Tổng thống Zelenskyy ký sắc lệnh chặn khả năng đàm phán với ông Putin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã ký sắc lệnh chính thức loại bỏ khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Sắc lệnh xác nhận "không thể tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin", theo trang web của Tổng thống Ukraine.

Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả nỗ lực thôn tính của ông Putin hôm 30/9, trong việc tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ bị chiếm đóng một phần của Ukraine là Kherson, Zaporizhzhia và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, đài CNN đưa tin.

Trong khi đó, đài RT dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/10 cho biết, Nga vẫn sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng, nhưng “cần phải có cả hai bên”, ông lưu ý.

Ông Peskov nói: “Chúng tôi sẽ chờ đợi tổng thống đương nhiệm thay đổi lập trường của mình hoặc sự xuất hiện của tổng thống tương lai của Ukraine, người sẽ thay đổi lập trường vì lợi ích của người dân Ukraine", theo đài RT.

Sắc lệnh này sẽ xóa sổ mọi khả năng Ukraine tiến hành đàm phán với Nga khi ông Putin vẫn nắm quyền.

Diễn biến trên diễn ra khi Quốc hội Nga chính thức hóa việc sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (30/9), ông Putin kêu gọi Ukraine “chấm dứt mọi hành động thù địch, chấm dứt cuộc chiến mà nước này bắt đầu từ năm 2014 và quay trở lại bàn đàm phán”.

Tuy nhiên, cùng ngày, ông Zelenskyy tuyên bố, "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là với một tổng thống khác của Nga".

Moscow và Kyiv đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ khi các cuộc đàm phán ở Istanbul kết thúc vào cuối tháng Ba. Phía Nga, ban đầu bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình, sau đó cáo buộc Ukraine đã quay lưng lại với tất cả những tiến bộ đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng họ đã mất lòng tin vào các nhà đàm phán của Kyiv.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Không ai từ chối lựa chọn đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán, nhưng vị trí của bạn trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Ngày nay, các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành trên chiến trường".

Ông nhấn mạnh: "Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang nói rõ điều này với tất cả các đối tác, họ cũng không loại trừ khả năng đàm phán".

Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa" nước láng giềng. Tuy nhiên, cùng với những thất bại trên chiến trường, Nga gần đây đã ra lệnh điều động một phần lực lượng và tiến hành trưng cầu dân ý bốn tỉnh của Ukraine vào Nga. Động thái này đã khiến Nga rơi vào bế tắc, khi vấp phải phản đối từ trong nước vì lệnh điều động một phần và hứng chịu các đòn trừng phạt từ nước ngoài.

Cả Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau khi tiến trình đàm phán giữa hai nước đình trệ từ cuối tháng 3.

Các động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả hai phía khiến nhiều người lo ngại có thể bùng phát thành những xung đột lớn hơn, thậm chí có khả năng sử dụng cả vũ khí hạt nhân như những cảnh báo từ ông chủ Điện Kremlin.

Làn sóng trừng phạt

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào hàng trăm cá nhân và thực thể liên quan tới chiến sự của Nga ở Ukraine. Động thái này nhằm phản ứng với các cuộc trưng cầu dân ý của Moscow ở 4 vùng của Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào một số công ty nằm bên ngoài Nga được lập ra năm nay để hỗ trợ các nhà cung cấp quân sự lớn của Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Trừng phạt cũng được mở rộng sang người thân của các quan chức hàng đầu Điện Kremlin.

Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ lần lượt công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà hoạch định chính sách ở Moscow, các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thực thể hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự (Military–industrial complex) của Nga.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: "Hoa Kỳ bác bỏ dứt khoát các nỗ lực gian lận của Nga nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine".

Ông Blinken cho biết các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo dứt khoát từ Mỹ và các đồng minh G7 rằng, "bất kỳ cá nhân, thực thể hoặc quốc gia nào cung cấp hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho Nga sẽ phải trả giá cho những nỗ lực phi pháp nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ của Ukraine".

Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt ông Elvira Sakhipzadovna Nabiullina, người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga và là cựu cố vấn của ông Putin. Ngoài ra, Bộ này đã xử phạt hơn một trăm thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với ông Ochur-Suge Mongush, một binh sĩ Nga bị cáo buộc tra tấn các tù nhân chiến tranh Ukraine. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm hàng trăm cá nhân khác, trong đó có các thành viên của quân đội Nga và các quan chức quân đội Belarus.

Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ thêm 57 thực thể vào danh sách trừng phạt của mình để hạn chế việc Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng, trong khi nước này không ngừng leo thang cuộc chiến ở Ukraine.

Vòng trừng phạt mới nhất của Washington diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào lãnh thổ của Nga tại Điện Kremlin. Sau cái gọi là các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực Ukraine, ông Putin nói rằng quyết định của Moscow thể hiện "ý chí của hàng triệu người dân" ở đó. Các cuộc trưng cầu dân ý đã bị các quốc gia Châu Âu, Mỹ và Liên Hợp Quốc lên án là "giả mạo".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Zelenskyy ký sắc lệnh chặn khả năng đàm phán với ông Putin