Trung Quốc bị chặt đứt nguồn cung năng lượng nếu khai chiến với Mỹ và Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng thể hiện tham vọng bành trướng, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng nếu gây chiến thì Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng nguồn cung năng lượng và tình hình sẽ rất bất lợi.

Gần đây, ĐCSTQ đi gây hấn tứ phía, không chỉ xung đột với quân đội Ấn Độ ở biên giới Trung-Ấn, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, mà còn xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan nhiều lần. Tính đến ngày 28/9, máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm phạm không phận Đài Loan trong 13 ngày liên tục và bị Không quân Đài Loan xua đuổi.

ĐCSTQ và Nhật Bản cũng tiếp tục có tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku). Theo thống kê của quân đội Nhật Bản, trong năm 2019, số ngày Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản lên tới 282 ngày, tổng số tàu được xác nhận là 1.097 tàu và số lần cất cánh khẩn cấp để đối phó với sự xâm phạm không phận của máy bay quân sự Trung Quốc là 675 lần. Vào tháng Bảy năm nay, tàu chiến Trung Quốc cũng đối đầu với tàu chiến Úc khi Úc đang tham gia tập trận chung với Mỹ.

Cùng với căng thẳng giữa ĐCSTQ và các nước láng giềng ngày càng leo thang, chiến tranh dường như có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tờ Thời báo Âu-Á (The EurAsian Times) của Ấn Độ nhận định hôm 28/9 rằng, ĐCSTQ hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào eo biển Malacca để giao thương hàng hải. Một khi Trung Quốc khai chiến với Hoa Kỳ, Ấn Độ và các quốc gia khác, con đường thương mại này có thể dễ dàng bị chặn lại và không dễ gì mà tìm được giải pháp thay thế. Điều này cũng khiến ĐCSTQ không đủ khả năng để tiến hành một cuộc chiến toàn diện đa phương diện.

Một khi khai chiến, eo biển Malacca có thể bị phong tỏa

Eo biển Malacca là trung tâm hàng hải quan trọng giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương, và là một trong những eo biển bận rộn nhất trên thế giới. (HERO LANG / AFP / Getty Images)
Eo biển Malacca là trung tâm hàng hải quan trọng giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương, và là một trong những eo biển bận rộn nhất trên thế giới. (HERO LANG / AFP / Getty Images)

Theo EurAsian Times, eo biển Malacca (Strait of Malacca) là một tuyến đường thủy quan trọng nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Có khoảng 84.000 lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm và thực hiện hơn 30% thương mại hàng hải toàn cầu. Khoảng 80% khối lượng thương mại dầu mỏ của Trung Quốc phải thông qua con đường giao thông vận tải này, do đó nếu kiểm soát được eo biển Malacca thì nguồn cung năng lượng của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào tháng Sáu năm nay, các cuộc đụng độ bạo lực ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, và căng thẳng leo thang nhanh chóng.

Tờ EurAsia Times chỉ ra rằng, sau xung đột ở thung lũng Galwan, hải quân Ấn Độ đã nhanh chóng triển khai tàu chiến ở Biển Đông và eo biển Malacca, đe dọa phong tỏa eo biển trọng yếu này. Việc triển khai quân sự này cho phép chính phủ Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với ĐCSTQ. Ấn Độ cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar, căn cứ quân sự này nằm ở lối ra của eo biển Malacca, vậy nên có thể chặn tuyến đường vận tải đường thủy của Trung Quốc tại Malacca khi cần thiết.

Đồng thời, trật tự ở eo biển Malacca đã được quân đội Mỹ duy trì trong một thời gian dài, với khoảng 12.000 lính Mỹ được triển khai tại khu vực này. Singapore ở cuối phía đông của eo biển cũng là một đồng minh bản địa quan trọng của quân đội Mỹ, căn cứ Changi có thể hỗ trợ hậu cần cho hạm đội tàu sân bay Mỹ, quân đội Mỹ đóng tại đây trên các tàu tác chiến ven biển để duy trì an ninh hàng hải.

Thái Lan ngừng xây dựng kênh đào Kra

Bài báo chỉ ra rằng, Bắc Kinh nhận thức được điểm yếu của họ khi phải phụ thuộc vào eo biển Malacca nên đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một lựa chọn là xây dựng kênh đào Kra ở Thái Lan để thay thế eo biển Malacca.

