Tổng thống Ukraine: Tình hình Donbas 'vô cùng khó khăn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/5, Tổng thống Ukraine cho biết "tình hình ở Donbas vô cùng khó khăn". Tuy nhiên, Kyiv đã bác bỏ lệnh ngừng bắn và không nhượng bộ Moscow. Động thái này đã 'đổ thêm dầu vào lửa', khiến Nga tăng cường tấn công ở khu vực phía đông Donbas và ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan, theo Reuters.

Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Luhansk và tỉnh Donetsk lân cận trong cuộc xâm lược kể từ ngày 24/2. Tuy nhiên, Moscow muốn chiếm phần lãnh thổ cuối cùng do Ukraine nắm giữ ở Donbas, theo Reuters.

"Tình hình ở Donbas là vô cùng khó khăn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu qua video đêm 21/5.

"Lực lượng Vũ trang Ukraine đang ngăn chặn cuộc tấn công. Mỗi ngày lực lượng phòng thủ của chúng tôi đều loại bỏ các kế hoạch tấn công này của Nga, là đóng góp cụ thể để chúng ta tiến đến ngày trọng đại. Ngày mà chúng ta mong đợi và chiến đấu vì nó: Ngày Chiến thắng", ông nói.

Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.

Cố vấn của Tổng thống Zelenskiy Mykhailo Podolyak bác bỏ việc đồng ý ngừng bắn và cho biết, Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ. Việc nhượng bộ sẽ phản tác dụng đối với Ukraine, vì Nga sẽ đáp trả mạnh hơn sau các cuộc giao tranh, ông nhận định.

Ông Podolyak, nhà đàm phán chính của Ukraine, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng tổng thống Ukraine được bảo vệ nghiêm ngặt: "Cuộc chiến sẽ không dừng lại (sau khi nhượng bộ). Nó sẽ chỉ tạm dừng một thời gian". "Họ sẽ bắt đầu một cuộc tấn công mới, thậm chí đẫm máu hơn với quy mô lớn hơn nhiều".

Kết thúc cuộc giao tranh ở Mariupol, thành phố lớn nhất mà Nga chiếm được, mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một chiến thắng hiếm hoi sau một loạt thất bại trong gần ba tháng chiến đấu.

Các binh sĩ Ukraine đang được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine vào ngày 17/5/2022 (Ảnh chụp màn hình lấy từ video của Bộ Quốc phòng Nga/Getty Images)

Việc kiểm soát toàn bộ Mariupol trao cho Nga quyền chỉ huy tuyến đường bộ nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga và các khu vực phía đông Ukraine do phe ly khai thân Nga nắm giữ. Đây là tuyến đường mà Moscow chiếm giữ vào năm 2014.

Các lực lượng Ukraine tại các khu vực do quân ly khai kiểm soát ở Luhansk và Donetsk hôm thứ Bảy (21/5) cho biết, họ đã đẩy lùi 9 cuộc tấn công và phá hủy 5 xe tăng cùng 10 xe bọc thép khác trong 24 giờ trước đó.

Lực lượng Nga đang sử dụng máy bay, pháo binh, xe tăng, rocket, súng cối và tên lửa dọc toàn bộ chiến tuyến để tấn công các công trình dân sự và các khu dân cư, Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng ở vùng Donetsk sau cuộc tấn công, theo Reuters.

Quân đội Nga đã phá hủy một cây cầu trên sông Siverskiy Donets, nối giữa Sievierodonetsk và Lysychansk, thống đốc khu vực Luhansk Serhiy Gaidai cho biết trên Telegram. Ông nói thêm rằng, giao tranh đã nổ ra ở khu vực ngoại ô Sievierodonetsk.

Tổng thống Zelensky trước đó cho biết, quy mô quân đội Ukraine hiện nay lớn gấp gần 6 lần so với thời điểm khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2.

"Chúng tôi cần đội quân hơn 250.000 hoặc 260.000 người, nhưng chỉ có khoảng 120.000 quân sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine trước khi Nga bắt đầu chiến dịch". "Hiện nay con số là 700.000. Bây giờ mọi người đều thấy thấy kết quả của việc 700.000 người đang chiến đấu", ông nói trong một bài phát biểu, theo Reuters.

Tổng thống Ukraine đã ra lệnh tổng động viên sau khi chiến sự bùng nổ, nói rằng tất cả nam giới từ 18 đến 60 tuổi nên ở lại trong nước và chiến đấu. Đầu tuần này, một đạo luật được trình lên quốc hội Ukraine kêu gọi tước quyền công dân của những nam giới rời đất nước và không trở về trong vòng 30 ngày.

