Trung Quốc vẫn chưa tôn trọng các cam kết thương mại với Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài tháng sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng toàn cầu, Washington đã đưa ra các cáo buộc chống lại Bắc Kinh vì đã không công bố những thông tin chính xác về dịch bệnh, và không hoàn thành những mục tiêu thương mại như cam kết trong thỏa thuận. Sự kiện này làm dấy lên những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần thứ 2. Vào giữa tháng 1/2020, đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tuy đã xuất hiện nhưng chưa được chú ý đến, đó cũng là lúc thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được ký kết.

Hiệp ước trong giai đoạn này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/2, đặt ra yêu cầu Trung Quốc phải mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ với tổng giá trị 200 triệu đô-la Mỹ (khoảng 4. 676 nghìn tỷ VNĐ) trong vòng 2 năm tiếp theo.

Thỏa thuận yêu cầu bên Trung Quốc sẽ phải tăng tổng giá trị hàng hóa mua từ Mỹ thêm 76,7 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 1.798 nghìn tỷ VND) trong năm 2020; và 123,3 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 2.890 nghìn tỷ VND) trong năm 2021, với mức cơ sở tương đương với số liệu năm 2017.

Tuy nhiên, dữ liệu thương mại trong quý I/2020 chỉ ra rằng Bắc Kinh đã không hoàn thành thỏa thuận được đưa ra, và thậm chí còn không đạt được đến mức cơ sở.

Ông Riley Walters, chuyên gia kinh tế và phân tích chính sách tại The Heritage Foundation, đã trao đổi với The Epoch Times rằng: “Khi thỏa thuận được ký kết vào tháng Một, không một ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có thể hoàn tất được các cam kết mua bán”.

Ông cho biết: “Với tình hình đại dịch như thế này, có vẻ như khả năng để hoàn tất thỏa thuận mua bán lại càng khó hơn”.

Tuy nhiên, trên thực tế không hề có thước đo để đo lường tiến độ của Trung Quốc đối với việc đáp ứng các cam kết mua bán. Vì vậy, thỏa thuận rất có thể sẽ bị đình trệ.

Ông bổ sung thêm: “Không có điều lệ nào về hạn ngạch hàng tháng mà họ phải đáp ứng. Thỏa thuận vạch ra các yêu cầu mua hàng trên cơ sở sau 1 năm và hoàn thành mục tiêu trong 2 năm”.

Hơn nữa, văn bản thỏa thuận có một điều khoản, cho phép trì hoãn các hoạt động mua bán với lý do “thảm họa thiên nhiên hoặc sự kiện xảy ra không lường trước được”.

Theo ông Walters, trong thỏa thuận đã nêu rõ Trung Quốc phải mua thêm gần 540 loại hàng hóa, bao gồm một số mặt hàng sản xuất, nông sản và các sản phẩm năng lượng.

Tính riêng cho năm 2020, ông ước lượng rằng Trung Quốc sẽ mua 142,6 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 3.323 nghìn tỷ VND) giá trị hàng hóa. Và dựa theo phân tích của ông, Trung Quốc chỉ có thể nhập khẩu 14 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 326 nghìn tỷ VND) giá trị hàng hóa của Hoa Kỳ trong quý đầu tiên năm nay.

Để đạt được thỏa thuận này, Bắc Kinh phải thúc đẩy triệt để lượng mua hàng trong 9 tháng còn lại của năm.

Ông Walters cho rằng Trung Quốc sẽ không thể đạt được yêu cầu trong thỏa thuận, trừ khi nền kinh tế nước này có một sự tăng trưởng đột phá. Và nếu Tổng thống Donald Trump chọn áp dụng mức thuế quan mới, “lúc đó ‘thỏa thuận giai đoạn một’ sẽ đơn giản là bị ném ra ngoài cửa sổ”.

Tổng thống Donald Trump nói chuyện với hai BTV thời sự là ông Bret Baier và bà Martha MacCallum trên chương trình Virtual Town Hall, bên trong Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, vào ngày 3/5/2020. (Oliver Contreras-Pool/Getty Images)
Tổng thống Donald Trump nói chuyện với hai BTV thời sự là ông Bret Baier và bà Martha MacCallum trên chương trình Virtual Town Hall, bên trong Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, vào ngày 3/5/2020. (Oliver Contreras-Pool/Getty Images)

‘Sự trừng phạt cuối cùng’

Chính quyền Trump gần đây đã sử dụng một “giọng điệu gay gắt hơn” khi đưa ra những lời chỉ trích về cách thức xử lý ban đầu của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Và một số người tin rằng ông Trump có thể sẽ hành động kịp thời nhằm chống lại Bắc Kinh trước khi cuộc bầu cử diễn ra, trong bối cảnh rất nhiều lời kêu gọi của các quan chức Đảng Cộng hòa yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nghiệm.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc việc áp đặt mức thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh.

