Trung Quốc đưa máy bay chống ngầm KQ-200 tới Trường Sa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc triển khai máy bay KQ-200 của Trung Quốc ở Trường Sa là để chống lại lực lượng tàu ngầm của Việt Nam và các nước Đông Nam Á?

Theo trang tin Đa Chiều (tiếng Trung) ngày 21/4, Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự ở Biển Đông sau khi thành lập các quận huyện mới và tăng cường hoạt động thăm dò tài nguyên ở đây.

Thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai loại máy bay tuần tra chống ngầm kiểu mới trên đảo nhân tạo mà họ bồi đắp từ đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều này có thể tăng cường khả năng khống chế khu vực của quân đội Trung Quốc.

Hình ảnh vệ tinh do công ty vệ tinh ISI của Israel chụp vào ngày 10/4 cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay tuần tra chống ngầm có tên KQ-200 (hay Không Tiềm-200) trên đá Chữ Thập, một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa. Hình ảnh cho thấy một chiếc KQ-200 đang đậu trên sân đỗ và một chiếc khác nằm trong nhà chứa máy bay, chỉ có phần đầu máy bay được lộ ra.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay tuần tra KQ-200 tại bãi Đá Chữ Thập (Ảnh: ISI).
Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay tuần tra KQ-200 tại bãi Đá Chữ Thập (Ảnh: ISI).

ISI cho biết: “Căng thẳng an ninh ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng, Trung Quốc dường như đang tăng thêm số lượng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. Báo cáo tình báo của ISI cho thấy một chiếc máy bay đặc nhiệm KQ-200 ASW đậu trên đường băng ở bãi Đá Chữ Thập trong một cuộc huấn luyện.”

Máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 là một trong những phương tiện chống ngầm và quản lý tuần tra trên biển quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc. Nó được phát triển trên cơ sở ba loại máy bay vận tải Yun-8, Yun-9 trong dự án “Cao tân” (Công nghệ cao).

Máy bay được trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm tổng hợp, hệ thống phát hiện bao gồm máy dò từ loại lớn, phao sonar, radar tìm kiếm mặt nước, khoang quang điện và hệ thống trinh sát điện tử. Máy bay có hành trình lên tới 5.000 km, có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ và khu vực biển tuần tra có thể bao phủ hàng trăm nghìn km2.

KQ-200 có hai khoang bom và có thể mang theo nhiều loại vũ khí (Ảnh: Toutiao)
KQ-200 có hai khoang bom và có thể mang theo nhiều loại vũ khí (Ảnh: Toutiao)

KQ-200 cũng có khả năng tấn công mạnh mẽ với hai khoang bom, có thể mang các loại vũ khí như ngư lôi chống ngầm, thủy lôi, tên lửa chống hạm, bom chìm nước sâu...Hiện các thông số kỹ thuật của KQ-200 còn được Trung Quốc giữ bí mật.

Hiện nay, KQ-200 được triển khai ở đá Chữ Thập có thể nhằm mấy mục đích:

  • Một là để tìm kiếm tàu ngầm, bởi vì ở vùng nước sâu quanh quần đảo Trường Sa có cả tàu ngầm của Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều là mối uy hiếp của các tàu Trung Quốc.
  • Thứ hai là dùng vào mục đích tuần tra. Hiện tại, tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và Mỹ rất căng thẳng, máy bay KQ-200 có thể giúp cung cấp trước các thông tin liên quan.

Trang Đa Chiều nhận xét, việc tăng cường quân sự hóa Biển Đông, cụ thể là triển khai máy bay KQ-200 trên đá Chữ Thập chắc chắn sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các láng giềng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn làm và sẽ có thêm các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong giai đoạn tới với lý do “để bảo vệ sự an toàn của tuyến giao thông đường thủy và phát triển năng lượng”.

Sơ đồ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông. (Ảnh: AMTI)
Sơ đồ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông. (Ảnh: AMTI)

Hôm 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng nói rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ "thực thi mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi tại Biển Đông."

Các nhà quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc đang tranh thủ gia tăng các hoạt động ở Biển Đông khi các nước trong khu vực và Hoa Kỳ đang bận ứng phó với dịch viêm phổi Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Hoa Kỳ hôm 19/4 đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc không thực hiện các hành vi “bắt nạt” ở Biển Đông. Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng lên án mạnh mẽ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân của Việt Nam trong vùng biển Quảng Ngãi vào ngày 2/4.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đưa máy bay chống ngầm KQ-200 tới Trường Sa