Trung Quốc chỉ là 'con hổ giấy' khi quan chức Mỹ - Trung ‘lời qua tiếng lại’ về vấn đề Đài Loan?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã tuyên bố tại 'Đối thoại Shangri-La' ở Singapore hôm 4/6 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời ngấm ngầm chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Giới học giả cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng “chiến lược hai mặt” để xử lý quan hệ Mỹ - Trung. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục tung ra những thông điệp cứng rắn về quân sự với Mỹ. Mặt khác Bắc Kinh vẫn chừa chỗ cho các cuộc đối thoại ngoại giao và mềm mỏng.

Mỹ - Trung ‘lời qua tiếng lại’ về vấn đề Đài Loan

Đài BBC tiếng Trung đưa tin, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á lần thứ 20, thường được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapore trong ba ngày liên tiếp bắt đầu từ ngày 2/6. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có cuộc khẩu chiến gay gắt.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trình bày rất dài về lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan, đồng thời tuyên bố rằng "Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc". Các đại diện khác của Trung Quốc cũng lặp lại điệp khúc này.

Bên cạnh đó, ông Lý Thượng Phúc cũng ngầm chỉ trích Mỹ, cho rằng "một số nước cố ý can thiệp vào công việc nội bộ và các vấn đề trong khu vực của các quốc gia khác”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động "hung hăng" của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Austin, Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột hay đối đầu, nhưng sẽ không lùi bước trước sự bắt nạt và cưỡng ép.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết sâu sắc trong việc duy trì hiện trạng ở Eo biển Đài Loan, nhất quán với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi và các nghĩa vụ của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình để tăng cường năng lực tự vệ trước sự cưỡng ép và bắt nạt”.

Từ những "lời qua tiếng lại” giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, có thể thấy rõ sự khác biệt về lập trường giữa hai nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Trung ương (CNA) hôm 7/6, ông Vương Hồng Văn (Wang Hongren), Giáo sư khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University) của Đài Loan, cho biết, từ bài phát biểu của ông Lý Thượng Phúc, không khó để nhận ra rằng ĐCSTQ vẫn mong đợi Mỹ và Trung Quốc mở ra một kiểu tương tác “nước lớn”. Tuy nhiên, rõ ràng Hoa Kỳ đã “phớt lờ” điều này trong các cuộc họp bên lề Đối thoại Shangri-La.

Ông Vương Hồng Văn nhìn nhận rằng Bắc Kinh đang theo đuổi “chiến lược hai mặt” trong việc giải quyết quan hệ Mỹ - Trung: một mặt tiếp tục gửi tín hiệu quân sự cứng rắn tới Mỹ, mặt khác tạo điều kiện cho ngoại giao linh hoạt, cho phép Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc.

Cả hai bên dự kiến ​​sẽ duy trì sức mạnh ngoại giao và quân sự này, một lập trường chặt chẽ nhưng mang tính ngoại giao.

Ông Lu Xinji, Trợ lý Giáo sư tại Viện Chính trị Quốc tế của Đại Học Quốc Lập Trung Hưng (National Chung Hsing University - NCHU) của Đài Loan, nhận định rằng, cách các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung bày tỏ lập trường của họ tại Đối thoại Shangri-La thực chất là “nói với chính người dân của họ”.

Ông nhận định rằng hiện tại, Mỹ - Trung chưa có nhu cầu cấp thiết về đối thoại để đối phó với các cuộc khủng hoảng như thay đổi tình hình chính trị trong nước hoặc thay đổi chính sách đối ngoại. Do đó, có thể thấy hai nước vẫn tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn và những tuyên bố này ít nhiều cũng đã được đề cập trong quá khứ, nhưng điểm mấu chốt là cả hai bên vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Tương lai nào cho quan hệ Mỹ - Trung?

Theo ông Chen Bingda, phó Giáo sư Khoa Ngoại giao của Đại Học Quốc Lập Chính Trị Đài Loan, khả năng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng, điều này sẽ đẩy nhanh dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc đại lục.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Yu Luowen tin rằng ĐCSTQ chỉ cứng rắn bề ngoài, và cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại hơn nữa cho nền kinh tế của Bắc Kinh và châm ngòi cho một làn sóng di cư mới từ đại lục.

Ông Yu Luowen nhận định rằng: "ĐCSTQ là một con hổ giấy và họ không thể đánh bại Hoa Kỳ. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, trong khi chính phủ nước này đang thắt chặt chính trị. Vì vậy, nhiều cá nhân nhạy cảm sẽ thấy rất lo lắng. Người có tiền thì tìm mọi cách để trốn sang Mỹ hoặc các nước khác, ai muốn quay lại thời Cách mạng Văn hóa hay sống như người dân Triều Tiên chứ?".

Đề cập đến tương lai của quan hệ Mỹ - Trung, ông Lin Yanhong, Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Đài Loan, nói với đài CNR rằng "chìa khóa vẫn nằm trong tay Mỹ".

Ông lập luận rằng, Mỹ hiện có tâm lý “vắng mợ chợ vẫn đông”, nghĩa là nếu Bắc Kinh không đối thoại với Washington cũng chẳng sao, bởi vì Mỹ vẫn còn rất nhiều đối tác khác.

Ông Lin Yanhong thì nhìn nhận rằng bất kể Mỹ - Trung có ngồi vào bàn đối thoại hay không, thì Mỹ vẫn sẽ theo dõi “nhất cử nhất động” Trung Quốc, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì quyền tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan.

Thậm chí ông tin rằng ngay cả khi Mỹ - Trung nối lại đối thoại trong tương lai, thì Hoa Kỳ vẫn sẽ cảnh báo Trung Quốc rằng an ninh và ổn định của Eo biển Đài Loan là điều tối quan trọng, và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lặp lại giọng điệu cũ: lập trường của hai nước là hai đường thẳng song song. Tuy nhiên, ông Lin Yanhong cho rằng ĐCSTQ sẽ không thay đổi hành vi hung hăng của mình đối với Đài Loan, bất kể Mỹ - Trung có nối lại đối thoại hay không.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chỉ là 'con hổ giấy' khi quan chức Mỹ - Trung ‘lời qua tiếng lại’ về vấn đề Đài Loan?