“Chà, đó chính là sự trừng phạt cuối cùng”, ông phát biểu vào ngày 3/5 trong chương trình “Virtual Town Hall” của đài Fox News. Ngoài mức thuế quan này, ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về “kế hoạch trả đũa” của mình.

Ông trả lời: “Tôi không muốn nói thêm về việc này. Bởi vì, mọi người biết đấy, chúng ta đều đang chơi trong một ván cờ vô cùng phức tạp”.

Tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ “kết liễu” thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu như Bắc Kinh thất hứa: “Giờ thì họ buộc phải mua hàng, và nếu họ không mua, chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận. Rất đơn giản”.

Vào ngày hôm sau, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Steven Mnuchin, cảnh báo Bắc Kinh về “những hậu quả nghiêm trọng” vì đã không tôn trọng thỏa thuận thương mại.

Ông phát biểu với đài Fox News: “Tôi có mọi lý do để mong đợi họ sẽ tôn trọng thỏa thuận này. Và nếu họ không thể, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng trong mối quan hệ hai bên, và cả đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như về cách mà người ta sẽ làm việc với họ”.

Theo ông Matthew Luzzetti, chuyên viên kinh tế cấp cao của Hoa Kỳ tại Ngân Hàng Deutsche, rất có khả năng chiến tranh thương mại sẽ xảy ra một lần nữa, và điều này đang tạo ra rất nhiều bất ổn cho các doanh nghiệp. Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ thất bại trong việc thực hiện lời hứa của mình.

Trong một báo cáo nghiên cứu, ông viết: “Từ những quan sát của chúng tôi, các điều khoản trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có hiệu lực vào đầu năm nay sẽ không thể được tiến hành, do sự sụp đổ toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế… Tuy nhiên, điều này có thể dễ dàng dẫn đến một tranh chấp thương mại khác, đặc biệt là khi mà chúng ta đang tiến tới cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới”.

Trao đổi mua bán nông sản giữa hai bên

Ngành nông nghiệp Hoa Kỳ chính là tâm điểm của “thỏa thuận thương mại giai đoạn một”, khi nông dân Hoa Kỳ là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong việc tranh chấp thuế quan với Trung Quốc. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu nông sản (ngoài Bắc Mỹ) lớn nhất của Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã đưa ra thỏa thuận này vào năm 2019. Ông nói: “Thực sự chưa bao giờ có một thỏa thuận mua bán tầm cỡ lớn như thế này dành cho nông dân Hoa Kỳ”. Ông đề xuất nông dân cần “mua thêm đất [và] những chiếc máy kéo lớn hơn”.

Theo ông Jason Grant, giám đốc của Trung tâm Thương mại Nông nghiệp thuộc Đại học Virginia Tech, dữ liệu thương mại quý đầu tiên cho thấy xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ đến Trung Quốc sẽ ở mức thấp hơn so với giá trị năm 2017.

Ông phát biểu với The Epoch Times rằng: “Tính từ đầu năm đến tháng 3/2020, lượng mua hàng nông sản từ Mỹ của Trung Quốc dừng ở mức 5,08 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 118,4 nghìn tỷ VND), thấp hơn giá trị cùng kỳ năm 2017 là 9,09 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 211,8 nghìn tỷ VND).

Thỏa thuận thương mại này yêu cầu phía Trung Quốc phải tăng lượng mua hàng hóa từ Hoa Kỳ, cụ thể là từ mức cơ bản 24 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 563 nghìn tỷ VND - số liệu năm 2017), tăng thêm 12,5 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 293 nghìn tỷ VND) trong năm nay, và tăng tiếp 19,5 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 457 nghìn tỷ VND) vào năm 2021.

Ông Grant cho rằng mục tiêu được đặt ra trong thỏa thuận không hề quá tham vọng. Ông cho biết: “Hãy nghĩ đến thị trường đậu nành ở Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu đậu nành trị giá từ 35 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 821 nghìn tỷ VND) đến 38 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 891 nghìn tỷ VND) trong 1 năm. Chỉ cần [mua bán] một mặt hàng thôi đã có thể chiếm một nửa mức tăng bổ sung được quy định trong thỏa thuận”.

Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng yếu tố mùa màng cũng là nhân tố ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản.

Ông nói: “Phần lớn các giao dịch thương mại nông sản của chúng ta rơi vào mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 12. Các bạn sẽ để ý thấy rằng các lô hàng nhập khẩu đều tập trung vào quý 3 và quý 4, và đó mới là lúc chúng ta biết được liệu Trung Quốc có thể giữ lời hứa hay không”.

Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã không hồi đáp lại các yêu cầu bình luận về tiến độ của Trung Quốc trong việc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc vẫn chưa tôn trọng các cam kết thương mại với Hoa Kỳ