Trong lúc ĐCSTQ lo lắng về Đài Loan, Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quân sự

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để đối phó với một cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan, Philippines và Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác quân sự, trong đó có việc tăng quân số tham gia các cuộc tập trận chung Balikatan vào năm tới lên 16.000 quân.

Tờ Financial Times ngày 24/9 dẫn lời Đại tá Michael Logico, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Liên hợp của quân đội Philippines cho hay, Mỹ và Philippines sẽ cử 16.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung Balikatan vào năm tới. Đây là cuộc diễn tập quân sự song phương hàng năm giữa hai quốc gia.

Ông Logico cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times: “Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc tập trận toàn diện để hoạt động cùng nhau, bao gồm cả ở phía bắc Luzon”. Eo biển Luzon là một eo biển nằm giữa đảo Đài Loan và Luzon của Philippines. Eo biển này nối giữa Biển Philippines và Biển Đông.

Tại các cuộc hội đàm quốc phòng song phương thường niên do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức ở Hawaii vào tuần tới, các nhà lãnh đạo quân sự sẽ thảo luận về hơn 500 hoạt động song phương trong năm tới, tăng so với con số 300 của năm nay.

ĐCSTQ lo lắng về việc Đài Loan để mắt tới Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino sẽ tổ chức cuộc họp chung đầu tiên vào thứ Năm tới (29/9), tờ Bloomberg đưa tin.

Hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã khiến các quan chức cấp cao của Philippines tìm cách phục hồi liên minh của nước này với Hoa Kỳ. Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng làm suy yếu liên minh Hoa Kỳ-Philippines khi xoay trục sang Trung Quốc và Nga.

Hôm 22/9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Marcos và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau lần đầu tiên. Ông Biden cho biết mối quan hệ giữa hai nước có nguồn gốc rất "sâu xa".

"Chúng tôi từng có một số thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây là một mối quan hệ quan trọng", Tổng thống Mỹ nói, theo tờ Financial Times.

Nếu eo biển Đài Loan nổ ra chiến tranh, Philippines sẽ ở vị trí địa lý trọng yếu

Chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nói với Financial Times rằng, "Ngày càng có nhiều sự công nhận về vai trò của Philippines trước tình hình ở Đài Loan".

Ông Poling nói: “Quý vị đang bắt đầu nhận thấy sự đồng thuận trong chính phủ Philippines. Nước này thực sự cần làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ".

Tờ Financial Times đưa tin, Tướng Emmanuel Bautista, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cho biết: "Chúng tôi là đồng minh của Hoa Kỳ, chúng tôi đang ở một vị trí chiến lược. Chúng tôi thân thiết đến mức, nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Đài Loan, chúng tôi sẽ tham gia".

Vào tháng 11/2021, năm quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Canada sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung ở Biển Philippines để răn đe ĐCSTQ. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/The Epoch Times)

Chỉ vào các tuyến đường thủy nối Biển Đông và Thái Bình Dương qua Philippines - chẳng hạn như kênh Bashi ở phía bắc và đường Sibutu ở phía nam - ông Bautista cho biết, Philippines là "địa hình then chốt" trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Bởi vì việc kiểm soát được tuyến đường này sẽ mang lại cho một trong hai bên lợi thế rõ rệt so với đối thủ của mình, ông nhận định.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hải quân Philippines đã sử dụng các tuyến đường biển xung quanh nước này để giành quyền tiếp cận chủ chốt trong các trận hải chiến.

Ông Bautista nói thêm: “Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn chiếm lấy Philippines nhằm kiểm soát các điểm tắc nghẽn và tiếp cận Đài Loan” trong trường hợp xảy ra xung đột.

“Đối với Hoa Kỳ, đó là quyền tiếp cận để tiếp tế cho Đài Loan, còn Trung Quốc thì muốn ngăn chặn điều đó", ông cho hay.

