Trước rủi ro an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng Úc ủng hộ việc Trung Quốc được tiếp tục thuê cảng Darwin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Úc cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm đang gây ra nhiều tranh cãi. Sau một cuộc rà soát, bộ Quốc phòng Úc cho rằng hợp đồng cho Trung Quốc thuê không tạo ra các rủi ro an ninh quốc gia, và khuyến nghị chính phủ Úc nên duy trì thỏa thuận cho thuê. Liệu tầm quan trọng của một cảng biển nối Úc với châu Á có đang bị đánh giá thấp?

Bộ Quốc phòng Úc mới đây đã khuyến cáo chính phủ liên bang không nên hủy bỏ hợp đồng vốn đang gây nhiều tranh cãi liên quan đến cảng Darwin. Đây là hợp đồng cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm. Bộ Quốc phòng viện dẫn lý do thiếu căn cứ về việc đe dọa an ninh quốc gia.

Cuộc rà soát, do Bộ trưởng Quốc phòng Úc - ông Peter Dutton - khởi xướng, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Canberra. Động thái này nhằm điều tra xem liệu bến cảng do Trung Quốc sở hữu có gây ra “rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được” hay không, và liệu Úc có nên cân nhắc việc tái quốc hữu hóa cảng đó hay không.

Cuộc rà soát diễn ra sau khi 2 thỏa thuận nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chính phủ bang Victoria và Bắc Kinh bị hủy bỏ vào tháng 4/2021, theo The Epoch Times. Đặc biệt, khi mà dự luật Quan hệ đối ngoại đã được thông qua, cùng với 2 thỏa thuận trên, nhiều thỏa thuận khác giữa Úc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng có thể bị xem xét lại, bao gồm kế hoạch thành lập các viện Khổng Tử và các thành phố kết nghĩa.

Theo bài báo trên tờ The Australian xuất bản hôm thứ 4 (29/12), Ủy ban an ninh quốc gia Úc - nơi chịu trách nhiệm cho cuộc rà soát - cho biết họ không nhận được bất kỳ khuyến nghị chính thức nào từ Bộ Quốc phòng về việc yêu cầu chính phủ can thiệp vào thỏa thuận.

Các tiếng nói ủng hộ việc chấm dứt cho Trung Quốc thuê cảng Darwin

Trong chuyến thăm thành phố Darwin vào tháng 4/2021, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, thỏa thuận trị giá 506 triệu AUD cho thuê cảng Darwin hoàn toàn là trách nhiệm của chính phủ Lãnh thổ phía Bắc (NT) trước đây. Lý do là thỏa thuận này đã được thực hiện mà không có sự giám sát của chính phủ liên bang. Vào năm 2015, khi đang nợ nần chồng chất, chính phủ NT đã cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin.

Bộ Quốc phòng Úc ủng hộ Trung Quốc tiếp tục thuê cảng Darwin bất chấp rủi ro an ninh quốc gia
Ông George Christensen phát biểu tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, ngày 7/12/2017. (Ảnh: Michael Masters/Getty Images)

Thủ tướng Morrison cho biết thêm, ông sẽ hủy bỏ hợp đồng này "nếu có sự thay đổi trong quan điểm về vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến những cơ sở hạ tầng quan trọng; những quan điểm ấy đến từ chuyên gia trong Bộ Quốc phòng hoặc trong các cơ quan an ninh của Úc".

Trong khi đó, Giáo sư Clive Hamilton của Đại học Charles Sturt gọi kết quả của việc rà soát kể trên là "ngây thơ" và "cực kỳ khó hiểu". Ông cho rằng việc tiếp tục cho thuê cảng sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh do thám các tài sản quốc phòng đặt tại Darwin.

Ông Hamilton nói với News Corp: “Nếu cảng Darwin không phải là cơ sở hạ tầng quan trọng, thì tôi không hiểu cái gì mới là quan trọng". Ông cũng lưu ý rằng chính phủ vẫn có quyền bãi bỏ hợp đồng cho thuê.

Trong năm 2021, nghị sĩ liên bang George Christensen và nghị sĩ độc lập Bob Katter đều kêu gọi chính phủ Úc chấm dứt việc cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin, để bảo vệ lợi ích quốc gia Úc. Ông Christensen đã viện dẫn việc Trung Quốc đang gia tăng sức ép kinh tế lên Úc, theo The Epoch Times. Còn theo ông Katter, các tàu buôn Trung Quốc xuất hiện tại cảng Darwin có khả năng là các tàu bán quân sự. Theo Viện Chính sách chiến lược Úc, các tàu bè cùng với dân quân Trung Quốc có thể lợi dụng cảng Darwin để tiến hành các hoạt động bất lợi cho Úc và đồng minh.

