Toronto kỷ niệm 22 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Toronto vào ngày 17/7, các cựu nghị sĩ và các nhà hoạt động nhân quyền đã lên tiếng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công trong bối cảnh cuộc bức hại môn tu luyện thiền định của Phật gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cách đây 22 năm.

Gần 800 học viên Pháp Luân Công đã tham gia một cuộc diễu hành qua trung tâm thành phố để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ngược đãi nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc. Jeffery Jiang, một trong những người tổ chức sự kiện, cho biết có khoảng 500 người đăng ký tham gia cuộc diễu hành, nhưng khoảng 700-800 người đã tới.

Tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, cựu Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Wladyslaw Lizon đã kêu gọi Canada, Hoa Kỳ và Châu Âu giúp đỡ các học viên Pháp Luân công, những người “đòi quyền tự do tín ngưỡng và thay đổi hệ thống cộng sản”, như trước đây họ đã từng giúp đỡ những người sống ở Liên Xô cũ.

“Điều này mang lại hy vọng, và nó sẽ mang lại hy vọng cho tất cả chúng ta và cho những người ở đây hôm nay, những người bị chính quyền cộng sản khủng khiếp ở Trung Quốc đàn áp”, ông Lizon nói.

“Chúng ta không chỉ nên nhắc nhở ĐCSTQ về những tội ác của họ, [mà] nhắc họ rằng đã đến lúc họ phải trả giá cho những tội ác gây ra”.

Cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Wladyslaw Lizon phát biểu tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, Toronto, vào ngày 17/7/2021. (Andrew Chen / The Epoch Times)

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện của Phật gia bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý về Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện này được giới thiệu ra công chúng năm 1992 tại Trung Quốc, nơi nó đã trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, đến năm 1999, Pháp Luân Công đã thu hút được 70-100 triệu học viên.

Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân coi sự nổi tiếng của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của ĐCSTQ. Ngày 20/7/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch đàn áp tạn bạo chưa từng có nhằm xóa sổ môn tu luyện này.

Cựu Thượng nghị sĩ Consiglio Di Nino phát biểu tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, Toronto, vào ngày 17/7/2021. (Andrew Chen / The Epoch Times)

Cựu thượng nghị sĩ Consiglio Di Nino kêu gọi ĐCSTQ cởi mở với phương tiện truyền thông và kêu gọi công chúng giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công.

“Nếu bạn có bất kỳ sự lịch sự nào, nếu bạn có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với con người, nếu bạn thực sự muốn nói với chúng tôi rằng những điều này không xảy ra, hãy mở lòng với các phóng viên, với giới truyền thông”, ông Di Nino nói. "Bạn đang giấu cái gì? Tại sao không để báo giới vào xem?”

Hơi ấm của ‘tấm lòng thiện lương’ sẽ bền lâu

Cựu nghị sĩ và ủy viên hội đồng thành phố Toronto, John Parker, đã nhắc đến câu chuyện “Gió Bắc và Mặt trời”, một trong những truyện ngụ ngôn của Adốp, để so sánh với chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Cựu nghị sĩ và Ủy viên Hội đồng Toronto John Parker phát biểu tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, Toronto, ngày 17/7/2021. (Evan Ning / The Epoch Times)

Trong truyện ngụ ngôn, gió ghen tị với mặt trời vì sự ấm áp và hạnh phúc của nó, đã thách thức nó trong một cuộc thi sức mạnh để xem ai có thể cởi bỏ chiếc áo choàng của một người đàn ông đang mặc trên đường.

Gió thổi lên một cơn bão hủy diệt, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó, nhưng người đàn ông đã giữ chặt lấy chiếc áo choàng của mình. Khi mặt trời ló dạng, nó tỏa sáng rực rỡ, sưởi ấm cho người đàn ông khiến ông cuối cùng tự nguyện cởi bỏ chiếc áo choàng.

“Trong cuộc cạnh tranh giữa sức mạnh hủy diệt của gió và tình yêu và sự ấm áp của mặt trời, sức mạnh hủy diệt của gió cũng có tác dụng của nó, nhưng chính mặt trời đã bảo vệ ngày hôm đó”, ông Parker nói.

“Tôi thấy đó là thông điệp mà các bạn mang đến, thông điệp về sự chân thật, lòng thiện lương và đức tính vị tha của các bạn. Đó chính là tia nắng mặt trời. Điều đó không phải lúc nào cũng chiến thắng trong mọi trận chiến, nhưng cuối cùng thì sức mạnh của gió, sức mạnh của bão tố, chỉ có sức hủy diệt, nhưng sức mạnh của tia nắng mặt trời mà các bạn mang lại là bền lâu”.

