Trung Quốc sử dụng ngoại giao ‘chiến lang’ giám sát các công việc đối ngoại ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng cách thức ngày càng hung hăng và đối đầu trong những năm gần đây nhằm bảo vệ lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cựu đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan Lưu Quang Nguyên gần đây đã được Bắc Kinh bổ nhiệm làm Đặc ủy viên tại Hong Kong, thay thế ông Tạ Phong, người sẽ là thứ trưởng ngoại giao mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Lưu trong vai trò mới sẽ tiếp tục “chống lại áp lực và lệnh trừng phạt từ bên ngoài” với tư cách là một quan chức hàng đầu của ĐCSTQ tại đặc khu.

Một vị trí được thiết lập đặc biệt trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đặc ủy viên tại Hong Kong chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề đối ngoại liên quan đến Hong Kong.

Theo trang web chính thức của Đặc ủy viên Hong Kong, ông Lưu đã phục vụ trong Bộ Ngoại giao từ năm 1986. Ông từng là phó tổng lãnh sự của ĐCSTQ tại San Francisco từ năm 2000 đến năm 2002, là Bộ trưởng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2010, đại diện của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và đại diện thường trực cho Chương trình nhân cư của Liên hợp quốc từ năm 2010 đến năm 2014, Vụ trưởng Vụ An ninh đối ngoại của Bộ Ngoại giao từ năm 2014 đến năm 2018, và Đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan từ 2018 đến 2021.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng cách thức ngày càng hung hăng và đối đầu trong những năm gần đây nhằm bảo vệ lợi ích của ĐCSTQ. Kiểu cách này được gọi là “Ngoại giao chiến lang”, được mô phỏng theo bộ phim Chiến binh Sói nổi tiếng nhằm tôn vinh ĐCSTQ và tinh thần chiến đấu của ĐCSTQ. Ông Lưu được biết đến là một trong những nhà ngoại giao “chiến lang” năng nổ nhất.

Trong nhiệm kỳ làm đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan, ông Lưu thường xuyên lên tiếng bảo vệ cách thức ĐCSTQ xử lý đại dịch COVID-19 và các chương trình 5G của Trung Quốc trước sự chỉ trích từ Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan Georgette Mosbacher.

Cụ thể, trong một bài báo trên trang Onet vào tháng 3/2020, cổng thông tin lớn nhất ở Ba Lan, Đại sứ Mosbacher đã chỉ trích ĐCSTQ về việc che giấu sự bùng phát của đại dịch. Ông cũng chia sẻ nhận xét của mình trên Twitter. Đáp trả, ông Lưu phát động một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ bằng cách viết một bài báo đăng trên Onet, trong đó có nội dung rằng Đại sứ Mosbacher đang “phát tán một loại virus chính trị”.

Vào tháng 7/2020, Đại sứ Mosbacher đăng lại các bài báo của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên Twitter, nói rằng “không thể tin tưởng các công ty viễn thông do ĐCSTQ kiểm soát” về sự thật hoặc bảo vệ lợi ích của người khác, và “không nên tin tưởng vào tính bảo mật quan trọng của mạng 5G”.

Ngay lập tức ông Lưu viết 17 dòng tweet, với lời lẽ chỉ trích khắc nghiệt ông Mosbacher và chính phủ Hoa Kỳ.

Ngay sau khi ông Lưu được bổ nhiệm làm đặc ủy viên mới tại Hong Kong, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố thông qua một kênh chính thức rằng ông Lưu sẽ “tiếp tục chống lại áp lực và lệnh trừng phạt của nước ngoài, để bảo vệ lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Hoa Kỳ và là một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, tên là Li Yanming, nói rằng ĐCSTQ lựa chọn ông Lưu vì ông từng là một nhà ngoại giao ở Hoa Kỳ trước đây và đã công khai đối đầu với Hoa Kỳ.

“ĐCSTQ đang trông cậy vào việc ông Lưu thực hiện các chính sách ở Hong Kong nhằm phá hủy hệ thống dân chủ của đặc khu này, buộc chính quyền đặc khu phải hoàn toàn tuân thủ chính quyền trung ương và chống lại các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu gây ảnh hưởng lên Hong Kong”, chuyên gia Li nói .

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc sử dụng ngoại giao ‘chiến lang’ giám sát các công việc đối ngoại ở Hong Kong