Điểm đáng chú ý là các hòn đảo ở eo biển Bashi, nơi có điểm cực bắc chỉ cách Đài Loan 120 km.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan bay cùng máy bay ném bom H-6K của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) ở tây Thái Bình Dương, một trong những máy bay quân sự Trung Quốc được cho là đã bay qua Kênh Bashi và eo biển Miyako gần chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản trên sáng ngày 11/5/2018. (Ảnh do Không quân Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan phát hành)
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan bay cùng máy bay ném bom H-6K của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) ở tây Thái Bình Dương. Một trong những máy bay quân sự Trung Quốc được cho là đã bay qua Kênh Bashi và eo biển Miyako gần chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản sáng ngày 11/5/2018. (Ảnh do Không quân Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan phát hành)

Mỹ coi Philippines là điểm tựa hậu cần và là địa điểm tập kết

Tờ Financial Times đưa tin, bà Lisa Curtis, chuyên gia về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Châu Mỹ Mới (CNAS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết, Philippines "lo ngại về việc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ". Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra xung đột ở eo biển Đài Loan, chính quyền mới của ông Marcos sẽ tỏ ra thực tế trước những yêu cầu của Washington.

"Washington gần như chắc chắn sẽ coi Manila là nơi hỗ trợ hậu cần và địa điểm tập kết lực lượng. Đó là lý do tại sao việc Mỹ và Philippines tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao là rất quan trọng", bà Curtis nói và đề cập đến thỏa thuận song phương năm 2014, một thỏa thuận mà việc thực thi đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.

Hoa Kỳ và Philippines có Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ (MDT) đối với Biển Đông và nhiều hiệp định khác, bao gồm Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) vào năm 2014. Mỹ và Philippines thường xuyên thảo luận về việc tăng cường liên minh an ninh và tổ chức cuộc tập trận quân sự Balikatan hàng năm.

Vào tháng 11 năm ngoái, hai nước cho biết họ sẽ khám phá các địa điểm bổ sung, có thể cho phép quân đội Mỹ hiện diện luân phiên. Các chuyên gia hiểu rằng, động thái này có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ có quyền tiếp cận các căn cứ trên quần đảo.

Tờ Nikkei Asia ngày 05/9 dẫn lời Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết, Philippines có thể để Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự nếu xảy ra xung đột tại Đài Loan, với điều kiện nó “quan trọng với an ninh của Philippines”.

Ông Romualdez cho biết Philippines đang đàm phán với Hoa Kỳ để tăng số lượng các căn cứ quân sự có sẵn cho Washington.

“Không ai muốn có chiến tranh hay đối đầu theo bất cứ kiểu nào. Chúng tôi muốn 2 nước trên giảm căng thẳng bằng cách đối thoại nhiều hơn và cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề này, vì nó nằm trong khu vực của chúng tôi”, ông trả lời phỏng vấn trên Nikkei Asia.

ĐCSTQ cũng đang để mắt đến các đảo chiến lược của Philippines

Quân đội Philippines cho biết, một công ty Trung Quốc đã cố gắng giành quyền kiểm soát đảo Fuga, phía bắc Luzon, cho một dự án phát triển vào năm 2019. Tuy nhiên, ý định này đã nhanh chóng bị quân đội Philippines ngăn chặn.

Ông nói rằng đảo Fuga không mang lại ích lợi gì cho Trung Quốc, ngoài việc ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát hòn đảo này vì vấn đề Đài Loan.

Một số quan chức quân sự đương nhiệm và tiền nhiệm của Philippines cho hay, vị trí địa lý của nước này sẽ là hành lang thích hợp nhất để quân đội Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan trong thời chiến.

Các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng ngày càng lo ngại rằng một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ gây ra rủi ro cho họ. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường tham vấn, lập kế hoạch và tập trận với Hoa Kỳ liên quan đến tình hình ở eo biển Đài Loan.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trong lúc ĐCSTQ lo lắng về Đài Loan, Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quân sự