Tổng thống Ukraine: Hơn 6 triệu hộ gia đình bị mất điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (25/11), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, hiện vẫn còn hơn 6 triệu hộ gia đình ở nước này bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện sau các cuộc không kích của Nga, theo tờ Reuters.

Hơn 6 triệu hộ gia đình ở Ukraine mất điện

Phát biểu tại một sự kiện thường ngày, ông Zelenskyy nhấn mạnh, phần lớn các khu vực của Ukraine và thủ đô Kyiv vẫn chưa có điện trở lại khiến hơn 6 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, con số này đã giảm một nửa so với cách đây 2 ngày.

Các cuộc không kích của Nga đã gây ra thiệt hại nặng nề, khiến hàng triệu người không có ánh sáng, nước ấm hoặc sưởi ấm ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy kêu gọi người dân Ukraine tiết kiệm năng lượng. “Nếu có điện, điều này không có nghĩa là quý vị có thể mở nhiều thiết bị điện mạnh cùng một lúc”, ông ấy nói trong một bài phát biểu qua video hằng đêm.

Bức ảnh được chụp vào ngày 23/11/2022 cho thấy thành phố Odessa ở miền nam Ukraine đang chìm trong bóng tối sau các cuộc tấn công của Nga, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Oleksandr Gimanov/AFP/Getty Images)

Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo vài giờ trước đó cho biết, hệ thống điện vẫn còn thiếu hụt 30% so với nhu cầu và yêu cầu người dân cắt giảm sử dụng năng lượng.

“Các đội sửa chữa đang làm việc suốt ngày đêm”, hãng này cho biết trong một tuyên bố trên Telegram.

Hôm 25/11, ông Zelenskyy đã đến thị trấn Vyshhorod ở phía bắc Kyiv để xem xét một tòa nhà bốn tầng bị hư hại sau cuộc không kích của Nga. Ông cũng đã đến thăm một trong nhiều trung tâm khẩn cấp đã được thành lập để cung cấp nhiệt, nước, điện và thông tin di động.

“Cùng nhau kề vai sát cánh, chúng ta sẽ vượt qua đoạn đường đầy chông gai này. Chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách và chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng”, ông nói trong một tuyên bố video trước đó.

Một mùa đông khắc nghiệt

Moscow cho biết, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng về cơ bản là hợp pháp về mặt quân sự và Kyiv có thể chấm dứt sự đau khổ của người dân nếu họ tuân theo yêu cầu của Nga. Ukraine cáo buộc các cuộc tấn công của Nga nhằm gieo rắc nỗi thống khổ cho dân thường là "tội ác chiến tranh".

Người dân xếp hàng mua thức ăn bên cạnh một tòa nhà bị phá hủy tại Horenka, Ukraine, hôm 22/11/2022. (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu sẽ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ Ukraine khôi phục và duy trì mạng lưới điện để sưởi ấm.

Nga cho biết, họ không nhắm mục tiêu vào dân thường trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà họ đã phát động vào ngày 24/2. Các quan chức nhân quyền quốc tế nói rằng, Nga và Ukraine khó có thể tiến đến hòa giải khi Moscow tiếp tục các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Kyiv.

Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc Volker Turk, cho biết trong một tuyên bố: “Hàng triệu người đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn với điều kiện sống tồi tệ".

Moscow lập luận rằng, họ triển khai "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở nơi mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là một quốc gia nhân tạo được tách ra từ lãnh thổ Nga.

Tổng thống Nga 'chia sẻ nỗi đau' với các bà mẹ mất con ở Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện với các bà mẹ có con thiệt mạng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moscow, Nga, hôm 25/11/2022. (Ảnh: Alexander Shcherbak/Sputnik/AFP/Getty Images)

Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/11 đã gặp hơn 10 bà mẹ lính Nga chiến đấu ở Ukraine tại dinh thự Novo-Ogaryovo ở ngoại ô Moscow.

Ông cảm ơn các bà mẹ và con của họ đã chiến đấu vì "nước Nga mới" đồng thời ông chia sẻ nỗi đau của những bà mẹ và nói rằng, "sự đảm bảo chính cho thành công của 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga nằm ở tinh thần đoàn kết".

"Chúng tôi hiểu không gì có thể thay thế được nỗi đau mất con của các bà mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dạy con mình", nhà lãnh đạo Nga cho biết, theo Reuters.

