Triều Tiên phóng thử tên lửa IRBM uy lực nhất kể từ năm 2017

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (31/1), theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 (IRBM) vào ngày 30/1. Đây là lần đầu tiên một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ này được phóng kể từ năm 2017.

Các nhà phân tích cho biết, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa lớn nhất kể từ năm 2017 vào hôm Chủ nhật (30/1), sau khi các chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc báo cáo về một vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng tên lửa uy lực nhất kể từ 2017

Hội đồng Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, vụ thử vũ khí nghi là tên lửa diễn ra vào 7:52 sáng (giờ địa phương) từ tỉnh Jagang (Triều Tiên) ra khu vực biển phía đông nước này. Đây là vụ thử tên lửa thứ 7 của Triều Tiên chỉ trong tháng 1/2022.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phát biểu trong một cuộc họp trên truyền hình cho biết, tên lửa di chuyển về hướng đông, vượt qua quãng đường khoảng 800 km, đạt độ cao 2.000 km và bay trong 30 phút, trước khi rơi xuống khu vực biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

IRBM thông thường có tầm bay từ 965 tới 5.632 km, trong khi ICBM có tầm bay vượt 5.362 km.

Ông Hirokazu Matsuno cũng nhấn mạnh vụ phóng mới nhất của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Dựa trên những thông tin này, Bình Nhưỡng có lẽ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) đầu tiên sau gần 5 năm, theo AFP. Lần gần đây nhất Triều Tiên tiến hành vụ thử tương tự là vào năm 2017. Khi ấy, tên lửa Hwasong-12 bay được 787 km và đạt độ cao tối đa hơn 2.111 km.

Triều Tiên đã không thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc vũ khí hạt nhân tầm xa nhất kể từ năm 2017, nhưng các nhà cầm quyền nước này đề nghị sẽ khởi động lại các hoạt động đó trong tháng này.

Theo KCNA, cuộc thử nghiệm được tiến hành với mục đích kiểm tra chọn lọc tên lửa đạn đạo tầm xa tầm trung đối đất đối đất Hwasong-12 và xác minh độ chính xác tổng thể của hệ thống vũ khí này. Trước đó, Triều Tiên từng cho biết Hwasong-12 có thể mang một "đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn".

Không rõ liệu IRBM như Hwasong-12 có được đưa vào lệnh cấm năm 2018 hay không, nhưng chúng cũng đã không được thử nghiệm kể từ năm 2017.

Năm 2018, Triều Tiên đã thử nghiệm Hwasong-12 ít nhất sáu lần, trong đó, ba lần thành công và 3 lần thất bại. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là hai lần trong các vụ thử đó, Triều Tiên đã phóng tên lửa qua đảo Hokkaido, phía bắc Nhật.

Đối với cuộc thử nghiệm ngày 30/1, Triều Tiên cho biết họ đã bắn tên lửa theo quỹ đạo bay trên cao "vì đã tính đến sự an toàn của các nước láng giềng".

Tỉnh Jagang được cho là nơi thực hiện hai vụ phóng "tên lửa siêu thanh" trong tháng này.

Phản ứng của quốc tế

Trước ngày 30/1, Triều Tiên đã thử 6 tên lửa từ đầu năm 2022, bao gồm ít nhất 9 tên lửa các loại, từ tên lửa đạn đạo, hành trình đến tên lửa bội siêu thanh, theo tuyên bố của nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định vào ngày 30/1, vụ phóng này đưa Triều Tiên tiến một bước gần hơn đến việc chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất của nước này.

Ông Moon cũng lưu ý rằng, các vụ thử tên lửa trong tháng này gợi nhớ đến căng thẳng gia tăng vào năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa lớn nhất của họ, trong đó có một số tên lửa bay qua Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Kim cho biết ông không còn bị lệnh cấm đó ràng buộc. Được công bố vào năm 2018 trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang và các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được tiến hành, lệnh cấm bao gồm việc ngừng các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên tháng này ám chỉ rằng họ có thể nối lại các hoạt động thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa vì cáo buộc Mỹ và đồng minh không có động thái nào thể hiện là sẽ từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

Sau vụ phóng vật thể bay hôm 30/1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ “lên án những hành động này và kêu gọi Triều Tiên ngừng các động thái gây gia tăng bất ổn”.

“Bất kể đó là IRBM hay ICBM, đây là một loại tên lửa chiến lược và rõ ràng là không giống với các cuộc thử nghiệm nào trước đó trong loạt thử nghiệm diễn ra trong tháng 1/2022 cho đến nay”, chuyên gia George William Herbert tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến nhận định.

Vụ phóng có thể khiến tháng 1 trở thành tháng bận rộn nhất từ ​​trước đến nay đối với chương trình tên lửa của Triều Tiên, mà các nhà phân tích cho rằng đang mở rộng và phát triển các khả năng mới bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này.

Vụ thử diễn ra chưa đầy một tuần trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh, đối tác kinh tế và chính trị chính của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ bỏ qua Thế vận hội vì đại dịch COVID-19 và “các thế lực thù địch”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phóng thử tên lửa IRBM uy lực nhất kể từ năm 2017