Trung Quốc bị cáo buộc đang tìm cách 'nhấn chìm' thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã xuất hiện những lo ngại xung quanh việc tuyên truyền của Trung Quốc lan tràn trên các quốc đảo Thái Bình Dương mà không được kiểm soát sẽ gieo rắc nghi ngờ và khuấy động tâm trạng bất an về các liên minh an ninh của Úc.

Theo một báo cáo mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Trung Quốc đang cố vẽ một bức tranh tiêu cực về liên minh AUKUS ba bên giữa Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Báo cáo chỉ ra rằng, Trung Quốc đã thất bại khi vừa cố gắng vận động sự ủng hộ đối với các thỏa thuận an ninh của chính nước này trong khu vực và vừa khuấy động nhận thức tiêu cực về liên minh AUKUS.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện các hoạt động thông tin phối hợp ở các quốc đảo Thái Bình Dương", theo báo cáo.

"Các hoạt động này nhằm gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa chính trị, diễn ngôn công khai và ý thức chính trị liên quan đến quan hệ đối tác hiện có với các nền dân chủ phương Tây".

Theo báo cáo, Trung Quốc đang tận dụng các sự kiện hiện tại như việc ký kết hiệp định AUKUS và các cuộc họp Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để tiến hành kế hoạch gây ảnh hưởng tới các quốc đảo này.

"Trong khi các quốc đảo ở Thái Bình Dương đang trong quá trình ra quyết định về kinh tế, chính trị và an ninh, ĐCSTQ đã đặt mục tiêu xây dựng một khu vực Thái Bình Dương... tự động coi Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu”, báo cáo cho hay.

“ĐCSTQ cũng mong muốn thúc đẩy toàn thế giới chấp nhận các quy tắc có lợi cho hệ thống độc tài của họ, cũng như các hành động mà Bắc Kinh gây bất lợi cho các chuẩn mực và quan hệ đối tác dân chủ đương thời".

Trong khi đó, chính phủ liên bang Mỹ có kế hoạch công bố lộ trình mua tàu ngầm hạt nhân thông qua liên minh AUKUS vào giữa tháng 3.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã tuyên bố rằng các tàu ngầm mới sẽ là "mối quan hệ đối tác thực sự giữa cả ba quốc gia", lặp lại thuật ngữ của những người tiền nhiệm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Cùng với đó, các đối tác phương Tây cũng đang được khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan truyền thông và tổ chức an ninh ở Thái Bình Dương để chống lại chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch từ Bắc Kinh.

Báo cáo cho biết: “[Việc các đối tác phương Tây hợp tác chặt chẽ hơn] sẽ lật tẩy một số luận điệu của ĐCSTQ liên quan đến sự hỗ trợ và tính hợp pháp của phương Tây trong khu vực”.

Báo cáo cũng khuyến nghị phương Tây nên hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực để chống lại các nỗ lực tà ác và sự can thiệp của nước ngoài, cũng như khuyến khích các quốc gia Thái Bình Dương thông qua một thỏa thuận đàm phán truyền thông tương tự như của Úc để các cơ quan truyền thông có thể hưởng lợi từ nguồn doanh thu độc lập.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã sử dụng ngân sách mới nhất của mình để yêu cầu Quốc hội gia hạn khoản mở rộng sản xuất tàu ngầm trị giá 751 triệu USD ở Mỹ, bao gồm một yêu cầu cụ thể để hỗ trợ thỏa thuận AUKUS với Úc và Anh, theo tờ Financial Review.

Ngân sách năm 2024 của chính quyền ông Biden bao gồm việc tiếp tục “tái cấp vốn và tối ưu hóa bốn nhà máy đóng tàu hải quân công cộng để đáp ứng các yêu cầu bảo dưỡng tàu ngầm và tàu sân bay trong tương lai”.

Úc nhấn mạnh tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc

Ông Anthony Albanese đã bác bỏ những chỉ trích của Trung Quốc về việc Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tuyên bố rằng nước này có thể củng cố quân đội trong khi tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Úc tuyên bố rằng không có gì là nghịch lý khi Úc đầu tư vào một hạm đội trang thiết bị hải quân tiên tiến đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác.

Ông nói với các phóng viên ở New Delhi: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng các tài sản quốc phòng của Úc là tốt nhất có thể”.

"Đồng thời, chúng tôi phải thiết lập các mối quan hệ. Chúng tôi đang làm điều đó trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chúng tôi vừa tăng cường mối quan hệ của mình với Trung Quốc”.

Hô 13/3, ông Albanese đã có cuộc gặp mặt với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở San Diego để tiết lộ kế hoạch của Úc mua một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.

Trong một cuộc họp báo ở San Diego diễn ra ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với hai người đồng cấp Úc và Anh thông báo rằng Washington sẽ bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên. Thông điệp gửi tới Trung Quốc qua động thái này là rất rõ ràng: Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ vẫn tự do và rộng mở.

Phản ứng trước sự việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc liên minh AUKUS phá vỡ hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh lỗi thời và quan điểm bên được bên mất, đồng thời tôn trọng trách nhiệm quốc tế một cách thiện chí và làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”, bà nói thêm.

Trong khi thông tin chi tiết chưa được xác nhận, thỏa thuận AUKUS dự kiến sẽ liên quan đến việc Úc mua tới 5 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ, các tàu còn lại sẽ kết hợp thiết kế của Anh với công nghệ của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles mô tả đây là "bước tiến lớn nhất về năng lực quân sự của Úc kể từ khi kết thúc Thế chiến II”.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bị cáo buộc đang tìm cách 'nhấn chìm' thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân