Triều Tiên phong tỏa khu tập thể của Quân đoàn 8 sau khi 1 thượng sĩ tử vong nghi do nhiễm COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến nay, chính quyền ông Kim Jong Un vẫn khẳng định rằng Triều Tiên chưa có ca nhiễm COVID-19 nào. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng đồng thời cảnh báo công chúng cảnh giác với COVID-19 trong mùa đông năm nay. Gần đây, có thông tin rằng Quân đoàn 8 của Triều Tiên, đóng tại Ryongsal-li, huyện Yomju, tỉnh Pyongan Bắc, đã báo cáo một lượng lớn các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm virus, toàn bộ khu nhà tập thể đã bị phong tỏa.

Vào ngày 8/11, theo kênh truyền thông Hàn Quốc "Daily NK", một nguồn tin từ tỉnh Pyongan Bắc đã tiết lộ vào ngày 3/11 rằng vụ việc có thể bắt nguồn từ giữa tháng 9 khi một thượng sĩ họ Ju bị đưa đến bệnh xá của sở chỉ huy Quân đoàn 8, nhưng người này đột ngột qua đời 10 ngày sau đó.

Bộ phận an ninh của Quân đoàn ngay lập tức mở một cuộc điều tra nội bộ về cái chết không rõ nguyên nhân. Theo báo cáo, họ đã rất tức giận khi biết Ju đã vi phạm các quy định liên quan về kiểm dịch khẩn cấp của quốc gia.

Theo kết quả điều tra, vào đầu tháng 9, mặc dù thời điểm đó việc đi lại bị hạn chế nhưng Ju vẫn đi thuyền buồm bằng gỗ ra ngoài đánh cá. Vài ngày sau khi trở lại quân đội theo mệnh lệnh, Ju phải nhập viện vì sốt và chết không lâu sau đó. Vào thời điểm đó, các nhà chức trách quân sự cho rằng do Ju đã “tiếp xúc với thế giới bên ngoài” và bị sốt cao, anh ta có thể đã bị nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, vấn đề không kết thúc ở đó, những người tiếp xúc với Ju cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của COVID-19, khiến Quân đoàn 8 phải thiết lập tình trạng khẩn cấp ngay lập tức.

Nguồn tin cho biết, 5 y tá và một số bác sĩ quân y của Quân đoàn 8 xuất hiện triệu chứng và đã bị cách ly ngay lập tức. Sau khi biết rằng họ có lịch sử hoạt động trong khu nhà tập thể của căn cứ, sự việc đã trở thành một vấn đề lớn hơn.

Quân đoàn 8 đã triển khai thêm các trạm kiểm dịch ở tất cả các lối ra và các con đường ở Ryongsal-li. Theo báo cáo, kể từ ngày 29/9, toàn bộ khu dân cư của căn cứ Quân đoàn 8 đã rơi vào trạng thái phong tỏa, và các nhà chức trách quân sự có kế hoạch duy trì trạng thái này đến ngày 18/11, đồng thời chú ý hơn đến diễn biến của các trường hợp bị nghi ngờ khác.

Nguồn tin cho biết, đây là lần đầu tiên toàn quân đoàn, ngay cả nhà của chỉ huy cũng bị phong tỏa. Do bị phong tỏa, Quân đoàn 8 gặp khó khăn đáng kể trong việc chuẩn bị cho huấn luyện và cho mùa đông, nhưng họ đã quyết định kết thúc trạng thái phong tỏa này trước khi bắt đầu đợt huấn luyện mùa đông (ý chỉ ngày 1/12).

Ngoài ra, Quân đoàn 8 đã cách ly các sĩ quan và binh sĩ có tiếp xúc với Ju trong các cơ sở bệnh viện được chỉ định. Quân đoàn cũng bắt đầu xét nghiệm binh lính theo từng tiểu đoàn. Theo nguồn tin, các chỉ huy cũng đốt chiếc thuyền buồm mà Ju từng đi.

