Trung Quốc lôi kéo đồng minh ở Thái Bình Dương: Solomon đã ‘về tay’, Micronesia kế tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã lôi kéo được Quần đảo Solomon (ở Nam Thái Bình Dương) ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ, và đang ráo riết thúc đẩy Nhà nước Liên bang Micronesia (một đảo quốc ở Thái Bình Dương) chấm dứt một hiệp ước quan trọng đã ký kết với Hoa Kỳ.

Hôm 25/03, Quần đảo Solomon xác nhận họ đang soạn thảo một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ mất một đồng minh quan trọng ở một khu vực quan trọng trên bản đồ thế giới, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ có được một căn cứ quân sự mới ở nước ngoài; trong khi Úc bị đặt vào tình trạng báo động bởi Trung Quốc có thể sẽ sớm hiện diện ở sân sau của họ.

Quan hệ đối tác chiến lược với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho phép Honiara, thủ phủ của quần đảo Solomon, kêu gọi sự trợ giúp của cảnh sát hoặc quân sự từ Bắc Kinh. Mối quan hệ này cũng mang đến cho Solomon những hứa hẹn về phát triển kinh tế, mở rộng thương mại, và tăng cường các dịch vụ hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, người dân trên Quần đảo Solomon có vẻ không ưa gì Trung Quốc. Năm 2006, những người biểu tình đã đốt phá Khu Phố Tàu ở Honiara. Họ cáo buộc các doanh nghiệp có liên hệ với Trung Quốc đã gian lận trong một cuộc tổng tuyển cử.

Năm 2019, Honiara cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Năm 2021, tình trạng bất ổn lại bùng phát, một phần được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ của người dân trước việc chính phủ Solomon từ bỏ Đài Loan. Người dân bày tỏ sự bất bình khi đất nước của họ trở nên thân thiết với Bắc Kinh. Những người biểu tình sau đó đã cướp phá và đốt các cơ sở kinh doanh do Trung Quốc làm chủ.

Cuối cùng, lực lượng gìn giữ hòa bình và quân cảnh Úc đã được gọi đến để khôi phục trật tự. Lần tới, đó có thể là PLA. Dự thảo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Solomons cho phép PLA “bảo vệ sự an toàn của người Trung Quốc và các dự án lớn… [và] giữ gìn trật tự xã hội”.

Mỹ - Trung giằng co ở khu vực Thái Bình Dương

Việc quần đảo Solomon ‘rơi vào tay’ ĐCSTQ thể hiện sự đổ vỡ trong giao kết của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã tập trung nhiều vào Bộ tứ - một quan hệ đối tác an ninh giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm kiềm chế ĐCSTQ.

Tuy nhiên, tất cả 18 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương đều được coi là các quốc gia đang phát triển ngoại trừ Úc và New Zealand. Trung Quốc đang dễ dàng lôi kéo các quốc gia đang phát triển bằng cách cung cấp viện trợ, đầu tư và cho vay.

Mỹ đã nhận ra rằng để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực, Washington cần phải tăng cường hợp tác trực tiếp với các quốc đảo Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt đúng với những quốc gia mà ĐCSTQ muốn thiết lập các căn cứ quân sự của PLA.

Là một phần của viện trợ và đầu tư, ĐCSTQ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở các quốc gia này. Các quan chức an ninh Mỹ đã cảnh báo rằng đường băng và cơ sở hàng không do Trung Quốc xây dựng hoặc mở rộng trong khu vực có thể sẽ để cho PLA sử dụng.

Trong nỗ lực xoay trục của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm nước Cộng hòa Fiji vào hôm 12/02 và tổ chức một hội nghị với 18 nhà lãnh đạo từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Fiji trong gần 40 năm.

Tại hội nghị, ông Blinken thông báo rằng Mỹ có kế hoạch mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon. Đại sứ quán đã bị đóng cửa từ năm 1993. Tuy nhiên, động thái này là quá ít và quá muộn màng để ngăn Quần đảo Solomon trượt vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Và Liên bang Micronesia - một đồng minh khác của Mỹ - đang đứng trước nguy cơ tương tự.