Các binh sĩ và tình nguyện viên Nga phân phát bánh mì ở Mariupol vào ngày 12/4/2022. (Ảnh Getty Images)Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2, điều mà Điện Kremlin gọi là “một chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Sau hơn 80 ngày giao tranh, mặc dù Nga đã kiểm soát 80% vùng Donbas, chiến sự tại đây trở thành cuộc đấu giằng co, đặc biệt là tại các khu vực có địa hình hiểm trở. Tổng thống Ukraine hôm 19/5 nói rằng tình hình Donbas hiện như "địa ngục".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đầu tuần này đánh giá cuộc chiến với Nga đã bước vào giai đoạn kéo dài, khi Moscow chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự dài hạn nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbas.

Một quan chức cấp cao giấu tên tại Lầu Năm Góc cho biết, lực lượng Nga hiện tác chiến ở miền đông Ukraine theo các nhóm nhỏ hơn, thay vì tấn công bằng các đơn vị cấp tiểu đoàn quy mô lớn như trước đây, nhằm đối phó với những vấn đề về hậu cần, cơ cấu tổ chức trên chiến trường.

Leo thang về khí đốt

Dòng khí đốt từ Nga sang Phần Lan sẽ ngưng hoạt động kể từ sáng 21/5, công ty khí đốt Gasum của Phần Lan thông báo. Diễn biến này đã được Gasum cảnh báo từ trước.

“Chiều 20/5, Gazprom Export đã thông báo với Gasum rằng nguồn cung khí đốt tự nhiên sang Phần Lan theo hợp đồng với Gasum sẽ bị cắt từ 4h ngày 21/5”, Gasum nói, theo Reuters.

Logo của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu ở Sofia, thủ đô Bulgaria vào ngày 27/4/2022. (Ảnh: Nikolay Doychinov/Getty Images)

“Rất tiếc là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên theo hợp đồng cung cấp của chúng tôi hiện sẽ bị tạm dừng”, Giám đốc điều hành Gasum Mika Wiljanen cho biết trong một tuyên bố.

Gasum cho biết sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng trong nước từ các nguồn khác, thông qua đường ống Balticconnector.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cẩn thận cho tình huống này và nếu mạng lưới truyền khí đốt không bị gián đoạn, chúng tôi sẽ có thể cung cấp khí đốt cho toàn bộ khách hàng trong những tháng tới”, ông Mika Wiljanen nói.

Tập đoàn Gazprom đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Hầu hết các hợp đồng cung cấp của châu Âu được tính bằng euro hoặc đô la. Tháng trước, Moscow đã cắt khí đốt đối với Bulgaria và Ba Lan sau khi họ từ chối tuân thủ các điều khoản mới.

Tổng thống Biden ký gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine

Các quốc gia phương Tây cũng tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Hôm thứ Bảy, Kyiv lại có thêm một cú hích lớn nữa khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật cung cấp gần 40 tỷ USD viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.

Tổng thống Joe Biden ngày 21/5 ký gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự tại đây có nhiều diễn biến mới.

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ này sau khi ông Biden rời Washington đến Seoul. Chính vì vậy, văn bản này đã được chuyển đến Hàn Quốc bằng đường hàng không để Tổng thống Biden ký.

Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về việc viện trợ thêm cho các nỗ lực chiến tranh của Ukraine chống lại Nga từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng vào ngày 28/4/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images)

Thông tin về việc ông Biden ký dự luật được đưa ra khi Tổng thống Mỹ tham dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước do người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chủ trì. Ngoài dự luật về viện trợ cho Ukraine, ông Biden cũng ký một văn bản nhằm cải thiện khả năng tiếp cận sữa bột trẻ em cho các gia đình Mỹ có nhu cầu nhưng gặp khó khăn.

Đạo luật mới này cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine, hỗ trợ các lực lượng quân đội và an ninh quốc gia nước này, đồng thời sẽ hỗ trợ vũ khí, trang thiết bị, đào tạo, hậu cần và hỗ trợ tình báo, cũng như hỗ trợ y tế và sức khỏe công cộng cho người tị nạn Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 19/5 cho biết Tổng thống Biden thậm chí rất nóng lòng ký dự luật này, sẵn sàng ký khi trên đường đến châu Á.

Moscow cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với việc chuyển giao vũ khí cho Kyiv, giống như một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" của Hoa Kỳ và các đồng minh. Hàng nghìn người ở Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc chiến, hàng triệu người đã phải di dời khỏi các thành phố đổ nát.

Huyền Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Ukraine: Tình hình Donbas 'vô cùng khó khăn'