Triều Tiên công nhận độc lập 2 vùng ly khai phía Đông Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tiên ngày 13/7 công nhận hai “nước cộng hòa nhân dân” ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập, một thủ lĩnh của phe ly khai và một hãng thông tấn nhà nước Nga cho hay.

Như vậy, Triều Tiên trở thành quốc gia thứ ba sau Nga và Syria công nhận hai thực thể ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tại vùng Donbas của Ukraine.

Theo tin nhắn trên Telegram, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Denis Pushilin, nói ông hy vọng về “sự hợp tác hiệu quả” và tăng cường thương mại với Triều Tiên, một quốc gia bị cô lập, có vũ khí hạt nhân, cách xa hơn 6.500 km.

"Sáng nay, chúng tôi đã có cuộc gặp với Đại sứ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và bà ấy đã nhận được công hàm công nhận nền độc lập của Triều Tiên", một quan chức ngoại giao Triều Tiên tại Moscow nói với tờ RIA Novosti hôm 13/7.

Tòa đại sứ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tại Moscow đăng một bức ảnh trên kênh Telegram của họ chụp cảnh một buổi lễ, trong đó đại sứ Triều Tiên tại Moscow, Sin Hong-chol, trao bằng công nhận cho đặc sứ của DPR, Olga Makeyeva.

“Các bên nhất trí thực hiện các bước tiếp theo để thiết lập quan hệ ngoại giao" tuyên bố của Đại sứ quán Triều Tiên cho hay. Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk, ông Denis Pushilin cảm ơn Bình Nhưỡng vì “sự ủng hộ đối với người dân Donbass”.

Hãng thông tấn TASS của Nga sau đó đưa tin tòa đại sứ Triều Tiên tại Moscow xác nhận đã công nhận nền độc lập của cả hai thực thể trên vào ngày 13/7.

Ukraine ngay lập tức cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng vì động thái này.

Một số cư dân Donetsk sống tại “nước cộng hòa” tự xưng này hoan nghênh động thái của Triều Tiên.

“Tất nhiên là tôi rất vui”, bà Olga nói, người từ chối cho biết họ tên đầy đủ. “Hãy để nhiều nước công nhận chúng tôi, để mọi người biết chúng tôi đang ở đây".

Bà Anastasia, người cũng từ chối cho biết họ của mình, nói với tờ Reuters rằng càng có nhiều quốc gia công nhận các thực thể này, Kyiv càng ít có cơ hội giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ mà phe ly khai do Nga hậu thuẫn và lực lượng vũ trang Nga đã chiếm giữ. “Từng bước chúng tôi đang tham gia vào sân khấu thế giới", bà nói.

Nga biện minh cho quyết định phát động cuộc chiến mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Đồng thời Moscow nói rằng họ đang bảo vệ những người nói tiếng Nga sống ở đó khỏi “nạn diệt chủng”.

Kyiv và phương Tây nói Nga viện cớ để tiến hành chiến tranh và chiếm đoạt các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Triều Tiên trước đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Cũng trong năm này, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk do phe ly khai lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine và nhận được sự ủng hộ của Moscow.

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Đây được cho là một động thái bị Kyiv và phương Tây lên án là bất hợp pháp. Chỉ ba ngày sau, Moscow phát động chiến dịch tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa". Lực lượng Nga đặt mục tiêu "giải phóng" Donbass và đã kiểm soát Lugansk.

Các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ đã được ký kết với các nhà lãnh đạo của cả hai nước Cộng hoà này. Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với cả hai vùng ly khai vào ngày 22/2/2022.

Một số quốc gia như Belarus, Nicaragua, Sudan và Venezuela, chưa công nhận độc lập các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, nhưng tuyên bố ủng hộ về quyết định công nhận của Nga.

Tháng 4/2019, ông Kim Jong-un đã gặp ông Putin tại thành phố Vladivostok, vùng viễn đông Nga. Vào dịp kỷ niệm ba năm cuộc gặp thượng đỉnh này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh "ngay cả khi đối mặt với thách thức và sức ép từ Mỹ, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow vẫn tiếp tục phát triển và vững mạnh".

Hồi tháng 5/2022, Nga bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn các nước áp thêm trừng phạt với Triều Tiên.

Huyền Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên công nhận độc lập 2 vùng ly khai phía Đông Ukraine