Trung Quốc vũ khí hóa Tổ chức Thương mại Thế giới để chống lại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc vừa mới đánh bại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế thép và đang cố gắng "lặp lại lịch sử" trong việc kiểm soát xuất khẩu chip máy tính.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ lên WTO để phản đối các biện pháp này vào ngày 12/12. Bắc Kinh lập luận rằng, chúng cấu thành "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch" và góp phần phát triển hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ chống lại sự xâm lược quân sự của chính quyền Trung Quốc.

Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Do đó, sự khác biệt giữa bảo vệ kinh tế và phòng thủ quân sự giờ đây trở nên quá rõ ràng. Ngay từ năm 2018, nhóm kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump đã nhận ra rằng “an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”.

Do đó, chính phủ Hoa Kỳ đã lập luận một cách xác đáng rằng, chip máy tính là vấn đề an ninh quốc gia và miễn trừ chúng khỏi quyền tài phán của WTO. Họ không cần chứng minh sự liên quan về mặt quân sự để ra quyết định này, nhưng điều đó làm tăng thêm sức nặng cho lập luận.

Cuộc cách mạng tiếp theo trong công nghệ quân sự là việc sử dụng siêu máy tính để quân sự hóa trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như mô phỏng các loại vũ khí như tên lửa siêu thanh và vụ nổ hạt nhân. Các công nghệ tiên tiến ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan đang sản xuất các bộ vi xử lý tốc độ cực cao mới nhất. Công nghệ này lý tưởng cho mọi thứ, từ trí tuệ nhân tạo đến máy bay không người lái cỡ nhỏ. Nếu những công nghệ này rơi vào tay ĐCSTQ, rất có thể nó sẽ phá hủy hệ thống an ninh quốc tế hiện nay do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng cân nhắc về vấn đề "an ninh quốc gia" trong chính sách áp thuế, nhằm bảo vệ những gì còn sót lại của ngành thép và nhôm của Mỹ. Kể từ đó, chính sách này đã bảo vệ 22 tỷ USD đầu tư vào thép mới, cùng với nhôm và các nguyên tố đất hiếm (REE). Số tiền này được sử dụng để tài trợ và xây dựng Quân đội, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ thế hệ tiếp theo.

Trong những năm 2010, Trung Quốc đã xóa sổ ưu thế của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất kim loại thông qua bán phá giá, trợ cấp và tràn ngập thị trường. Chính quyền Trung Quốc và Nga tiếp tục tìm mọi cách để đâm sau lưng Mỹ cùng các đồng minh của mình, thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh đối với Úc, Philippines, Litva và Đài Loan; cũng như nỗ lực của Nga nhằm khai thác sự phụ thuộc của châu Âu vào khí tự nhiên hóa lỏng.

Bị thu hút bởi quan điểm tự do thương mại chính thống, Mỹ và châu Âu đã chậm nhận ra mối đe dọa, chậm phản ứng và điều chỉnh chính sách kinh tế dài hạn. Sau đó, cựu Tổng thống Trump đã "phá bùa" bằng cách áp thuế đối với Trung Quốc. Thay vì thành lập một mặt trận thống nhất chống lại chủ nghĩa toàn trị diệt chủng của Bắc Kinh, châu Âu vẫn tiếp tục đả kích họ.

Để đánh bại ĐCSTQ, các nền dân chủ phải có một hệ sinh thái công nghiệp và công nghệ tự chủ (nếu không muốn nói là chiếm ưu thế) bao trùm toàn bộ lĩnh vực sản xuất từ ​​công nghiệp nặng và kim loại, cho đến thiết kế chip và công nghệ sinh học được tối ưu hóa bằng trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp cần phải có một chuỗi cung ứng đáng tin cậy, đủ mạnh để đối phó với các thảm họa thiên nhiên như chiến tranh và dịch bệnh nhằm thúc đẩy một nền kinh tế dân chủ.

