Trung Quốc: Lệnh cấm TikTok là 'lạm dụng quyền lực nhà nước'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã lên án về lệnh cấm TikTok của Mỹ, nói rằng Washington đã ‘lạm dụng quyền lực nhà nước’ để chèn ép các công ty nước ngoài, sau khi Nhà Trắng 'ra tối hậu thư' yêu cầu các cơ quan chính phủ xoá TikTok khỏi mọi thiết bị trong 30 ngày.

Hãng tin BBC đưa tin, trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (28/2), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang "mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty của các nước khác".

"Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó. Chính phủ Hoa Kỳ nên tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, ngừng đàn áp các công ty, cũng như cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài tại Hoa Kỳ”.

Phản ứng trước sự bất an của Washington, bà Mao Ninh đã ‘khích tướng’ khi nói rằng: "Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, có thể không tự tin đến mức nào khi sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ đến mức độ như vậy?".

Bà Mao đưa ra phát biểu trên 1 ngày sau khi Nhà Trắng cho các cơ quan liên bang thời hạn 30 ngày để xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp với lý do đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ.

Các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại về ứng dụng chia sẻ video phổ biến - thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance - trong những tháng gần đây.

Do đó, Quốc hội Mỹ và hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp vì những lo ngại về an ninh mạng.

TikTok được 2/3 thanh thiếu niên Mỹ sử dụng, nhưng Washington lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng quyền hạn pháp lý và quy định của mình để lấy dữ liệu cá nhân của người dùng hoặc cố gắng truyền bá thông tin sai lệch hoặc có lợi cho Trung Quốc, theo hãng tin Sky News.

Trong khi đó, TikTok là một trong nhiều vấn đề góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia.

Trước đó, Washington và Bắc Kinh đang bất hòa về vô số vấn đề, bao gồm thương mại, chip máy tính và các công nghệ khác, an ninh quốc gia và Đài Loan, cùng với việc một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Mỹ bị phát hiện và bị bắn hạ hồi đầu tháng này.

Canada và Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cấm TikTok trên tất cả các thiết bị phục vụ công việc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng khi chính phủ thực hiện một bước quan trọng là nói với tất cả nhân viên liên bang rằng họ không thể sử dụng TikTok trên điện thoại cơ quan nữa, nhiều người Canada từ doanh nghiệp đến cá nhân sẽ cân nhắc về việc bảo mật dữ liệu của chính họ, từ đó họ sẽ đưa ra lựa chọn khôn ngoan hơn".

Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã thi hành lệnh cấm đối với nhiều nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin nước ngoài như YouTube, Twitter, Facebook và Instagram.

Việc chính phủ Canada bất ngờ ban hành lệnh cấm khiến TikTok không khỏi “tò mò". TikTok cho hay chính phủ Canada chưa hề liên hệ và trao đổi với công ty này, và không hề đưa ra bất kỳ khiếu nại rủi ro nào. Đồng thời TikTok nói rằng các chính phủ đang tự cắt đứt mình khỏi một nền tảng được hàng triệu người yêu thích.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với chính phủ Canada để cùng tìm ra phương án bảo vệ thông tin cá nhân tốt nhất cho người dân Canada. Tuy nhiên việc cô lập TikTok sẽ không mang đến bất kỳ lợi ích chung nào cả, mà sẽ chỉ khiến những viên chức chính phủ Canada hụt hẫng khi mất đi quyền tiếp cận đến một nền tảng mạng xã hội được hàng triệu người Canada yêu mến”, phát ngôn viên của TikTok bày tỏ với tờ The Epoch Times.

Trước Canada, chính phủ liên bang của 28 tiểu bang Hoa Kỳ cũng đã ban hành lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công. Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ cũng đưa ra lệnh cấm tương tự đối với các thiết bị quân sự.

Hội đồng Liên minh châu Âu cũng đã yêu cầu tất cả nhân viên gỡ TikTok khỏi các thiết bị và điện thoại công, với lý do bảo toàn an ninh mạng.

Một phát ngôn viên của TikTok nói với đài BBC rằng các lệnh cấm TikTok đã được thông qua "mà không có bất kỳ sự cân nhắc nào" và "chẳng khác gì một màn kịch chính trị".

Hôm 25/1, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã công bố “Dự luật cấm TikTok trên các thiết bị của Hoa Kỳ” nhằm cấm tải xuống ứng dụng của Trung Quốc trên tất cả các thiết bị của Hoa Kỳ, đồng thời cấm tất cả các giao dịch thương mại với ByteDance, công ty mẹ của TikTok.

Dân biểu Ken Buck cũng đệ trình một dự luật đồng hành tại Hạ viện Mỹ.

Trong những tháng gần đây, hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã chuyển sang cấm ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Bên cạnh đó, hàng chục trường học và đại học ở Hoa Kỳ cũng chuyển sang cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị hệ thống, gần đây nhất là tiểu bang Maine và Đại học Wisconsin.

Thượng nghị sĩ Hawley cho biết trong một tuyên bố: “TikTok đặt ra mối đe dọa đối với tất cả người Mỹ đã cài đặt ứng dụng này trên thiết bị của họ. Nó mở ra cơ hội cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy cập thông tin cá nhân, [thu thập dữ liệu] tổ hợp phím và vị trí của người dùng Mỹ thông qua việc thu thập dữ liệu [người dùng]. Cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ là một bước đi đúng hướng, nhưng giờ là lúc cấm ứng dụng này trên phạm vi toàn quốc để bảo vệ người dân Mỹ".

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Lệnh cấm TikTok là 'lạm dụng quyền lực nhà nước'