Trận chiến giành Micronesia

Ngày 31/03, đài ABC của Úc đưa tin Micronesia đã yêu cầu Quần đảo Solomon xem xét lại hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Tổng thống Micronesia David Panuelo nói rằng người dân Micronesia là bạn của Trung Quốc, nhưng họ cũng là đồng minh của Mỹ.

Với việc hai cường quốc ngày càng mâu thuẫn, quyết định đơn phương của Quần đảo Solomon là “chưa từng có”. Ông Panuelo bày tỏ lo sợ rằng những thỏa thuận như vậy có thể chia cắt các quốc đảo Thái Bình Dương thành các phe đối nghịch và hành động theo yêu cầu của cường quốc tương ứng.

Mặc dù có dân số chỉ hơn 100.000 người, Micronesia là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong việc duy trì quyền bá chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Micronesia bao gồm hơn 600 hòn đảo trải dài hơn 1 triệu dặm vuông ở Thái Bình Dương. Quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược đối với Indonesia, Papua New Guinea, Guam, Marianas, Nauru, quần đảo Marshall, Palau và Philippines.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Micronesia được thiết lập bởi Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo hiệp ước, Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Micronesia; đổi lại, Mỹ được độc quyền đóng quân và đặt tài sản quân sự trong vùng lãnh thổ này. Micronesia nhận hỗ trợ kinh tế từ Mỹ; công dân Micronesia có thể dễ dàng tham gia quân đội Mỹ, nhập cư hoặc làm việc tại Mỹ.

Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã cố gắng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua đầu tư và quyền lực mềm. Ngoài vị trí chiến lược, mỗi quốc gia thuộc Quần đảo Thái Bình Dương có được một phiếu bầu tại Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh tin rằng họ có thể mua lòng trung thành và phiếu bầu của các quốc gia này với giá rẻ vì các quốc gia này nhỏ và kém phát triển.

Các nước Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc bao gồm: Kiribati, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tonga và Vanuatu. Micronesia, quốc gia đã công nhận Trung Quốc chứ không phải Đài Loan, là mục tiêu tiếp theo của ĐCSTQ trong nỗ lực loại bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực.

Trung Quốc đã cung cấp cho Micronesia 100 triệu USD viện trợ kể từ năm 1990. ĐCSTQ tài trợ xây dựng các tổ hợp chính phủ, trung tâm hội nghị và cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2017, Micronesia trở thành thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI).

COFA sẽ hết hạn vào năm 2023, tạo cơ hội cho ĐCSTQ có được một thỏa thuận thay thế với Micronesia. Dưới thời chính phủ của ông Trump, Mỹ và Micronesia đã đàm phán gia hạn thỏa thuận vào năm 2019. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị tạm dừng vì đại dịch COVID-19.

Việc gia hạn COFA, nếu thành công, có thể không hoàn toàn loại bỏ ĐCSTQ ra khỏi khu vực. Tiểu Bang Chuuk, một thành viên của Micronesia nằm rất gần lãnh thổ Guam của Mỹ, đã nhận được nhiều viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Kể từ năm 2015, Chuuk đã 3 lần lên kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về độc lập nhưng không thực hiện được.

Gần đây nhất, vào tháng 3, Chuuk có ý định bỏ phiếu về việc có nên rời Liên bang Micronesia hay không; tuy nhiên, đã không có cuộc bỏ phiếu nào diễn ra, và không có ngày cụ thể nào được ấn định. Nếu Chuuk rời khỏi Micronesia, khu vực này có quyền tự do ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là PLA sẽ có thể thiết lập một căn cứ tại đây.

Việc để mất quần đảo Solomon vào tay ĐCSTQ là lời cảnh tỉnh cho chính phủ của ông Biden. Mất Micronesia sẽ là một thảm họa và nước Mỹ cần phải thực hiện các bước để ngăn chặn điều này. Mỹ cần tăng cường can dự vào các quốc đảo Thái Bình Dương, đồng thời cung cấp viện trợ kinh tế; nếu không, ĐCSTQ sẽ thế chân Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lôi kéo đồng minh ở Thái Bình Dương: Solomon đã ‘về tay’, Micronesia kế tiếp