổng thống mới vào ngày 20/7 và một nguồn tin hàng đầu của đảng cầm quyền nói với tờ Reuters rằng, Thủ tướng Wickremesinghe là lựa chọn hàng đầ của đảng, mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra. Sự lựa chọn của phe đối lập là thủ lĩnh chính của họ, Sajith Premadasa, con trai của một cựu tổng thống.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Sri Lanka chính thức đệ đơn từ chức sau khi tháo chạy sang Singapore