Mỹ: Tổng thống và Nghị sỹ đứng đầu Đảng Cộng Hoà đạt đồng thuận về nguyên tắc với trần nợ công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau nhiều tháng giằng co và không có ý định nhượng bộ về nới lỏng trần nợ công của Mỹ, đẩy Mỹ vào rủi ro có thể vỡ nợ trước cột mốc 1/6/2023, hiện tại đảng Cộng hoà và chính quyền ông Biden đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc với vấn đề này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nghị sĩ đứng đầu của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc trong việc tạm thời đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang vào tối thứ Bảy, chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã được công bố mà không có bất kỳ động thái ăn mừng nào; phản ánh con đường cay đắng của các cuộc đàm phán và khó khăn phía trước mà việc nới lỏng trần nợ này phải thông qua Quốc Hội trước khi Mỹ hết tiền trả nợ vào đầu tháng 6.

"Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với Tổng thống cách đây ít lâu. Sau khi ông ấy lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ", ông McCarthy viết trên Twitter.

Ông Biden gọi thỏa thuận này là "một bước tiến quan trọng" trong một tuyên bố, nói rằng: "Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền". Tuyên bố này cho thấy chính quyền ông Biden đã có những nhượng bộ nhất định trong kế hoạch chi tiêu mà phía đảng Cộng Hoà Mỹ luôn cáo buộc là "thiếu trách nhiệm" và "bừa bãi", làm tổn hại tới tăng trưởng, sự thịnh vượng và sức mạnh quân sự của quốc gia này.

Thỏa thuận sẽ đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025, đồng thời giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi các quỹ COVID chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng; bao gồm một số yêu cầu công việc bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm tối nay để pháp lý hoá vấn đề này”, ông McCarthy nói với các phóng viên ở Đồi Capitol. Ông McCarthy cho biết ông dự kiến sẽ viết xong dự luật vào Chủ nhật, sau đó nói chuyện với ông Biden và bỏ phiếu về thỏa thuận trần nợ công vào thứ 4.

Ông McCarthy nói: “Có sự cắt giảm lịch sử trong chi tiêu, những cải cách mang tính hệ quả sẽ giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó tham gia vào lực lượng lao động, kiềm chế sự lạm quyền của chính phủ – không có thuế mới, không có chương trình mới của chính phủ”.

Bế tắc kéo dài về việc tăng trần nợ đã khiến thị trường tài chính hoảng sợ; thị trường cổ phiếu lao dốc. Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.

Ông Biden trong nhiều tháng đã từ chối đàm phán với ông McCarthy về việc cắt giảm chi tiêu [của chính phủ] trong tương lai, yêu cầu các nhà lập pháp trước tiên thông qua mức tăng trần nợ "sạch" mà không kèm theo các điều kiện khác.

Theo Reuters

Quang Nhật biên tập



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Tổng thống và Nghị sỹ đứng đầu Đảng Cộng Hoà đạt đồng thuận về nguyên tắc với trần nợ công