Sheng Xue, người đồng sáng lập Mạng lưới Nhân quyền Trung Quốc, tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, Toronto, vào ngày 17/7/2021, lên án cuộc bức hại kéo dài 22 năm của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. (Andrew Chen /The Epoch Times)

Sheng Xue, đồng sáng lập Mạng lưới Nhân quyền Trung Quốc, một tổ chức đoàn kết các cộng đồng bị bức hại dưới chế độ ĐCSTQ, cho biết lịch sử sẽ ghi nhớ Pháp Luân Công như “ánh sáng” chiến đấu chống lại chế độ 'hắc ám".

“Pháp Luân Công là ánh sáng soi đường chiến đấu chống lại nơi hắc ám,… và mỗi học viên đều là ánh sáng. Khi mọi người trong tương lai nhìn lại thời đại của chúng ta, họ sẽ thấy bạn, những người có thể buông bỏ cuộc sống của mình vì đức tin”, bà Sheng nói.

Gloria Fung, chủ tịch của Liên kết Canada-Hong Kong, lưu ý rằng ĐCSTQ cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo gây ra cho người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc. Bà nói rằng, ĐCSTQ đang phá hoại các nền dân chủ phương Tây thông qua hành vi “thao túng, xâm nhập, đe dọa, cũng như bắt giữ con tin”, chẳng hạn như hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor đang bị cầm tù ở Trung Quốc.

Gloria Fung, chủ tịch của Canada-Hong Kong Link, phát biểu tại cuộc mít tinh ở trung tâm thành phố Toronto vào ngày 17/7/2021, lên tiếng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công. (Andrew Chen / Đại Kỷ Nguyên)

“Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị bằng dối trá và bạo lực. Nó tẩy não người dân của mình bằng một cơ chế kiểm soát ý thức hệ rất tinh vi”, bà Fung cho biết.

Bà nói, Canada và các đồng minh phương Tây đang bắt đầu nhận ra rằng ĐCSTQ không chỉ là một đối thủ cạnh tranh, mà là "một kẻ thù" trên mọi mặt trận, và bà kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại ĐCSTQ, chẳng hạn như tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Sự tàn bạo của cuộc bức hại

Shenli Lin, một học viên Pháp Luân Công được giải cứu đến Canada vào năm 2002 sau nhiều năm bị tra tấn tàn bạo trong trại lao động ở Trung Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại cuộc mít tinh.

Shenli Lin, một học viên Pháp Luân Công đã được giải cứu đến Canada vào tháng 2/2002, phát biểu tại cuộc mít tinh ở Queen’s Park, Toronto, ngày 17/7/2021. (Andrew Chen / The Epoch Times)

Ông Lin bị bắt vào năm 1999 khi đi thỉnh nguyện đòi quyền tự do tập luyện Pháp Luân Công, sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Ông Lin đã bị bắt giam nhiều lần và cuối cùng bị kết án hai năm trong trại “cải tạo lao động”.

Trong thời gian ở trong trại cải tạo lao động, ông Lin bị buộc phải lao động khổ sai trong nhiều giờ, dẫn đến viêm loét khắp cơ thể. Ông Lin nói, ông cũng bị buộc phải làm các xét nghiệm y tế vì mục đích nham hiểm là phẫu thuật thu hoạch nội tạng sống".

Các học viên Pháp Luân Công tuần hành ở trung tâm thành phố Toronto ngày 17/7/21. (Evan Ning / The Epoch Times)

Anh trai của Shenli Lin là Mingli Lin, cũng phải chịu đựng sự tra tấn, tẩy não và cưỡng bức lao động, và bị tổn thương khí quản vĩnh viễn do bị bức thực trong khi tuyệt thực. Mingli được giải cứu đến Canada vào năm 2012. Chị gái 76 tuổi của ông Lin, Qiu Peng Lin, cũng bị bắt ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công và đã không có tin tức gì kể từ tháng 5 năm 2020.

“Lịch sử của ĐCSTQ là lịch sử giết người. ĐCSTQ đối coi mạng sống như cỏ dại và tàn sát 80 triệu người Trung Quốc", ông Lin nói.

“Do đó, tôi kêu gọi chính phủ Canada và tất cả những người tốt tiếp tục mở rộng vòng tay giúp đỡ của các bạn. Tất cả chúng ta hãy cùng lên tiếng đòi công lý để ngăn chặn cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Toronto kỷ niệm 22 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