Nhà Trắng: Trung Quốc không thể giúp nổi Nga khỏi các lệnh cấm vận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Trắng khẳng định Mỹ có "công cụ" nếu Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga mà quốc tế đang áp đặt.

Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Jen Psaki, khẳng định, chỉ nhờ vào Trung Quốc thì Nga sẽ không chống đỡ nổi lệnh cấm vận của phương Tây. Bà Jen Psaki đưa ra câu trả lời sau khi có câu hỏi về khả năng Nga và Trung Quốc sẽ thắt chặt mối quan hệ sau khi phương Tây gia tăng cấm vận.

"Trên mặt trận kinh tế thì thực tế là, chỉ một mình G7 đã chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu, trong khi Nga và Trung Quốc chỉ có khoảng 15%. Vì vậy, nhờ vào Trung Quốc thì Nga không thể cáng đáng được ảnh hưởng của cấm vận. Điều đó là bất khả thi", bà Psaki nhấn mạnh.

Theo bà Psaki, hiện tại Trung Quốc cũng phải tuân thủ theo những lệnh cấm vận đã được áp đặt và Mỹ có đối sách nếu Bắc Kinh không tuân thủ.

"Nếu họ không tuân thủ theo cấm vận, chúng ta sẽ luôn luôn - các bạn biết đó, rõ ràng chúng ta có công cụ để tiến hành các bước đi, nhưng đó là những gì chúng ta thấy ở thời điểm này", bà Psaki nói.

Liên quan tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, người phát ngôn của Nhà Trắng nhận định, hai nước đã thắt chặt quan hệ từ trước khi chiến dịch quân sự tại Ukraine khởi phát.

Bà Psaki tái khẳng định: "Nhưng liên quan tới mối quan hệ kinh tế thì không có cách nào, nếu chỉ đơn thuần dựa vào chỗ đứng của họ trên thị trường kinh doanh, Trung Quốc có thể bù đắp được ảnh hưởng từ cấm vận của G7 và các nước khác".

Trước đó, hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga "vững như bàn thạch". "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào".

Đồng RUB mất giá kỷ lục

Theo Bloomberg, trước những lo ngại nền kinh tế Nga sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận dầu, giá trị đồng RUB đã giảm thêm 10% và tiến xuống mức thấp kỷ lục.

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét cấm vận dầu thô từ Nga, tỷ giá hối đoái của RUB so với USD bật lên mức 136,5 đổi 1. Trước khi Nga tiến hành các chiến dịch ở Ukraine, tỷ giá này chỉ ở ngưỡng 80 RUB đổi 1 USD.

“Lệnh cấm này có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Việc giá dầu tăng sẽ chỉ xoa dịu bớt nỗi đau từ các lệnh trừng phạt trước đó. Kinh tế Nga sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề”, Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index, lưu ý.

Nga dừng giao dịch ngoại hối, cấm xuất nhập khẩu một số mặt hàng

Ngày 9/3, Ngân hàng trung ương Nga thông báo sẽ ngừng giao dịch ngoại hối đến ngày 9/9.

Theo thông báo, từ ngày 9/3 đến 9/9, các ngân hàng tại Nga sẽ không được phép bán ngoại tệ cho người dân, tuy nhiên, người Nga vẫn có thể đổi từ ngoại tệ sang đồng ruble.

Đồng thời, người dân cũng bị giới hạn rút tiền mặt từ các tài khoản ngoại khối ở ngân hàng Nga ở mức 10.000 USD đến ngày 9/9.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Moscow đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn của phương Tây, đặc biệt là các biện pháp liên quan tới ngân hàng trung ương và các thể chế tài chính lớn.

Tổng thống Nga Putin mới ra sắc lệnh hạn chế hoặc cấm xuất/nhập khẩu một số mặt hàng và nguyên liệu thô từ Nga trong năm 2022, nhằm đảm bảo an ninh.

Mỹ và EU tăng cường trừng phạt Nga

Cấm nhập dầu mỏ từ Nga

Tối 8/3, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva tấn công Ukraine.

Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.

Trước đó, các nước phương Tây cũng đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này.

Trừng phạt tài chính, ngân hàng

7 ngân hàng của Nga đã bị EU, Anh, Mỹ và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - một mạng lưới an ninh cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán ở 200 quốc gia. EU tuyên bố sẽ ngăn những ngân hàng này hoạt động trên thế giới và cản trở hiệu quả các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu của Nga.

Mỹ và các nước EU thông báo cấm các tổ chức tài chính của Nga, ví dụ như Ngân hàng Trung ương Nga, thực hiện các giao dịch bằng đồng USD. Anh tuyên bô đóng băng toàn bộ tài sản đối với các ngân hàng Nga. Các lệnh cấm này để ngăn Nga tiếp cận và bán ra khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này.

Các biện pháp trừng phạt khiến đồng Ruble rơi xuống mức thấp kỷ lục. Nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh mới cấm người dân chuyển tiền ra nước ngoài.

Cấm vận hàng không

Để trừng phạt Nga, EU đã thông báo bất kỳ máy bay nào do các hãng hàng không Nga vận hành sẽ bị cấm hạ cánh, cất cánh từ lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Mỹ và Canada cũng áp đặt biện pháp tương tự.

Đóng băng tài sản

Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt 20 cá nhân và công ty ở Belarus, trong đó có 2 ngân hàng sở hữu nhà nước lớn của Belarus, 9 công ty quốc phòng cùng nhiều quan chức. Tại châu Âu, Đức và Pháp ra quy định tịch thu tài sản của nhiều quan chức, tỷ phú và công dân Nga.

Ngừng cung cấp dịch vụ

Hàng loạt công ty đa quốc gia bắt đầu thông báo về việc đình chỉ, chấm dứt công việc tại Nga, bao gồm Apple, Intel, Microsoft, Nike, H&M, Volvo… IKEA cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Nga từ ngày 4/3/2022.



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng: Trung Quốc không thể giúp nổi Nga khỏi các lệnh cấm vận