Ngày mùng 4/11, Triều Tiên cũng tăng cường các biện pháp phòng chống virus COVID-19 vào mùa đông. Tờ báo đảng "Rodong Sinmun" của Đảng Lao động Triều Tiên cũng kêu gọi công chúng cảnh giác với đại dịch này, thậm chí còn cảnh báo rằng virus có thể lây nhiễm qua "tuyết rơi" và cần hết sức cẩn thận.

Dịch bệnh đến từ biển? Sự lo sợ của ông Kim Jong Un khiến ngư dân khốn đốn

Trước khi bùng phát COVID-19, một lượng lớn tàu đánh cá của Triều Tiên đang đánh bắt ở Biển Hoa Đông. Chỉ riêng năm 2019, số tàu đánh cá Triều Tiên bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cảnh cáo là 1.308 tàu, nhưng từ năm 2020 các tàu này cũng dần biến mất khỏi vùng biển trên. Theo tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng COVID-19 có thể được truyền qua đường nước biển hoặc đường buôn lậu, do đó, ngư dân hoàn toàn bị cấm ra biển đánh bắt. Động thái này khiến ngư dân khốn đốn.

Tổng biên tập "Daily NK Japan", ông Ko Young-ki, trích dẫn nguồn tin cho biết, sau khi ông Kim Jong Un ra lệnh cấm ra khơi, nhiều ngư dân sống dựa vào biển rất khốn khó và không còn cách nào để duy trì kế sinh nhai. Vì lâu ngày không đi biển nên cá biển ngày càng nhiều, đồng thời thủy sản nuôi trồng cũng bị mục nát dần do không có người quản lý, chăm sóc. Ngư dân dù xót xa nhưng vẫn không dám phản kháng lệnh cấm của chính quyền.

Ổ dịch 16 người trong cuộc duyệt binh phải nhập viện

Theo truyền thông Hàn Quốc dẫn lời từ nguồn tin nội bộ tại Bình Nhưỡng, ngày 9/9, 16 sinh viên từ 30 đến 40 tuổi đang theo học tại Đại học Phòng vệ dân sự bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tương tự COVID-19, bao gồm sốt cao, nôn mửa và khó thở, sau khi tham gia cuộc diễu binh kỷ niệm 73 năm ngày thành lập chính phủ. Trên thực tế, có thể thấy qua những bức ảnh do nhà chức trách Triều Tiên công bố, hầu như không có ai đeo khẩu trang trong ngày duyệt binh.

Đại học Phòng thủ dân sự của Triều Tiên không giống với các trường đại học thông thường, hầu hết sinh viên của trường là những người đã lập gia đình trên 30 tuổi. Trường đại học này nằm ở khu Ryongsong, ngoại ô Bình Nhưỡng, chủ yếu là cơ sở giáo dục đào tạo đội huấn luyện thuộc tổ chức bán quân sự và những người chỉ huy phòng thủ dân sự. Thông tin cho biết, các sinh viên được đưa đến bệnh viện điều trị đã bị sốt nhẹ trước khi cuộc duyệt binh được tổ chức vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, nhà trường cho rằng đó là do trước đó các sinh viên được yêu cầu diễn tập dưới trời mưa to nên họ mới bị cảm, nên nhà trường cũng không báo cáo sự việc với ban chỉ huy duyệt binh.

Sau đó, nhà trường yêu cầu các sinh viên bị “cảm” uống thuốc và tiếp tục tham gia diễu binh. Tuy nhiên, các triệu chứng của họ tiếp tục xấu đi, cuối cùng phải báo cáo sự việc với Ủy ban Phòng chống dịch khẩn cấp của trung ương. Sau khi nhận được thông báo, Ủy ban đã lập tức cử xe cứu thương của Bệnh viện số 1 và số 2 đưa các bệnh nhân đến thành phố Anju ở tỉnh Pyongan Nam để cách ly và điều trị.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phong tỏa khu tập thể của Quân đoàn 8 sau khi 1 thượng sĩ tử vong nghi do nhiễm COVID-19