Trung Quốc từ chối điện đàm với Mỹ sau vụ bắn hạ khinh khí cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (7/2), Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã từ chối cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về vấn đề an ninh, sau khi Washington bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh hôm 4/2.

Hôm 4/2, một máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Khí cầu này đã tiến vào không phận Hoa Kỳ trước đó một tuần, kéo theo một câu chuyện gián điệp kịch tính. Sự cố này tiếp tục làm xấu đi quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã căng thẳng.

Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết trong một tuyên bố rằng Lầu Năm Góc đã yêu cầu tiến hành một cuộc điện đàm về vấn đề an ninh với Bắc Kinh vào hôm 4/2, ngay sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, theo hãng tin Reuters.

"Thật không may, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi vẫn duy trì cam kết về việc mở các đường dây liên lạc", ông Ryder nói.

Sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc hiện diện tại không phận Mỹ hồi tuần trước đã gây náo động chính trị ở Washington và khiến nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Antony Blinken, hủy chuyến thăm đến Bắc Kinh. Chuyến thăm này vốn được hy vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt Mỹ - Trung.

Khinh khí cầu trên được phát hiện lơ lửng trên bầu trời tiểu bang Montana vào hôm 2/2, cũng là ngày mà Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn Tướng Pat Ryder tiết lộ sự hiện diện của khinh khí cầu này. Tiểu bang Montana là địa điểm sở hữu một trong những hầm chứa hạt nhân của Hoa Kỳ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đây là một khinh khí cầu dân sự đang “nghiên cứu thời tiết” đã bay chệch hướng vào không phận Hoa Kỳ,

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng khinh khí cầu được Trung Quốc sử dụng nhằm “giám sát các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ”.

Phản hồi về vụ việc khinh khí cầu của mình bị bắn hạ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố đe dọa điều mà họ gọi là “những phản ứng tiếp theo”.

“Việc sử dụng vũ lực của Hoa Kỳ rõ ràng là một phản ứng thái quá”, Bộ này tuyên bố, trước khi nhấn mạnh rằng Trung Quốc “bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng tiếp theo nếu cần thiết”.

Tuy nhiên, hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định rằng vụ việc này không làm suy yếu quan hệ hai nước.

Khi ông Austin gặp ông Ngụy Phượng Hòa vào tháng 11/2022 ở Campuchia, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện thông tin liên lạc trong thời kỳ khủng hoảng.

Chưa có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nào đến thăm Trung Quốc, kể từ chuyến công du của cựu Bộ trưởng Jim Mattis hồi 2018.

Bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với các đối tác Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ bùng phát hoặc sự cố tiềm ẩn.

Tuy nhiên, trước đây, Trung Quốc từng từ chối yêu cầu đối thoại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, trước khi giới chức quốc phòng hai bên gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 6/2022.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vốn đã trở nên căng thẳng, từ những bất đồng về vấn đề Đài Loan và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc cho đến hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc từ chối điện đàm với Mỹ sau vụ bắn hạ khinh khí cầu