Trung Quốc 'vận động hành lang' để cải thiện quan hệ với Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ The Wall Street Journal đưa tin, tuần trước, một phái đoàn cố vấn chính sách cấp cao trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bí mật gặp một tỷ phú điều hành và các cựu quan chức chính phủ tại New York để thảo luận về mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách duy trì ảnh hưởng đối với Washington.

Vào ngày 11/11 và 12/11, ông Maurice Greenberg, Giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư và bảo hiểm C.V. Starr & Co, cùng một một nhóm các nhà kinh doanh điều hành các tập đoàn lớn và cựu quan chức chính phủ Mỹ đã gặp gỡ các đại diện của Viện Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc (Chinese People’s Institute of Foreign Affairs - CPIFA) để thảo luận về các vấn đề như Đài Loan, Triều Tiên và việc Nga xâm lược Ukraine, theo tờ Wall Street Journal.

Phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ vận động chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Bali, Indonesia vào hôm 14/11.

Ông Greenberg đã tham gia vào chính trường từ nhiều thập kỷ trước và gần đây ông đã quyên góp rất nhiều cho Đảng Cộng hòa, bao gồm 10 triệu USD cho một siêu PAC (Siêu Ủy ban Hành động Chính trị) để ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Jeb Bush vào năm 2016.

Ông Greenberg đã cùng với 12 cá nhân khác đến gặp CPIFA, bao gồm cả cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tiểu bang Connecticut Joe Lieberman và cựu Đại sứ tại Trung Quốc Max Baucus.

Ông Greenberg đã viết một bài ý kiến trên tờ Wall Street Journal rằng, cả hai đều là thành viên của một nhóm tư vấn gồm các nhà điều hành cấp cao của các tập đoàn mà ông Greenberg thành lập vào tháng 7 để “giúp tái lập một cuộc đối thoại song phương có tính xây dựng” với Trung Quốc.

Viện Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc – một tổ chức tư vấn thuộc Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh – đã lập ra một nhóm như vậy, trong đó có ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Trần Đức Minh (Chen Deming), cựu thứ trưởng Bộ Thương mại và Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), cựu phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Cải cách Trung Quốc.

Ông Lieberman từng là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của tiểu bang Connecticut từ năm 1989 đến 2013, trong khi ông Baucus là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của tiểu bang Montana từ năm 2002 cho đến khi cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm ông làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc vào năm 2014.

Ông Peter Schweitzer, tác giả cuốn sách "Red Handed: How America's Elite Got Rich and China Wins" (tạm dịch: Bắt tận tay: Cách giới tinh hoa Mỹ làm giàu giúp Trung Quốc), nói với tờ DCNF rằng: “Họ hoặc là rất ngây thơ, hoặc là hoàn toàn nhận thức được họ đang đối phó với ai. Không ai trong số những người này tôi cho là ngây thơ".

Theo các chuyên gia tại Viện Hoover, CPIFA là tổ chức bình phong của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UFWD). Năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tham gia vào hoạt động gián điệp, tuyên truyền và bạo lực.

Mặc dù chưa biết danh sách chính xác phái đoàn của CPIFA đến New York, nhưng tờ DCNF đã xác nhận rằng, ban quản lý của tổ chức bao gồm nhiều chuyên gia chính sách khác nhau, những người trước đây đã từng làm việc cho UFWD và các tổ chức bình phong tình báo Trung Quốc.

Ban cố vấn của CPIFA cũng bao gồm ông Zheng Bijian, Ding Yifan và Wang Jisi, những người trước đây thuộc Diễn đàn Cải cách Trung Quốc, mà nhà nghiên cứu tình báo Trung Quốc Alex Joske mô tả trong cuốn sách "Spies and Lies: How China's Greatest Covert Operations Fooled the World" của ông là nhóm bình phong của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc.

Ví dụ, ông Tung Chee-hwa, người sáng lập Quỹ Trao đổi Mỹ - Trung (CUSEF), Wang Huiyao, người đứng đầu tổ chức tư vấn về Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), cùng những nhân vật nặng ký khác từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đều nằm trong hội đồng quản trị CPIFA. Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, cả CUSF và CCG đều là những nhóm bình phong quan trọng của UFWD.

Bất chấp những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, ông Greenberg vẫn liên tục thúc đẩy giao lưu với Trung Quốc, chẳng hạn như khi ông tháp tùng cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger tới Bắc Kinh vào tháng 12/1989, chỉ vài tháng sau vụ Thảm sát Thiên An Môn.

Ông Greenberg được cho là vẫn tiếp tục ủng hộ việc tham gia song phương trong suốt chuyến thăm của mình, một kết quả sẽ mang lại lợi ích tài chính cho công ty bảo hiểm Trung Quốc của ông, bất chấp việc chính phủ Trung Quốc tàn sát tới 10.000 người biểu tình.

Cả ông Lieberman và ông Baucus đều có những khoản đầu tư tài chính đáng kể ở Trung Quốc, như được mô tả trong cuốn sách bán chạy nhất của tác giả Schweizer "Red-Handed: How American Elites Get Rich Giving China Win".

Vào năm 2018, ông Lieberman đã đăng ký làm người vận động hành lang cho tập đoàn công nghệ ZTE do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, mà FCC sau đó đã xác định là "mối nguy hiểm an ninh quốc gia" vì đã xâm phạm "tính toàn vẹn của các mạng truyền thông của chúng tôi" vào năm 2020.

Tương tự, ông Baucus phục vụ trong ban cố vấn cho công ty Trung Quốc Alibaba cho đến năm 2019 — một công ty được cho là đã rót hàng trăm triệu USD vào các công ty Trung Quốc mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã liệt vào danh sách đen vào năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính cáo buộc các thực thể này vì phát triển công nghệ lập hồ sơ chủng tộc được chính phủ Trung Quốc sử dụng để đàn áp các dân tộc thiểu số ở miền Tây Trung Quốc.

Theo ông Derek Scissors, học giả cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Greenberg và tổ chức của ông dường như ưu tiên lợi nhuận hơn đạo đức.

Ông Scissors nói với tờ DCNF rằng, vấn đề ảnh hưởng nằm ở chỗ, các công ty tài chính và công nghệ của Mỹ chỉ hướng đến lợi nhuận ngắn hạn và giá cổ phiếu của họ, thay vì chú trọng đến hòa bình quốc tế hoặc hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu. "Họ sẽ làm điều đó ngay cả khi không có Ban Công tác Mặt trận Thống nhất", ông nhấn mạnh.

Ông Scissors mô tả ông Greenberg và các nhân viên của ông là đang "bám víu vào quá khứ".

Ông Scissors nói: “Hầu hết những người trong độ tuổi đó sẽ nhớ lại một Trung Quốc sôi động vào những năm 1990, khi cải cách có vẻ hứa hẹn. Không những Trung Quốc đang dần biến mất mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đang cố tình chôn vùi nó sâu hơn nữa".

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về yêu cầu của tờ DCNF, trong khi ông Greenberg, ông Lieberman, ông Baucus và Đại sứ quán Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Bạn bình luận gì về tin này?



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc 'vận động hành lang' để cải thiện quan hệ với Mỹ