Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận Mỹ - Trung có thể sẽ ký sau ngày 15 tháng 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Trump từ sớm đã tuyên bố thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu sẽ được ký kết tại Nhà Trắng vào ngày 15/1. Vài ngày trước, Trung Quốc cũng cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến thăm Hoa Kỳ từ ngày 13 - 15/1. Nhưng trong tuyên bố mới nhất của mình, Tổng thống Trump lại cho thấy thỏa thuận có thể sẽ được ký sau ngày 15/1.

Hôm thứ năm (9/1), Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương ở Toledo, Ohio nói: "Chúng tôi sẽ ký thỏa thuận vào ngày 15/1 - Tôi nghĩ rằng sẽ là ngày 15/1, nhưng (cũng có thể) sau ngày đó một chút, nhưng tôi nghĩ ngày 15/1 sẽ có một thỏa thuận lớn với Trung Quốc".

Tổng thống Trump cũng bày tỏ một lần nữa rằng theo thỏa thuận, mỗi năm Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trị giá 50 tỷ USD.

Các kênh truyền thông Hoa Kỳ yêu cầu Nhà Trắng giải thích thêm về tuyên bố của Tổng thống Trump, nhưng Nhà Trắng không đưa ra câu trả lời.

Ngày 31/12/2019, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông sẽ cùng đại diện cấp cao của Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu vào ngày 15/1. Ngày 9/1, Bộ Thương mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tuyên bố rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Hoa Kỳ từ ngày 13 - 15/1 để ký thỏa thuận. Hiện giờ, Tổng thống Trump lại nói rằng thỏa thuận có thể không được ký vào ngày 15, và quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung đã một lần nữa cho thấy sự biến đổi.

Theo thông tin từ các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, ĐCSTQ đã hứa sẽ mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Hoa Kỳ trong vòng hai năm, bao gồm việc mua từ 40 tỷ - 50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp mỗi năm. Ngoài ra, thỏa thuận có một danh sách mua chi tiết và cơ chế thực thi mạnh mẽ. Nếu ĐCSTQ không thực hiện các cam kết trong vòng 90 ngày, Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt và Trung Quốc không được trả đũa. Tuy nhiên, các quan chức ĐCSTQ chưa xác nhận tin tức này.

Theo ngoại giới phân tích, các điều khoản của thỏa thuận khiến ĐCSTQ bối rối, nên Bắc Kinh mới rất kín tiếng.

Ngoài ra, ngày 7/1, ông Hàn Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp ĐCSTQ, nói với truyền thông trong nước rằng Bắc Kinh sẽ không “vì một quốc gia” mà điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu thực phẩm chủ yếu. Điều này dấy lên nghi ngờ việc liệu ĐCSTQ có tôn trọng cam kết mua thêm nông sản của Mỹ hay không. Nhà bình luận thời sự chính trị, ông Đường Tĩnh Viễn tin rằng ĐCSTQ miễn cưỡng buộc phải đạt được thỏa thuận giai đoạn đầu, rồi bất cứ khi nào có cơ hội họ có thể rút lại các cam kết và mặc cả với Hoa Kỳ một lần nữa. Ví dụ như xung đột căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Iran trong thời gian này, cũng có thể được ĐCSTQ xem là một cơ hội đàm phán lần nữa.

Vào ngày 3/1, quân đội Hoa Kỳ tiêu diệt nhân vật số 2 Iran - Soleimani và Iran đã tuyên bố trả đũa. Ông Hán Tuấn đã đưa ra tuyên bố trên vào thời điểm Mỹ và Iran “giương cung rút kiếm” căng thẳng với nhau.

Vào ngày 8/1, tên lửa Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq mà không gây thương vong. Iran sau đó tuyên bố rằng "hành động trả đũa" đã kết thúc và không muốn chiến tranh. Ngoại giới tin rằng Iran chỉ cố tình "tự vệ" để giữ thể diện. Cùng ngày, Tổng thống Trump cũng đưa ra tuyên bố ông sẽ không trả đũa quân sự và tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Cuộc xung đột quân sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã chấm dứt.

Ngày hôm sau, ĐCSTQ tuyên bố Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Hoa Kỳ để ký thỏa thuận. Tuy nhiên, ngoại giới vẫn nghi ngờ liệu ĐCSTQ lại một lần nữa đổi ý trước khi ký thỏa thuận hay không và sau khi ký thỏa thuận liệu họ có thể thực hiện theo đúng thỏa thuận hay không.

Minh Thanh

Theo NTD



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận Mỹ - Trung có thể sẽ ký sau ngày 15 tháng 1