Triều Tiên phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo liên lục địa ra biển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản, vào thứ Sáu (18/11), Triều Tiên có vẻ đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa tầm ngắn và cảnh báo về những phản ứng quân sự “quyết liệt” hơn đối việc Mỹ tăng cường hiện diện an ninh trong khu vực.

Trong một tuyên bố hôm 18/11, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên có thể đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra vùng biển phía đông nước này hôm 18/11.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ICBM vào khoảng 10:14 sáng từ khu vực ven biển phía tây và bay về phía vùng biển phía đông nước này. Trong khi đó, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho biết, tên lửa có khả năng đã rơi xuống vùng biển cách đảo Hokkaido khoảng 210 km về phía tây.

ICBM là vũ khí tầm xa nhất của Triều Tiên và được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân tới bất kỳ địa điểm nào trên lục địa Hoa Kỳ. Chúng có tầm bắn tối thiểu khoảng 5.500 km (3.400 dặm), trong đó, một số tên lửa có thể di chuyển trên 10.000 km (6.200 dặm).

Vụ việc diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông nước này. Vụ phóng mới nhất diễn ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành các hành động quân sự “dữ dội hơn” đối với Mỹ, nếu nước này còn tiếp tục thực hiện cam kết an ninh để bảo vệ các đồng minh của Washington trong khu vực.

Lời đe dọa chính thức của Triều Tiên đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và nhà lãnh đạo Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp nhau vào ngày 13/11 tại Campuchia. Tại đây, cả ba nhà lãnh đạo đã lên án mạnh mẽ các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng và nhất trí hợp tác để tăng cường khả năng răn đe đối với Triều Tiên.

Trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng ngày, Tổng thống Biden đã “tái khẳng định cam kết cung cấp khả năng răn đe mở rộng của Mỹ đối với [Hàn Quốc] bằng cách sử dụng toàn bộ khả năng phòng thủ của Mỹ, bao gồm khả năng phòng thủ hạt nhân, phòng thủ thông thường và phòng thủ tên lửa. Đồng thời, ông nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc tăng cường hơn nữa khả năng răn đe khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân [của Triều Tiên]”, theo một tuyên bố từ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ở giữa) gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia, hôm 13/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Triều Tiên cho rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực là bằng chứng cho thấy sự thù địch của Washington đối với nước này. Bình Nhưỡng cũng thừa nhận rằng, một loạt vụ phóng tên lửa gần đây của họ là phản ứng đối với các cuộc tập trận quân sự khiêu khích giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo kỷ lục trong năm nay, bao gồm cả tên lửa tầm ngắn và ICBM. Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 "mẫu mới" trong vụ thử ngày 24/3, đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng thử ICBM từ năm 2017.

Mỹ và các đồng minh đã bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị nối lại vụ thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Tổng thống Hàn Quốc gần đây nhấn mạnh rằng, Triều Tiên đã hoàn thành tất cả các bước chuẩn bị kỹ thuật cần thiết cho một vụ nổ dưới lòng đất tại bãi thử Punggye-ri, nơi đã chính thức đóng cửa từ năm 2018. Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân ở bãi thử này từ năm 2006 đến 2017.

Triều Tiên sở hữu một bãi thử hạt nhân ở Punggye-ri, một thị trấn ở phía đông bắc nước này. Chính quyền ông Kim Jong Un đã phá hủy địa điểm này vào tháng 5/2018 để chứng minh cho cam kết chấm dứt thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng tình báo Hàn Quốc và Hoa Kỳ hồi đầu năm nay đã phát hiện ra nhiều công trình đã được xây dựng xung quanh bãi thử này.

Cựu Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng nhau đi bộ về phía nam Đường phân giới quân sự phân chia hai miền Bắc và Nam Triều Tiên vào ngày 30/6/2019. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Kể từ tháng 2/2019, các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm thúc đẩy Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa, bao gồm cả việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đã bị đình trệ. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump không thể đi đến một thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo liên lục địa ra biển