Kênh đào Kra là một phần trong kế hoạch “Con đường Tơ lụa trên biển” của ĐCSTQ và là một phần quan trọng của dự án “Một vành đai, một con đường”. Con kênh dài 120 km này dự kiến đi qua phần hẹp nhất của Bán đảo Mã Lai, tiết kiệm khoảng 1.000 km hành trình giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời cung cấp một tuyến đường thủy khác cho ĐCSTQ.

"Các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng kênh đào cho phép các tàu chở dầu của Trung Quốc có thể không cần đi qua eo biển Malacca mà Mỹ đang 'kiểm soát', và có thể tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc", ông Ian Storey - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết trong một bài bình luận.

Trong quá khứ, Thái Lan luôn là một đồng minh quan trọng của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây thái độ của Thái Lan đối với ĐCSTQ ngày càng trở nên thận trọng hơn.

Vào đầu tháng Chín, trước sự phản đối quyết liệt của phe đối lập và công chúng Thái Lan, nhà cầm quyền ở Thái không những phải ngừng mua hai tàu ngầm của Trung Quốc mà còn phải chấm dứt dự án xây dựng kênh đào do ĐCSTQ đứng đầu. Phe đối lập Thái Lan chỉ ra rằng, nếu con kênh được xây dựng, nó sẽ làm thay đổi tình hình kinh tế và phá hoại nền độc lập của các nước như Myanmar và Campuchia. Những nước này có khả năng tài chính tương đối yếu và rất dễ bị ĐCSTQ can thiệp.

Hiện tại, chính quyền Thái Lan đã gác lại dự án Kênh đào Kra, thay thế bằng một đề xuất khác và mời các nước trong diễn đàn chiến lược “Đối thoại An ninh Bộ tứ” Quad (bao gồm Ấn Độ, Úc, Mỹ, Nhật) tham gia vào dự án.

EurAsia Times cho biết, Thái Lan hiện đã quyết định ngừng xây dựng kênh đào Kra, và có kế hoạch phát triển hai cảng nước sâu ở hai bên eo đất Kra, sau đó kết nối chúng bằng đường bộ và đường sắt, nhằm thay thế kênh đào Kra bằng một ‘cây cầu đất liền’ (Land bridge) dài 100 km. Chính phủ Thái Lan cũng đã phê duyệt khoản ngân sách 2,4 triệu USD để xác định tính khả thi của dự án.

Điều này không chỉ ngăn cản ĐCSTQ giải quyết “Thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca”, mà dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Ấn Độ, ĐCSTQ cũng dần mất quyền kiểm soát đối với Thái Lan.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan dễ bị Ấn Độ cắt đứt

Hình ảnh chụp biệt kích thủy quân lục chiến Ấn Độ huấn luyện ở Mumbai. (PUNIT PARANJPE / AFP qua Getty Images)
Hình ảnh chụp biệt kích thủy quân lục chiến Ấn Độ huấn luyện ở Mumbai. (PUNIT PARANJPE / AFP qua Getty Images)

Sau khi thất bại trong việc tìm kiếm các tuyến hàng hải thay thế, Bắc Kinh cũng cố gắng sử dụng kế hoạch Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) làm tuyến đường thay thế.

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan cũng là kế hoạch đầu tàu của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ, nhằm xây dựng đường cao tốc, vận tải đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt nối Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương với cảng Gwadar của Pakistan.

Mặc dù kế hoạch này có thể mở ra một tuyến đường thương mại mới cho các khu vực nội địa phía Tây Trung Quốc, cũng có thể trực tiếp nối đến Trung Đông giàu năng lượng, nhưng EurAsian Times chỉ ra rằng đây là một tuyến đường đi qua khu vực Kashmir – khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan. Nếu nổ ra chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc hoặc giữa Ấn Độ và Pakistan, tuyến CPEC có thể bị tấn công trực diện, một lần nữa khiến con đường cung ứng năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn hỗn loạn.

Theo EurAsia Times, ĐCSTQ đã đầu tư tới 60 tỷ đô-la Mỹ vào các dự án CPEC. Do đó, Ấn Độ có thể đe dọa đến tuyến đường cung ứng này và lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu thông qua cảng Gwadar thì vẫn cần phải vận chuyển bằng đường biển, vậy nên cả đường biển và đường bộ đều có thể bị tấn công.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bị chặt đứt nguồn cung năng lượng nếu khai chiến với Mỹ và Ấn Độ