'Con bài' của Hoa Kỳ tại WTO

Rất may, do ông Trump từ chối bổ nhiệm các thẩm phán cho Cơ quan phúc thẩm của WTO (đọc là: Tòa án tối cao), tòa án đó hiện không còn tồn tại. Giờ đây, Hoa Kỳ có thể đánh bại các khiếu nại của Trung Quốc tại WTO bằng cách kháng cáo lên tòa án không thể đưa ra phán quyết về những khiếu nại đó.

Chính quyền ông Biden cũng không rút khỏi WTO - tổ chức được cho là sẽ trao thêm quyền lực cho Bắc Kinh. Tổng thống Joe Biden cũng không bổ nhiệm một thẩm phán mới của WTO để hồi sinh nó từ cõi chết. Thật tuyệt.

Bất chấp những lo ngại từ Bắc Kinh, Brussels, những người theo chủ nghĩa tự do thương mại và các nhà kinh tế tiếp tục phớt lờ các lập luận về an ninh quốc gia, chính sách này vẫn được duy trì. Họ dường như mù quáng trước mối đe dọa kinh tế của việc ĐCSTQ lạm dụng các thể chế quốc tế để đạt được mục tiêu phi tự do cuối cùng là bá quyền toàn cầu.

Một khi các quốc gia như Trung Quốc và Nga không còn là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ (điều kiện lý tưởng nhất là chính quyền Trung Quốc đi theo hướng dân chủ hóa), lúc đó Washington mới có thể yên tâm quay trở lại các nền kinh tế phát triển và những thứ xa xỉ thời bình của tự do thương mại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh Saul Loeb/AFP/Getty Images)

'Mỹ nên loại Trung Quốc ra khỏi WTO'

Mỹ nên loại Trung Quốc ra khỏi WTO và các tổ chức quốc tế khác để tái cấu trúc hệ thống quốc tế; đồng thời bảo vệ an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của các nền dân chủ. Điều đó có vẻ như quá mức cần thiết, nhưng sự mở rộng quyền lực của ĐCSTQ đang khiến quyết định này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Điều kiện rõ ràng để Trung Quốc gia nhập WTO và các tổ chức quốc tế khác là Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh công bằng, phát triển hệ thống chính trị dân chủ, cải thiện nhân quyền và kiềm chế xâm lược lãnh thổ. Thay vào đó, Bắc Kinh đã đánh cắp công nghệ của Mỹ, chiếm đoạt tiền của Mỹ, xâm chiếm các khu vực lân cận, đưa ông Tập Cận Bình lên làm nhà lãnh đạo suốt đời của Trung Quốc, phát minh ra công nghệ nhà tù cho chính cư dân của mình và nhắm vào người Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và gần đây nhất là người Duy Ngô Nhĩ. ĐCSTQ đã thất bại trên mọi mặt trận.

Như Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã viết vào ngày 8/12: “Chúng ta nên quay trở lại hiện trạng trước khi WTO công nhận Trung Quốc là một quốc gia phi thị trường, nay tôi sẽ thêm vào đó là ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng đối với chính người dân của họ. Chỉ khi làm được điều này, Mỹ mới có thể bắt đầu sửa chữa những sai lầm lịch sử mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đã mắc phải 20 năm trước, khi họ mở rộng vòng tay chào đón Trung Quốc gia nhập WTO và mở rộng hầu bao, cũng như thả con rồng đó ra thế giới".

Các giới chức đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này và đáp trả bằng các hành động kinh tế cứng rắn nhất chống lại Trung Quốc. Sự chậm trễ có thể dẫn đến tử vong. Hãy bắt kịp tốc độ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là hiệu trưởng của Corr Analytics Inc., đồng thời là nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị. Ngoài ra, ông đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các cuốn sách mới nhất của ông là “Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống phân cấp và Quyền bá chủ” (2021) và “Các cường quốc, Chiến lược lớn: Trò chơi mới ở Biển Đông” (2018).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc vũ khí hóa Tổ chức Thương mại Thế giới để chống lại Mỹ