Hồi tháng 9, Nga đã hoàn tất đợt 'động viên một phần' với hơn 300.000 người. Theo đó, hàng trăm nghìn binh lính Nga, bao gồm lính chính quy và tình nguyện, đã được gửi đến chiến trường Ukraine.

Phía Ukraine và phương Tây cho rằng, ông Putin không có lý do gì để biện minh cho một cuộc chiến tranh xâm lược.

Một hệ thống hỏa lực phóng loạt BM-21 'Grad' của Ukraine đang phóng một tên lửa về phía các vị trí của Nga trên chiến tuyến ở khu vực Kharkiv, Ukraine vào ngày 3/11/2022. (Ảnh: Ihor Tkachov/AFP/Getty Images)

Phương Tây tăng cường viện trợ cho Ukraine

Hôm 25/11, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã công bố gói tài trợ thêm hàng triệu bảng Anh cho Ukraine trong chuyến thăm tới Kyiv, theo thông báo từ văn phòng của ông.

Ngoại trưởng Cleverly đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba và lên án Nga nhắm vào dân thường, bệnh viện và cơ sở hạ tầng năng lượng trong các cuộc tấn công gây mất điện trong nhiều ngày ở thủ đô Kyiv.

“Khi mùa đông bắt đầu, Nga đang tiếp tục cố gắng phá vỡ quyết tâm của Ukraine bằng các cuộc tấn công tàn bạo vào dân thường, bệnh viện và cơ sở hạ tầng năng lượng. Nga sẽ thất bại”, ông Cleverly nói.

Văn phòng Tổng thống Zelenskyy đã đăng một đoạn video quay cảnh Tổng thống Ukraine bắt tay với ông Cleverly và cảm ơn vì sự hỗ trợ của nước Anh. Ông Cleverly đáp rằng Anh sẽ ‘kề vai sát cánh’ với Ukraine.

Tổng thống Hungary Katalin Novak cũng đặt chân tới Kyiv để gặp ông Zelenskyy, trang index.hucủa Hungary đưa tin hôm 25/11.

Kyiv cho biết, Moscow không ngừng bắn phá Kherson, thành phố phía nam Ukraine mà họ đã bỏ lại hồi đầu tháng. Người đứng đầu chính quyền địa phương hôm 25/11 cho biết, đã có 15 người thiệt mạng và 35 người khác bị thương trong sáu ngày qua.

EU cân nhắc đề xuất của G7 về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 65 - 70 USD/thùng

Các nhà ngoại giao EU cho biết, G7 đang xem xét giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng từ 65 USD đến 70 USD/thùng. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đang phát triển thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng khối 27 quốc gia này vẫn bị chia rẽ vì đề xuất của Nhóm G7 nhằm hạn chế giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Ngày 23/11, một nhà ngoại giao EU cho biết, Nhóm G7 đang xem xét áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga được vận chuyển bằng đường biển trong khoảng từ 65 USD đến 70 USD/thùng.

Theo đó, các quốc gia thành viên EU đang xem xét đề xuất của G7 nhằm đạt được sự đồng thuận về vấn đề trên. Tuy nhiên, mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga là một vấn đề gây tranh cãi.

"Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng, mức giá đề xuất từ 65 - 70 USD/thùng vẫn là quá cao và muốn giảm xuống bằng mức chi phí sản xuất. Trong khi đó, Cyprus, Hy Lạp và Malta lại cho rằng mức giá này quá thấp", nhà ngoại giao EU cho biết.

Nhà ngoại giao EU cho biết, việc áp giá trần với dầu xuất khẩu của Nga tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển, do đó G7 cần ấn định một mức giá trung bình tốt hơn.

Một cuộc họp để thảo luận về việc này dự kiến diễn ra ​​​​vào ngày 25/11, song đã bị hủy bỏ, các nhà ngoại giao EU cho biết.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, ba nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát hiện đang hoạt động, chỉ hai ngày sau khi các cuộc tấn công buộc Ukraine phải đóng cửa toàn bộ cả ba lần đầu tiên sau 40 năm. Kyiv gọi đây là nguy cơ thảm họa nguyên tử.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Ukraine: Hơn 6 triệu hộ gia đình bị mất điện