Bộ Quốc phòng Úc ủng hộ Trung Quốc tiếp tục thuê cảng Darwin bất chấp rủi ro an ninh quốc gia
Ông Bob Katter nói chuyện với giới truyền thông trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, ngày 31/8/2020. (Ảnh: AAP Image / Lukas Coch)

Trong khi đó, một thành viên Đảng Lao động, ông Luke Gosling, cũng thúc giục chính phủ tránh "một tiêu chuẩn kép trắng trợn". Ông kêu gọi rằng, thỏa thuận cảng Darwin nên bị hủy bỏ giống như 2 thỏa thuận BRI của chính phủ Victoria.

Ông Gosling viết trong một bài bình luận cho Viện Chính sách Chiến lược Úc hôm 15/09/2020: “Về mặt chính thức, việc bán cảng Darwin không được coi là thuộc dự án BRI. Nhưng chắc chắn đối với Bắc Kinh, nó là một phần của dự án này, cho dù theo phía chúng ta thì không". Năm 2016, ông chủ của Landbridge - tỷ phú Ye Cheng - cũng khoe khoang rằng việc thuê cảng Darwin sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của BRI.

BRI là kế hoạch hàng nghìn tỷ của ĐCSTQ, xây dựng các cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, thể hiện tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Tuy nhiên, BRI đang bị chỉ trích là bẫy nợ cho các quốc gia đang phát triển và có thể bị tận dụng cho các mục đích quân sự hoặc do thám của Bắc Kinh.

Để đối phó với thỏa thuận cho thuê cảng và những lo ngại về can thiệp từ nước ngoài, chính phủ Úc đã sửa đổi Đạo luật An ninh về Cơ sở hạ tầng quan trọng năm 2018. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Úc được trao quyền hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận cơ sở hạ tầng nào có thể gây ra mối đe dọa an ninh đối với đất nước.

Tuy nhiên, ông Gosling nói thêm, đạo luật này không áp dụng cho “công ty hoạt động trên cơ sở thương mại”. Điều này đã tạo kẽ hở cho phép ĐCSTQ thao túng các công ty tư nhân của Trung Quốc như Landbridge, qua đó có được các tài sản quan trọng.

Ông lưu ý rằng: “Một công ty tư nhân sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước ngoài vẫn là đối tượng phải chịu trách nhiệm trước Bắc Kinh”.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chính phủ liên bang Úc đánh giá đúng tầm quan trọng của cảng Darwin - cửa ngõ nối Úc với châu Á - thì họ sẽ không để Trung Quốc có cơ hội nhảy vào khoản đầu tư này.

Các tiếng nói ủng hộ việc tiếp tục cho Trung Quốc thuê cảng Darwin

Hôm thứ 4 (29/12), người phát ngôn về Quốc phòng của Đảng Lao động, ông Brendan O'Conner, cảnh báo Thủ tướng Úc không nên đi ngược lại lời khuyên của Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng Úc ủng hộ Trung Quốc tiếp tục thuê cảng Darwin bất chấp rủi ro an ninh quốc gia
Con tàu Legend of the Seas cập cảng Darwin, thuộc Lãnh thổ phía Bắc, Úc, vào thứ 6 (31/7/2015). (Ảnh: AAP Image/ Gregg Tripp)

Ông O'Conner nói: “Cảng Darwin là một tài sản chiến lược quan trọng đối với Úc. Người Úc hiểu rằng thỏa thuận tư nhân hóa liên quan đến thực thể nước ngoài này hẳn sẽ không xảy ra dưới thời ông Morrison".

"Nếu chính phủ bất chấp lời khuyên của Bộ Quốc phòng, hành động đơn phương, và can thiệp vào hợp đồng Cảng Darwin, thì Thủ tướng sẽ phải chịu trách nhiệm với các khoản chi phí liên quan và những hệ quả đi kèm".

Công ty Landbridge đã bác bỏ mọi lo ngại về rủi ro an ninh liên quan đến quyền sở hữu cảng. Landbridge cũng cảnh báo rằng sự chú ý của Úc vào công ty này có thể cản trở kế hoạch đầu tư 155 triệu USD của Landbridge vào cảng Darwin trong 20 năm tới.

Ông Warwick Smith, doanh nhân và cựu bộ trưởng trong chính phủ dưới thời ông Howard, nói với The Australian rằng thỏa thuận cho thuê cảng “đem đến khoản lợi nhuận hợp lý cho một khu vực cảng về cơ bản là kém phát triển". Ông cũng cho rằng nhiều quan chức hàng đầu của Úc không coi lợi nhuận này là một "vấn đề cần ưu tiên".

Đức Duy - Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Trước rủi ro an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng Úc ủng hộ việc Trung Quốc được tiếp tục thuê cảng Darwin